Hai cánh chim côi cút nương tựa nhau cùng vươn lên trong học tập

22/07/2017 08:19
Phan Tuyết
(GDVN) - Nỗi đau cứ liên tiếp giáng xuống người hai đứa trẻ. Chúng hết khóc mẹ bỏ đi, khóc cha đã vĩnh viễn rời xa, giờ lại đến khóc nội, từng người đều lần lượt ra đi.

LTS: Các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Phan Tuyết. Trong bài viết này, cô kể về hoàn cảnh của hai chị em Tuyết Ngân, dù sớm thiếu vắng đi bàn tay chăm sóc, chở che của người mẹ, cũng như sự dạy bảo của người bố, nhưng hai em đã nỗ lực vượt khó, đạt kết quả cao trong học tập, một tấm gương sáng cho mọi người nể phục và trân trọng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Căn nhà nhỏ nơi dốc cầu Tân Xuân huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận vốn là tổ ấm của gia đình anh Võ Phi Lan. Hàng ngày, người vợ tảo tần bên đường bán nước mía. Anh Lan cần cù chạy xe ôm kiếm tiền phụ giúp vợ nuôi hai con. 

Những tưởng cuộc sống yên bình thì bất ngờ tai ương lại trút xuống tổ ấm bé nhỏ của gia đình anh. Sau những cơn đau tưởng chừng không thể sống nổi, anh Lan biết mình bị thoái hóa hai khớp háng nguy cơ phải cắt bỏ chân. Tuy thế, ngày ngày, anh vẫn miệt mài chạy xe ôm vì không muốn gánh nặng cơm áo gạo tiền trút xuống đầu vợ con của mình. 

Chỉ ít lâu sau, anh lại phát hiện mình còn mắc thêm căn bệnh ung thư. Thay vì bất lực buông xuôi, anh vẫn cố gắng lạc quan vì mình còn cả gia đình bên cạnh. Nhưng vợ anh, người luôn đầu gối tay ấp lại không thể chịu đựng được nỗi đau đó. Chị bất ngờ bỏ đi và không bao giờ trở lại.

Lúc đấy, cô chị Tuyết Ngân lên 6 tuổi mới vào lớp 1, cô em Tuyết Nga vừa tròn 2 tuổi. Có lẽ, do còn quá nhỏ để hiểu được vì sao mẹ lại nhẫn tâm vứt bỏ cả gia đình nên chiều chiều, hai chị em cứ ra đường ngồi ngóng tin mẹ. 

Cô út Hương kể: “chúng ngồi đến khuya, ngủ gà ngủ gật bên hè đường nhưng vẫn nhất định không chịu vào ngủ vì sợ mẹ đi qua không nhìn thấy. Nhìn cảnh ấy, bà con chòm xóm ai cũng đứt lòng”.

Thương con, anh Lan vẫn chạy xe kiếm tiền nuôi con với ước mơ cháy bỏng “nhất định con phải học hành đến nơi đến chốn để đổi đời, không thể thất học mà khổ như bố mẹ”. 

Hai cánh chim côi cút nương tựa nhau cùng vươn lên trong học tập ảnh 1

Bố phụ hồ nuôi con đậu thủ khoa Đại học Quốc gia

Để thực hiện ước mơ học tập của con, anh Lan bất kể ngày đêm miệt mài làm thêm. Có lẽ, do làm lụng vất vả, không có tiền thuốc thang đều đặn, ăn uống lại kham khổ, căn bệnh ung thư của anh ngày càng biến chuyển. 

Ít năm sau, trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh Lan đã gửi lời trăng trối với cô em ruột “ráng nuôi con dùm anh, cho chúng học hành đến nơi đến chốn”. 

Mất bố, hai đứa bé trở thành mồ côi khi mẹ còn nhưng lại không thừa nhận. Bà nội thương cháu dọn về ở cùng nhưng cũng chỉ vài năm sau, nội cũng ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. 

Nỗi đau cứ liên tiếp giáng xuống người hai đứa trẻ đáng thương. Chúng hết khóc mẹ bỏ đi, khóc cha đã vĩnh viễn rời xa, giờ lại đến khóc nội, từng người đều lần lượt từ bỏ chúng mà ra đi. 

Nước mắt cạn khô, chỉ có nỗi đau vẫn âm ỉ gặm nhấm từng ngày. Hai đứa trẻ, hai cánh chim cút côi không nơi nương tựa, không tiền bạc trong tay, làm sao có thể tiếp tục học như lời hứa với cha trước lúc lâm chung?

“Chúng còn may mắn vì có tình thương của cô út Hương” một người dân láng giềng chia sẻ. Tuy cô út không khá giả nhưng lại giàu lòng nhân hậu để chở che, để bảo bọc chúng như con. Hằng ngày, cô bớt phần ăn của mình, của con để san sẻ cho hai chị em Ngân có cái cầm hơi đến trường.

Ngân trở thành mẹ, thành bố cho cô em gái còn nhỏ của mình dựa vào. Khổ nhất là lúc em còn nhỏ cứ ngây thơ hỏi “Sao mẹ đi lâu quá không về? Sao mẹ lại bỏ tụi mình hả chị?”. 

Hằng ngày, ngoài việc học, Ngân còn là cô giáo của em, không chỉ dạy em học hành, còn dạy em rất nhiều điều trong cuộc sống như biết cách tự lo cho mình khi chị vắng nhà, biết giúp cô út làm việc... 

Số phận cay đắng dường như vẫn muốn thử thách lòng kiên nhẫn của em khi những bất hạnh cứ liên tục dội xuống. Ngân bị mắc căn bệnh động kinh, dù chạy chữa khắp nơi vẫn không thể khỏi. Bác sĩ khuyên em sẽ phải uống thuốc suốt đời nhưng thuốc bảo hiểm lại không tác dụng gì.

Thế rồi, hàng ngày, ăn có thể đói ăn, mặc miễn sao sạch nhưng buộc phải có gần 40 ngàn đồng để uống thuốc trị động kinh. Với gia đình bình thường cũng đã khổ, gia đình ngặt nghèo như em lại khổ gấp trăm lần.

Hình ảnh về chị em Tuyết Ngân bên trang sách (Ảnh: do tác giả cung cấp)
Hình ảnh về chị em Tuyết Ngân bên trang sách (Ảnh: do tác giả cung cấp)

Em nói mình chẳng biết làm gì ngoài việc hằng ngày đi học về, phụ bán hàng tạp hóa, dọn dẹp nhà cửa, chạy bàn đám cưới mỗi khi có ai kêu. 

Sống trong gia cảnh như thế nhưng Ngân học rất giỏi, 12 năm liền luôn là học sinh xuất sắc của lớp, của trường. Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, em đạt điểm xét tuyển đại học 24.05 (chưa cộng điểm vùng) khối B.

Nga học cũng không kém chị, đã 8 năm là học sinh giỏi xuất sắc, em còn đạt nhiều giải nhất, nhì kỳ thi học sinh giỏi Toán của huyện, của tỉnh. Em vừa vinh dự đại diện cho những học sinh nghèo học giỏi của Bình Thuận ra Hà Nội gặp mặt với các bạn cả nước.

Thiếu vắng sự đùm bọc của bố, sự cưu mang dạy dỗ của mẹ nhưng hai chị em Ngân vẫn cố gắng, chăm ngoan, học giỏi, bà con chòm xóm đều nức tiếng khen ngợi và nhiều người ước ao con mình cũng được như thế.

Cô Loan giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 của Ngân nhận xét: “Ngân rất chịu khó và học hành chăm chỉ, luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Cuối năm các bạn còn bình chọn là “Nữ hoàng thân thiện” và gửi lời chúc dù trong hoàn cảnh nào vẫn giữ được sự vui vẻ, lạc quan như thế”.

Phan Tuyết