Hai năm tới là cơ hội và thách thức của các thầy cô dạy môn Ngữ Văn

16/10/2017 06:00
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Giáo viên bị cuốn theo các cuộc thi, lo đủ thứ lo ngoài chuyên môn và thi đua thành tích nên có nhiều người quên luôn cả trau dồi kiến thức, kỹ năng bộ môn.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ Giáo dục-Đào tạo công bố tháng 7/2017, nhiều thay đổi quan trọng của môn Ngữ văn đã mở ra cơ hội cho học sinh và giáo viên được phát huy năng lực sáng tạo trong giao tiếp nghe, đọc, nói viết và tiếp nhận văn học.

Những đổi mới mong đợi

Những điểm quan trọng nhất trong Chương trình Ngữ văn mới xác định rõ mục tiêu môn học là đánh giá năng lực, phẩm chất; về cấu trúc, phạm vi nội dung môn học; về phương pháp dạy học; về kiểm tra - đánh giá…

Chỉ thay đổi những gì không phù hợp và hạn chế của Chương trình hiện nay nên Chương trình mới có thể sẽ không quá khó với thầy và trò.

Nếu môn Văn không từ từ chết thì xã hội ít phải chứng kiến những chuyện đau lòng

Chuyển từ mục tiêu dạy, học Văn chủ yếu là học “kiến thức, kỹ năng, thái độ” sang mục tiêu dạy học phát triển “năng lực và phẩm chất người học”.

Môn học về ngôn ngữ, tác phẩm văn học và làm văn (gọi chung là môn Ngữ văn) vẫn chú trọng yêu cầu đọc hiểu văn bản với các loại văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin… để hình thành và phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe. Sự chồng chéo, lặp lại nội dung bài học ở cấp phổ thông trung học sẽ không còn nữa.

Một số tri thức cơ bản cần thiết về lịch sử văn học, lý luận văn học và ngôn ngữ sẽ tích hợp trong các bài đọc hiểu văn bản; một số nội dung mới sẽ đưa vào Chương trình nhằm gắn với năng lực giao tiếp thực tế và ứng dụng, vận dụng nhằm loại dần tính hàn lâm, phù phiếm của học Văn hiện nay.

Không theo trục tiến trình lịch sử phát triển văn học mà theo loại thể; các bài học sắp xếp từ lớp nhỏ đến lớn; gợi ý nhiều tác phẩm văn học để giáo viên và học sinh lựa chọn; chỉ có 6 tác phẩm văn học bắt buộc…

Ngữ liệu của bộ môn được quy định theo các nguyên tắc phù hợp và được khai thác với yêu cầu mới của Chương trình.

Thầy cô dạy Ngữ văn cơ bản đồng tình với mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học mới, yêu cầu tích hợp và kiểm tra đánh giá đổi mới đó nhưng vẫn còn những băn khoăn lo lắng.

Chương trình mới, thách thức mới

Thoát khỏi tính chung chung, hàn lâm, ôm đồm hiện nay, môn Ngữ văn sẽ hướng người học đến học Ngữ văn để sống, làm việc và thành người hiện đại, văn minh.

Cách đánh giá khả năng đọc hiểu của học sinh theo như đề và kiểm tra hiện nay không thể đảm bảo chất lượng thực tế.

Người dạy một kiểu, người đánh giá một kiểu, định lượng theo chủ quan cảm tính giám khảo khác với môn tự nhiên.

Một đề bài chung, hai người chấm, dù có chấm điểm độc lập thế nào vẫn không thể khách quan và công bằng.

Hai năm tới là cơ hội và thách thức của các thầy cô dạy môn Ngữ Văn ảnh 1

Một số băn khoăn về nội dung chương trình Ngữ văn mới

Phần kiểm tra đánh giá đọc hiểu và viết đoạn văn, bài nghị luận văn học và tổ chức thi như hiện nay làm sao phân hóa được trình độ và kỹ năng Ngữ văn của thí sinh.

Nên chăng, trong bài thi có phần viết bài luận tự do theo đề tài của đề bài, dung lượng 400 chữ nhằm đánh giá và phân hóa khách quan khả năng đọc hiểu, tạo lập văn bản và tư duy của học trò thay vì có câu viết đoạn nghị luận 200 chữ như hiện nay.

Việc chọn 6 tác phẩm bắt buộc chưa chú trọng giá trị văn chương nghệ thuật và thiên về chủ đề yêu nước là trở ngại lớn cho thầy cô và học sinh đọc hiểu.

Nội dung tư tưởng, tính triết lí thì có thể rất chuẩn nhưng vốn hiểu biết về Hán tự và văn phong cổ từ năm Ất Dậu 1945 trở về xa xưa rất khó để học sinh thời hiện đại hiểu chữ nghĩa và nghệ thuật tạo lập văn bản.

Thầy ngại, trò sợ nên làm thế nào nhận ra được, thấm sâu được các giá trị của những áng hùng văn, làm sao nhận ra được vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ tiếng Việt?

Văn chương xưa nay và dù ở hệ tư tưởng nào cũng vì con người và vì sự phát triển của xã hội loài người. Tác phẩm nào đạt đến tinh diệu về nghệ thuật ngôn từ và thuyết phục trong việc ngợi ca con người với sứ mệnh cao cả sẽ dễ đi vào lòng người nhất và ở lại lâu nhất.

Giảm bớt những kiến thức liên quan đến lý luận văn học và những bài học chuyên sâu về giá trị tư tưởng và nghệ thuật để chú trọng nhiều đến kỹ năng đọc hiểu… cũng sẽ làm mất đi “chất văn” cho người học văn.

Vả lại, giá trị xuyên suốt của văn học truyền thống Việt Nam từ xưa đến nay là tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, cảm hứng thế sự...

Văn học phản chiếu thời đại, cho nên, dù trực tiếp hay gián tiếp, vẫn tập trung thể hiện sinh động những tư tưởng, ý chí và khát vọng của con người, thể hiện sứ mệnh cao cả của con ngườivới tất cả nhiệm vụ chính trị của một con người.

Người làm chương trình và người giảng dạy Ngữ văn cần ứng xử với những tác phẩm “nhạy cảm” ấy như thế nào để không bị giàng buộc bởi quan điểm, lập trường chính trị, để đảm bảo được mục đích giáo dục môn Ngữ văn: nghe, đọc, nói, viết?

Phần lớn giờ học Ngữ văn hiện nay vẫn là đọc-chép hoặc theo văn mẫu, sách mẫu. Sự định hướng trong sách Chuẩn kiến thức kỹ năng hay sách giáo viên thật như khuôn mẫu.

Không phải không có lý do để phần đông thầy cô giáo coi sách giáo khoa, sách giáo viên là bắt buộc, thậm chí dạy cả kiến thức sai luôn theo sách.

Phương pháp giảng bình, coi trọng người học rất khó làm trước thực tế học sinh học Ngữ văn chỉ để thi lên lớp và tốt nghiệp chứ không phải vì cuộc sống của họ.

Dường như, lâu nay chúng ta đã nói một đàng làm một nẻo, đến đâu cũng dõng dạc rao giảng “dạy văn là dạy cách làm người, học văn là học cách làm người”.

Thầy cô Ngữ văn vẫn cho điểm quá đáng cho cả những em đọc thạo văn bản, viết chưa đúng chữ Việt, và giúp các trò thành những công dân và trí thức kiểu mẫu! Dạy học như thế là rời xa khoa học và con người để làm chính trị tự bao giờ?

Bách khoa toàn thư của thầy cô Ngữ văn. Ảnh Văn Lự.
Bách khoa toàn thư của thầy cô Ngữ văn. Ảnh Văn Lự.

Thầy cô đi trước một bước

Thầy cô kiến thức vững vàng và chuyên chú dạy Ngữ văn sẽ biết cách tạo sức hút và sự hứng khởi cho bài học.

Có thầy cô chỉ muốn dạy cho xong, cho hết bài, cho đảm bảo đúng với sách hướng dẫn, không dám và không thể lấy ví dụ khác sách giáo khoa đã cũ rích.

Dạy như sách, chấm như văn mẫu và diễn thuyết hùng hồn cả mấy trang giáo án, viết kín bảng to của không ít thầy cô Ngữ văn đã và đang làm học trò chán học môn này thêm hoảng.

Làm thế nào để các nhà giáo dạy Văn cập nhật thông tin và thay đổi nhận thức, thay đổi phương pháp để thực hành được Chương trình mới với bài học mới, phương pháp mới và những tác phẩm tự chọn?

Muốn giờ học văn không nhàm chán, ngoài năng lực tri thức và phương pháp phù hợp đối tượng học sinh, thầy cô dạy Ngữ văn cũng rất nên cập nhật thông tin mới và quan trọng nhất là nên tự chủ, có thể phá cách, linh hoạt giảm tải nội dung thích hợp và tạo tâm thế lạc quan cho học trò.

Giờ học văn cuốn hút và hiệu quả là thầy cô cần chuẩn bị kiến thức nào quan trọng cho học sinh mỗi lớp khác nhau.

Khi bê nguyên cả nội dung (trong giáo án) sẽ quá tải với nhiều trò theo khối tự nhiên; khi giảng quá sâu, mở rộng và nâng cao ngay cả trong lớp học chính môn khối C, D cũng quá tải; khi giáo viên chỉ muốn chạy lướt xong toàn bộ các ý chính, các đề mục mà không quan tâm học sinh có lắng nghe hay không dẫn đến trò chỉ ngồi im chép bài vội vàng cho kịp…mà không biết mình vừa chép gì. Vì thế, mọi sự nỗ lực cũng vô nghĩa.

Giúp trò hiểu bài, từ gợi ý định hướng nho nhỏ, phù hợp đối tượng mỗi lớp, nhà giáo có tay nghề vững sẽ tạo tâm thế tiếp cận bài học, quản lý và chấn chỉnh trò tham gia vào bài học, từng bước giúp các em nhận biết, thông hiểu và trả lời được câu hỏi cuối bài.

Hai năm tới là cơ hội và thách thức của các thầy cô dạy môn Ngữ Văn ảnh 3

Dạy Văn, trước hết cần làm cho học sinh yêu Văn

Thầy cô giáo nói chung và môn Ngữ văn nói riêng luôn đặt mình vào vai học trò khiến các em mệt mỏi, ít hứng thú để hiểu sự tiếp thu bài học.

Thầy dạy đối phó cho hết bài, trò ngồi học đối phó cho xong tiết học còn điểm bài thì là việc của chỉ tiêu sẽ có cách khác.

Thay đổi tư duy, thay đổi quan điểm ở người thầy trước rồi mới đến thay đổi phương pháp dạy và học Ngữ văn. Tư tưởng bảo thủ và sợ hãi kiểu Bê-li-cốp (truyện ngắn Người trong bao, Sê- Khốp) bây giờ trường nào cũng thấy!

Hội đồng đổi mới giáo dục quốc gia cần đưa vào chương trình bồi dưỡng kế hoạch cải cách tư tưởng dạy học để thầy cô thay đổi tư duy trước khi học bồi dưỡng thay sách và phương pháp giảng dạy.

So với chương trình hiện nay, chương trình mới giảm tải rất nhiều và không lặp lại bài học ở cấp trung học cơ sở. Chất lượng giáo viên sẽ quyết định chất lượng môn học Ngữ văn nói riêng và chất lượng đào tạo học sinh nói chung.

Việc tổ chức các chu kỳ bồi dưỡng thường xuyên rất tốn kém và chỉ mang tính hình thức, không mấy hiệu quả vừa qua nếu không thay đổi và tổ chức nghiêm túc, có trọng tâm sẽ không thể mang lại kết quả mong đợi.

Việc lùi lại một năm thời gian thực hiện chương trình mới (2019-2020) đòi hỏi việc tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cần bắt đầu ngay từ năm 2017.

Giáo viên bị cuốn theo các cuộc thi, các công việc vặt, lo đủ thứ lo, làm đủ việc ngoài chuyên môn và thi đua thành tích nên có người quên luôn cả trau dồi kiến thức, kỹ năng bộ môn.

Khi dùng chiến thuật đối phó và ngụy biện, người thầy quen làm theo thì chương trình dù mới thế nào cũng có thể chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi! 

Đào tạo lại là không thể và đồng lương không đủ nuôi sống, thầy cô rất khó chuyển mình theo kịp chương trình và phương pháp mới.

Cách tổ chức và quản lý, cách thanh kiểm tra của cán bộ quản lý và thanh tra chuyên môn vừa hình thức và cứng nhắc, vừa áp buộc về chuyên môn cũng sẽ làm cho thầy cô Ngữ văn không dám phá cách dạy cũ, không dám thoát ly sách, không dám tích hợp và mở rộng tri thức.

Dạy văn là dạy cách làm người và học văn là học cách để thành người có ích. Thực trạng dạy văn, học văn hiện nay đòi hỏi người thầy và cán bộ quản lý đổi mới tư duy về môn học trước khi tiếp cận và thực hành Chương trình mới.

Thầy cô giáo với tầm nhìn mới, dồi dào năng lực và tâm huyết sẽ là nhân tố quyết định sự đổi mới toàn diện giáo dục thành công nước ta!

Nguyễn Văn Lự