Hè chưa về phụ huynh đã nháo nhác tìm lớp học cho con

17/05/2017 08:10
Thuận Phương
(GDVN) - Chưa đến hè nhưng một số trung tâm dạy thêm ở thị xã đã kín chỗ. Không ít người nói nhất định con tôi phải được học với chính thầy cô ấy...

LTS: Thời điểm chuẩn bị kết thúc năm học, các bậc phụ huynh lại vội vàng đi tìm lớp học hè cho con.

Cô giáo Thuận Phương phản ánh thực trạng trên cả ở vùng nông thôn và thành thị. Đồng thời, cô cũng bật mí những chiêu hút học trò của một số thầy cô giáo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hàng trăm phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh rồng rắn xếp hàng đợi đăng ký học hè cho con tại văn phòng của Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, Quận 1. 

Có phụ huynh ngồi chờ suốt cả ngày, người đã đi đến vài lần nhưng vẫn chưa đăng kí được. Ở thành phố thì thế, còn vùng thôn quê thế nào?

Hè chưa về, phụ huynh lại nháo nhác tìm lớp cho con. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Hè chưa về, phụ huynh lại nháo nhác tìm lớp cho con. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Chưa đến hè nhưng một số trung tâm dạy thêm ở thị xã đã kín chỗ. Không ít người nói nhất định con tôi phải được học với chính thầy cô ấy (chủ yếu là nghe nhiều người truyền tai nhau thầy cô giáo ấy dạy giỏi). 

Bởi thế, có người phải cậy nhờ đến các mối quan hệ nhưng nhiều khi cũng không thể chen chân vào được vì sĩ số của các lớp học đều chật như nêm.

Phụ huynh thì thế nhưng giáo viên trong nghề thường nói với nhau: “Cũng thường thôi, chẳng qua là gặp thời. Chứ nếu thật sự giỏi sao phải chọn học trò để dạy?

Có học trò giỏi đương nhiên kết quả đạt được phải cao. Học sinh dốt mà dạy đạt giỏi mới thật sự là thầy cô giáo giỏi”.

Bí quyết chiêu sinh học trò

Một điều lạ, khi chiêu sinh học trò vào lớp dạy thêm của mình, những thầy cô giáo này không cho ghi danh một cách đại trà. 

Có cô nói thẳng “Cô chỉ nhận học trò từ lớp A1 đến A5” hoặc học sinh lớp B1 (Học sinh những lớp này thường có lực học từ khá trở lên). 

Có thầy bậc trung học cơ sở chỉ nhận dạy học sinh giỏi cấp tiểu học, đặc biệt những em có giải trong các kì thi Violimpic là đối tượng ưu tiên số 1. 

Nhiều thầy cô giáo ở các bậc học đã liên kết với nhau theo kiểu “lợi ích nhóm” nhằm thâu tóm những học sinh tiềm năng về với đội của mình. 

Chẳng hạn, giáo viên lớp 5 chuyển giao (bằng cách lăng xê là chính) toàn bộ học sinh giỏi mình đang dạy bao năm cho một giáo viên bậc trung học cơ sở. 

Mặc dù quyền quyết định học thêm với thầy cô nào vẫn do phụ huynh quyết định. Nhưng khi người giới thiệu chính là thầy cô của con mình thì phụ huynh luôn đặt niềm tin tuyệt đối. 

Hè chưa về phụ huynh đã nháo nhác tìm lớp học cho con ảnh 2

Hà Nội cấm các trường triển khai tổ chức ôn tập hè trước ngày 1/8

Tương tự, những giáo viên bậc trung học cơ sở sau này cũng sẽ chuyển giao học sinh cho những giáo viên bậc trung học phổ thông thân thiết với mình.

Thầy nổi danh nhờ trò giỏi

Thế rồi, nhờ những bí quyết đó, một số thầy cô giáo đã có trong tay một lực lượng học sinh hùng hậu. 

Và đương nhiên kết quả học tập của các em cũng sẽ tốt hơn gấp nhiều lần những học sinh bình thường khác. 

Trong lớp học, những học sinh này luôn nằm ở tốp đầu. Trong những kì thi học sinh giỏi các cấp, học sinh ở những lớp học thêm này phần lớn đều đạt điểm cao và giành những giải thưởng lớn. 

Thế rồi, tiếng lành đồn xa ai ai cũng tung hô rằng thầy cô giáo ấy dạy giỏi. Không ít phụ huynh còn tỏ ra am tường khi tư vấn cho nhiều người “Muốn con học giỏi cứ tìm đến thầy (cô)…”. 

Thế rồi, ngày càng nhiều học sinh tìm đến học. Khi đã có “thương hiệu” họ chỉ việc ngồi nhà mà không cần thực hiện việc liên minh như trước đây nhưng học trò khắp nơi vẫn ùn ùn kéo về.

Học sinh yếu kém học thêm nơi nào?

Lẽ ra học sinh có lực học yếu kém mới là đối tượng cần phải đi học thêm để củng cố và nâng cao kiến thức. Thế nhưng trong thực tế, những học sinh này không có thầy cô giáo nào muốn nhận dạy vì nhiều lẽ. 

Hè chưa về phụ huynh đã nháo nhác tìm lớp học cho con ảnh 3

Ở Mỹ, giáo viên có dạy thêm không?

Nếu cho em học đại trà với nhiều học sinh khác cũng chẳng được gì mà dạy theo kiểu kèm riêng (một thầy một trò thì học phí là 3 triệu đồng cho 8 buổi học mỗi buổi 1 tiếng 30 phút), gia đình các em sao có thể trả nổi? 

Bởi thế, những học sinh này chỉ có thể đi học thêm ngay chính thầy cô giáo dạy mình trên lớp (ngoại trừ những thầy cô được mệnh danh là dạy giỏi nêu ở trên). 

Đến lớp học thêm thay vì các em sẽ được ôn lại kiến thức chưa hiểu nhưng vì học đại trà nhiều trình độ trong một lớp nên giáo viên chỉ có thể dạy kiến thức mới. 

Có điều thầy cô cho các dạng toán sẽ có trong đề kiểm tra trên lớp nên về cơ bản các em vẫn theo kịp chương trình mặc dù kiến thức nền tảng vẫn vô cùng hổng.

Học sinh có nền tảng kiến thức vững vàng thay vì chỉ cần tự học ở nhà, học trên mạng là đủ. 

Nhưng nhiều phụ huynh vẫn buộc con phải đến các trung tâm, đến các lò luyện để đăng kí học kì thứ ba đã gây cho các em nhiều căng thẳng và mệt mỏi. 

Bên cạnh đó, để củng cố thêm danh tiếng cho mình tạo thuận lợi cho việc dạy thêm. Bởi thế, cuộc chạy đua “thâu tóm” học sinh tiềm năng giữa các giáo viên càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Thuận Phương