Hết giờ rút-nộp, học trò phó mặc cho may rủi

20/08/2015 14:13
Xuân Trung - Thùy Linh
(GDVN) - Nhiều thí sinh và cha mẹ bật khóc vì hồ sơ đã nộp nhưng không biết số phận mình sẽ ra sao, đỗ-trượt dựa vào may rủi, thời gian cũng đã hết...

Tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, từ sáng sớm ngày 20/8 đã có nhiều thí sinh đến xin nộp nguyện vọng. Các thí sinh này chủ yếu đền từ những trường top trên như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương Mại chuyển sang do không đảm bảo độ an toàn về ngưỡng điểm.

Tại đây, thí sinh Nguyễn Đình Dũng quê Yên Dũng – Bắc Giang đến trường từ 6 giờ sáng để nộp hồ sơ cho biết, nguyện vọng của em là vào học ngành Điện – Điện tử vì với số điểm 21,5 sẽ có triển vọng hơn.

Đại học Công nghiệp Hà Nội sáng nay đã bố trí hẳn một dãy bàn tư vấn cho thí sinh trước có nộp nguyện vọng vào trường.

Thầy Nguyễn Tiến Hán, Phó khoa Công nghệ Kĩ thuật ô tô cho biết, ngành này thí sinh năm nay nôp nguyện vọng nhiều, vì cơ hội việc làm cũng rất lớn, không chỉ hệ đại học mà cao đẳng cũng vậy.

Thí sinh Nguyễn Công Thành, quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết, em được 20,5 điểm, đã nộp nguyện vọng từ ngày 14/8 cho biết, hiện với chỉ tiêu của ngành Công nghệ kỹ thuật Ôtô là 480 thì hiện tại em đang xếp vị trí 381. Thành cho biết, nếu từ giờ tới hết ngày mà có nhiều thí sinh nộp vào ngành này em cũng chỉ biết chờ may mắn.

Thí sinh đến nộp hồ sơ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội sáng nay.
Thí sinh đến nộp hồ sơ tại Đại học Công nghiệp Hà Nội sáng nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thành Công, Phó phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, với kỳ tuyển sinh năm nay nhà trường đã huy động tăng lên 20 cán bộ làm công tác tuyển sinh.

Tính tới 10 giờ 30 phút sáng nay, trường nhận được thêm 350 hồ sơ, số rút đi là khoảng 100. Đầu giờ chiều sẽ tiếp tục cập nhật cho thí sinh.

Dự kiến, sau ngày 22/8 nhà trường sẽ công bố điểm chuẩn các ngành. Theo đánh giá từ ông Công, năm nay hệ thống quản lí dữ liệu thi quá mới, mặc dù Bộ cho phép thí sinh có thể điểu chỉnh nguyện vọng tại Sở nhưng với tâm lí lo lắng nên các em vẫn lên tận trường.

Theo nhận định, điểm chuẩn của Đại học Công nghiệp Hà Nội năm nay tăng trung bình từ 3-3,5 điểm so với năm trước. Ví như ngành Công nghệ Kĩ thuật nhiệt năm trước là 15 thì đến ngày hôm nay đã lên tới 18,5, ngành Cơ điện tử năm trước la 18,5 thì năm nay là 22,75 điểm.

Theo quan sát của ông Công, trong 3 ngày cuối thì khối ngành Kinh tế và Hoá học có biến động điểm trúng tuyển nhiều nhất, tăng 1 điểm mỗi ngày. Riêng hôm qua (19/8) ngành Hoá dầu so với hôm trước tăng 1,25 điểm.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện để thí sinh yên tâm vào học cũng như nộp nguyện vọng. Theo quy định, đúng 17 giờ ngày 20/8 sẽ khóa nguyện vọng, nhưng nhà trường sẽ làm việc tới 19 giờ cùng ngày để giúp thí sinh. Với thí sinh ở xa, trường sẽ căn cứ vào dấu bưu điện để không thiệt thòi cho thí sinh khi hồ sơ đến muộn.

Luật, Hành chính điểm chuẩn chính thức sẽ dao động nhẹ

Tại Đại học Luật Hà Nội, khi trao đổi về việc nhiều thí sinh điểm cao đến giờ “áp chót” mới nộp hồ sơ khiến nhiều thí sinh nay đỗ, mai trượt, ông Lê Đình Nghị- Trưởng phòng Đào tạo cho biết: “Có hai lý do dẫn đến điều này: Một là, bản thân các em rất tự tin về điểm của mình.

Hai là, các em theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua trang web của các trường để lựa chọn ngành nghề mà mình yêu thích. 

Hôm nay (20/8) là ngày cuối cùng, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ tương đối đông. Dưới góc độ công tác tổ chức, trường tự tin và tự hào tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh nộp và rút hồ sơ rất tốt. Ưu tiên đặc biệt trước với các thí sinh rút hồ sơ để các em kịp thời nộp vào các trường khác”. 

Thí sinh nộp nguyện vọng tại HV Hành chính quốc gia.
Thí sinh nộp nguyện vọng tại HV Hành chính quốc gia.

Trong thời khắc chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa, các trường sẽ đóng cổng dữ liệu tuyển sinh, ông Nghị khuyên các thí sinh: “Đến hết ngày 19/8, số hồ sơ còn lại là 3620. Trong đó, tổ hợp A00: 835 hồ sơ, tổ hợp C00: 1455 hồ sơ, tổ hợp D01: 1330 hồ sơ. 

Danh sách luôn được công khai và minh bạch. Hết một ngày trường công bố 1 lần để thí sinh biết mình đang ở vị trí nào chính vì vậy các thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi rút và nộp hồ sơ. Bởi đến giờ phút này, đỗ hay trượt cũng phụ thuộc vào may rủi. Nó giống như một cái bình chỉ chứa được 5 lít mà càng đổ thì sẽ càng tràn”. 

Việc xử lý hồ sơ qua đường bưu điện, bộ phận kỹ thuật phối hợp với công tác tổ chức cập nhật thường xuyên bởi các Sở GD&ĐT địa phương đều có phần mềm do Bộ cung cấp nên cứ hồ sơ nào được cập nhật thì ngay lập tức được đưa vào danh sách, kể cả chiều muộn. 

Theo dự đoán điểm chuẩn chính thức, so với năm ngoái điểm có nhích hơn ở khối A, D còn khối C thì có thể cao hơn 5-6 điểm và chắc chắn cao hơn so với điểm dự kiến tính tới ngày 19/8”. 

Để đánh giá về kỳ thi tuyển sinh này, ông Lê Đình Nghị cho biết, kết thúc đợt tuyển sinh Đại học này, Nhà trường có buổi tổng kết bày tỏ quan điểm ý kiến để gửi công văn tới Bộ GD&ĐT thể hiện quan điểm của trường, thuận lợi, khó khăn và đề xuất.

Tại trường Học viện Hành chính quốc gia, khi lượng hồ sơ nộp và rút khoảng hơn 100 bộ mỗi ngày, cơ hội cuối cùng thí sinh quyết định hướng đi cho mình.

Ông Bùi Huy Tùng- Trưởng Ban Đào tạo (Học viện Hành chính quốc gia) có lời khuyên: “Các thí sinh cần nghiên cứu kỹ tổng chỉ tiêu của cơ sở đào tạo đừng nên quá quá lo lắng. Bởi, dù các trường cố gắng tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1 tuy nhiên Bộ đã căn chỉnh số lượng nên các thí sinh vẫn còn cơ hội ở đợt xét tuyển sau. 

Trong một trường thì có nhiều ngành, cùng ngành đó thì có nhiều trường đào tạo. Các thí sinh đừng ép khuôn mình phải vào bằng được trường này, trường kia mà bỏ lỡ cơ hội vào Đại học. Bởi quan trọng nhất là sự cố gắng học tập thế nào mà thôi”. 

Mỗi ngày các trường cập nhật danh sách hồ sơ xét tuyển, đó như là một kênh tham khảo để thí sinh ước chừng vị trí của mình trong tương quan giữa các tổ hợp và các ngành của trường. 

Trường đặc biệt quan tâm đến các hồ sơ gửi qua đường bưu điện. Bởi do điều kiện xa hoặc không có điều kiện đi lại nhiều chính vì vậy, từng ngày thí sinh đều được cập nhật để gia đình và thí sinh yên tâm đồng thời đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống bưu điện trong thời gian này. 

Dự kiến về điểm chuẩn năm 2015, ông Tùng cho biết: “Điểm sẽ tăng hơn so với năm ngoái và có nhích hơn so với điểm trúng tuyển tạm thời tính đến 19/8”.

Thí sinh, phụ huynh bật khóc

Vạ vật tại Hà Nội đúng một tuần, mẹ con bà Nguyễn Thị Hồng (quê Hải Phòng) vât vả để theo dõi thông tin điểm chuẩn của con.

Con gái bà Hồng là thí sinh Vũ Thị Phương Hạnh, trường chuyên Trần Phú-Hải Phòng, học sinh giỏi 12 năm liền, năm nay thi khối D được 24,25 điểm. 

Với số điểm này, ban đầu em tự tin nộp vào khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Ngoại thương, nhưng đến ngày 17/8 thì rút ra vì không có cơ hội. 

Bà Hồng bật khóc trước cảnh khổ cực đi nộp nguyện vọng cho con.
Bà Hồng bật khóc trước cảnh khổ cực đi nộp nguyện vọng cho con.

Từ ngày 17/8 đến nay, 2 mẹ con em thuê phòng trọ ở gần Đại học Kinh tế Quốc dân để hàng ngày đến trường theo dõi tình hình nhằm nộp hồ sơ. 

Bà Hồng cũng cho biết, đến sáng 20/8, biết là khó vào Kinh tế quốc dân, nên đã quyết định nộp vào Học viện Tài chính (dự kiến điểm chuẩn đến ngày 19/8 là 21,75 điểm). 

“Em mệt mỏi lắm rồi, không muốn tính toán nữa, chấp nhận nộp khoa Tài chính Ngân hàng, là khoa thấp nhất của Học viện Tài chính. Giờ thì đỗ-trượt cũng mặc kệ”, thí sinh Hạnh chán nản chia sẻ.

Thí sinh Phương Hạnh cũng cho biết, ngoài việc hai mẹ con lên Hà Nội túc trực điểm thì ở quê 3 chị gái của em cũng cập nhập cả ngày bên máy tính, tính toán cơ hội, sau đó liên lạc với hai mẹ con trên này để quyết định nộp hay rút.

“Con tôi được 24,25 điểm, cả họ phải lao vào tính toán. Vợ chồng tôi cả mấy tuần nay không làm ăn gì, chỉ biết nấu ăn phục vụ cho các con tôi ngồi tính toán điểm chác. Quá căng thẳng. 

Đến hôm nay thì không thiết tính toán gì nữa, cho cháu nộp vào Học viện Tài chính. Tôi xem thấy Bộ trưởng nói đây cũng là cơ hội để thí sinh biết lo lắng, trưởng thành lên. 

Nhưng tôi cho rằng, tuổi các cháu chưa đến lúc phải chịu đựng cảnh tính toán như chơi chứng khoán này. Chúng tôi là bố mẹ các cháu mà còn điên lên vì tính toán nữa là những đứa mới 18 tuổi” bà Hồng tâm sự. 

Xuân Trung - Thùy Linh