Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ra đời là quy luật tất yếu

17/12/2014 07:04
TS. Đặng Định
(GDVN) - GS. Trần Hồng Quân nhỏ nhẹ: “…không phải chúng ta vẫy chào vĩnh biệt VIPUA, mà chỉ là giã biệt “ngôi nhà nhỏ” của một thời tận tụy và ấm cúng”.

GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nói trong phiên Đại hội bất thường của VIPUA được tổ chức vào tháng 9/2014 vừa qua.

Viết tiếp bài “Chặng đường ra đời của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam”, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thấy đây là bài viết phản ánh đầy đủ quá trình hình thành và xây dựng đề án thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài 2 trong nội dung trên của TS. Đặng Định.

Hướng theo chỉ đạo của Đảng

Giáo dục nước ta đang đối mặt với những thách thức to lớn, đó là: sự bùng nổ về qui mô, sự hội nhập quốc tế, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục đã nỗ lực không ngừng về nhiều mặt. Tuy nhiên, cái lỗ hổng trong xây dựng, phản biện chính sách và các định chế quản lý giáo dục của Bộ GD&ĐT không thấy bé lại. 

Lỗ hổng này chỉ thu hẹp khi “huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục”  theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW  ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI.

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ra đời là quy luật tất yếu ảnh 1

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là mô hình trường ngoài công lập phát triển, được xã hội ngày càng tin tưởng.

Nghĩa là, bên cạnh bộ máy nhà nước cần có sự tham gia của tổ chức nghề nghiệp để phát biểu tư vấn, phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, cơ chế, chính sách của Bộ GD&ĐT và các cơ quan có liên quan. Điều này còn nhắc nhở những ai quan tâm đến xây dựng Hiệp hội các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và khiến một số anh em am tường về giáo dục đã ngồi lại cùng Ban Vận động tìm kiếm cách làm. 

Ngày 8/01//2014, GS. Trần Hồng Quân được làm việc và nhận sự chỉ đạo về quan điểm xây dựng Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Được tiếp lửa, những gì đã có được khơi dậy, nhiều thông tin mới về kinh tế - xã hội và pháp luật được cập nhật vào Đề án thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. 

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ra đời là quy luật tất yếu ảnh 2

Hiệp hội sẽ xứng đáng với trách nhiệm và kỳ vọng của xã hội

(GDVN) - GS. Trần Hồng Quân khẳng định, việc ra đời Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam sẽ là ngôi nhà chung, hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, NCKH, trao đổi kinh nghiệm.

Ngày 17/3/2014, Báo cáo số 01/2014/BC-BVĐ của Ban Vận động được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Kèm Báo cáo là Đề án thành lập Hiệp hội. Ở đó, đã thuyết minh rõ tính cấp thiết, tính khả thi và sự phù hợp với các qui định hiện hành về các hội; thống kê chi tiết 213 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đã tự nguyện đăng ký tham gia Hiệp hội. Và những gì VUN và VIPUA mong đợi được cô đọng thành sứ mạng của Hiệp hội [8].

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển giáo dục đại học ngoài công lập (Tháng 3 năm 2014), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Phó Thủ tướng tin cậy vào lực lượng giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học trong hệ thống giáo dục của đất nước và ghi nhận những nhân tố tích cực của VIPUA. 

Chưa đầy hai tháng sau (ngày 05/5/2014), Phó Thủ tướng đã chỉ đạo: “Thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Giao Ban vận động thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (thành lập theo Quyết định số 5538/QĐ-BGDDT ngày 25 tháng 8 năm 2008 của Bộ GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT và các cơ quan có liên quan hoàn thiện đề án thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam Việt Nam...”.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng - Tổ chức lại VIPUA

Ban Vận động cùng các tổ chức có liên quan khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã ra Nghị quyết triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng; thành lập một tổ xây dựng đề án; làm việc một số lần với bộ ngành có liên quan; làm việc với VUN, với VIPUA; cùng lãnh đạo VIPUA xây dựng Kế hoạch triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án thành lập Hiệp hội. Bản thảo lần thứ năm đã được Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan chấp thuận.

Một trong những ấn tượng để lại là việc tổ chức Đại hội bất thường của VIPUA nhằm chuyển tổ chức này sang một pháp nhân mới. Những lo, nhiều hội  viên của VIPUA  “mủi lòng” không đến dự, thế nhưng ngày đại hội 60/71 hội viên có mặt. Khi nhìn lại chặng đường 10 năm của VIPUA, nhiều bài học quý giá của tổ chức này được GS. Trần Hồng Quân ôn lại và gửi gắm cho tổ chức tiếp nối. Năng lực đánh giá, nhận thức quy luật và những đề xuất ý kiến xác đáng góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục đại học của VIPUA là giá trị khác biệt nổi trội.

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ra đời là quy luật tất yếu ảnh 3Chặng đường ra đời của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam

(GDVN) - Ngày 6/11/2014, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 1157/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Khi kết thúc bài phát biểu của mình, GS. Trần Hồng Quân nhỏ nhẹ: “Nếu như Đại hội đồng ý: đây là đại hội cuối cùng, thì hôm nay không phải chúng ta vẫy chào vĩnh biệt VIPUA, mà chỉ là giã biệt “ngôi nhà nhỏ” của một thời tận tụy và ấm cúng”. Cho dù vậy, hai tiếng “vĩnh biệt”  vẫn vang vọng khiến ít ai để ý cái vế thứ hai  “để VIPUA của chúng ta sẽ hiện diện một cách không lu mờ cà về tinh thần và thực tế trong Hiệp hội chung – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam” và không ít hội viên nao lòng. Lưu luyến lắm, nhưng 98.3%  hội viên VIPUA dự Đại hội bất thường đã đồng ý thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại VIPUA. 

Quá trình triển khai công việc, Ban vận động nhận sự ủng hộ lớn lao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan, nhất là Bộ Nội vụ. Thế nhưng không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Thời gian trước và sau Quyết định cho phép thành lập Hiệp hội, những người đối mặt với công việc vẫn nhọc nhằn thân phận cô Tấm ngày xưa, vẫn cần mẫn “nhặt thóc ra khỏi gạo” bên thềm Đại hội. Những ai quan tâm việc này có thể tìm thấy phần nào những điều không đáng có đang được lưu lại đó đây.

Cái gì hợp quy luật thì trước sau vẫn đến, cho dù chậm. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là một trường hợp như thế. Giờ đây đã có “địa chỉ” để các thành viên của Hiệp hội cùng nhau: trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và hỗ trợ nhau trong hoạt động giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, hợp tác quốc tế; bảo vệ quyền lợi chính đáng của mỗi hội viên; phát biểu tư vấn, phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến phát triển giáo dục đại học nước nhà. Ở đó các giá trị của VIPUA, của VUN  sẽ được kế thừa và tiếp tục đơm hoa kết trái. Hy vọng rằng, ở “ngôi nhà mới” này tính thực tế, tính phù hợp và hội nhập quốc tế vẫn là một đặc trưng .

Tài liệu tham khảo

1. Bàn về hoạt động của Ban liên lạc các trường đại học cao đẳng Việt Nam Nam (VUN). TS Nguyễn Đình Hảo. 2010. 

2. Thường trực Ban liên lạc các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (2007), Tuyên bố chung về công tác tổ chức.

3. Ban Chấp hành VIPUA (2007), Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Thông báo số 424/TB-BGDĐT về Kết luận của Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long tại cuộc họp với lãnh đạo VIPUA.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Quyết định số 5538/QĐ-BGDDT về công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam.

6. Văn phòng Chính phủ (2011), Công văn số 5163/VPCP-KGVX về việc thành lập Hiệp hội các trường đại học và cáo đẳng Việt Nam.

7. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

8. Ban vận động thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam(2014), Báo cáo, của Ban Vận động được gửi Thủ tướng Chính phủ.

9. Văn phòng Chính phủ (2014), Công văn số 3099/VPCP-KGVX về thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

10. Ban Chấp hành Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam (2014), Nghị quyết số 05 về Đại hội bất thường của VIPUA.

11. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 92014), Công văn số 5251/BGD&ĐT-TCCB về ý kiến cho phép thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

TS. Đặng Định