Hiệp hội tiếp tục nối dài cánh tay tư vấn, xây dựng, phản biện chính sách

17/12/2015 07:19
Xuân Trung
(GDVN) - Ngày 16/12, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tiến hành Hội nghị Ban chấp hành lần thứ II, trong đó tổng kết và đưa ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2016

Sau khi nghe các báo cáo của Ban chấp hành về tình hình hoạt động của Hiệp hội trong 9 tháng vừa qua, các đại biểu đại diện cho các đơn vị giáo dục đại học đã có nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng và kiến nghị Hiệp hội trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình.

Ông Cao Văn Phường (Đại học Bình Dương) còn đó những băn khoăn, ông cho rằng thời gian qua Hiệp hội đã làm tốt vai trò của mình, nhưng cần thể hiện rõ hơn nữa trong các vấn đề cụ thể. Ông Phường cho rằng, thời gian tới vấn đề tự chủ đại học cần tăng cường hơn nữa, bỏ cơ chế xin – cho, làm được điều này thì giáo dục đại học mới phát triển được.

Lãnh đạo Đại học Bình Dương nhận định, cái khó nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay là có nhiều luật lệ, khiến tình hình giáo dục đại học như mớ bòng bong, ví như Luật giáo dục đại học và Giáo dục nghề nghiệp có độ vênh lớn khiến hai bên không liên thông được với nhau. 

“Chúng ta đang hòa nhập vào nền kinh thế thị trường,do đó phải chuyển đổi sang nền giáo dục mở, lao động, sáng tạo và phải có trách nhiệm, mục tiêu giáo dục là đào tạo ra người công dân Việt Nam. Hiệp hội cần nối thông tin để cho các trường biết nhau, hiểu nhau và phối hợp với Bộ GD&ĐT thường xuyên hơn. Đặc biệt, muốn làm tốt thì bộ phận thường trực cần có lương để làm việc” ông Phường đề xuất.

Các đại biểu dự Hội nghị Ban chấp hành lần thứ II. Ảnh Xuân Trung
Các đại biểu dự Hội nghị Ban chấp hành lần thứ II. Ảnh Xuân Trung

Hiệu trưởng Đại học Hòa Bình, GS. Đặng Ứng Vận thì cho rằng, thời gian tới Hiệp hội cần ưu tiên dành cho những hoạt động về chính sách, bên cạnh đó đề xuất những giải pháp. Ví như với phương án tuyển sinh như hiên nay thì một loạt các trường tốp dưới không thể tuyển sinh được.

Đối với các hoạt động liên kết, GS. Vận đề nghị Hiệp hội cần có liên kết với các tổ chức xã hội để xác định nguồn nhân lực như thế nào, đặc biệt là liên kết với các hội nghề nghiệp, từ đó các trường thành viên có cơ sở để điều chỉnh mục tiêu đào tạo.

Góp ý cho Hiệp hội, bà Trần Kim Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Cao đẳng Asean cho rằng, Hiệp hội sắp tới cần thành lập các Ban chuyên ngành. Bên cạnh đó, theo bà Phương, lâu nay đã bàn nhiều về tự chủ đại học, nhưng tự chủ như hiện nay thì các trường sẽ “chết” dần. Bà Phương đề nghị cần phân định lại luồng đào tạo như thế nào để cho các trường phát triển.

“Trường chúng tôi hiện tại cho thuê trụ sở là chính để nuôi giáo viên, vấn đề tự chủ phải có định hướng” bà Phương đề nghị.

Hiệp hội tiếp tục nối dài cánh tay tư vấn, xây dựng, phản biện chính sách  ảnh 2

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam họp Ban chấp hành phiên thứ II

Đại diện Đại học FPT, ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường cho biết, việc đề xuất thành lập các câu lạc bộ trong Hiệp hội, điều này là cần thiết để cho các trường thành viên được hoạt động sâu hơn. 

Về chủ trương tự chủ đại học, ông Lê Trường Tùng cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, tự chủ không đơn thuần là giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mà còn phát huy tính sáng tạo của các trường đại học, nhưng điều này chủ yếu đang diễn ra ở đại học công lập. Vậy, những trường tư thì sao? 
Ông Tùng nhận định, tự chủ cần bình đẳng hơn, nhưng điều này rất khó.

Thực tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích các trường tự chủ, nhưng hiện tại mới chỉ có 12 trường đại học được tự chủ về tài chính, con số này tính ra chỉ chiếm vài phần trăm nhỏ bé trong toàn hệ thống. Điều đó, khi hình thành chính sách ưu đãi không cẩn thận sẽ bất bình đẳng với trường tư.

Trong khuôn khổ của hội nghị, ông Lê Trường Tùng kiến nghị nên chăng có một loại bằng đại học chung, không phân biệt các loại hình đào tạo. Điều này ở góc độ nào đó giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo, bởi khi trường nào đó cấp bằng cho người học thì mặc nhiên đã mang giá trị, chất lượng của trường đó trong tấm bằng. Bằng là thống nhất, còn hìnhthức đào tạo như thế nào là do các trường thực hiện.

Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nôi, PGS. Nguyễn Kim Sơn (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) thì đề nghị Hiệp hội trong năm 2016 cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng  tâm, vì Ban chấp hành chưa mạnh, nếu xác định nhiều việc trong năm tới thì các đầu việc sẽ không mạnh như nhau.

“Đề nghị tập trung vào những việc trọng tâm, nên tập trung vào những chương trình về chính sách (góp ý, phản biện…) thành một nhóm vấn đề; còn hỗ trợ, kết nối, tài chính thành một nhóm vấn đề” PGS. Nguyễn Kim Sơn đề nghị.

Đối với việc thành lập các câu lạc bộ trong Hiệp hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Kim Sơn cho rằng, điều này là cần thiết, nhưng cần phải cân nhắc thêm, nếu tập hợp theo lĩnh vực đào tạo thì chỉ theo tính chất đơn ngành. Còn đa ngành sẽ như thế nào? Trong khi đó đa ngành lại đang là xu hướng.

Vấn đề tự chủ đại học, Hiệp hội cần có những kiến nghị mang tính chất chính sách, bên cạnh đó cũng cần quan niệm lại về cách phân tầng đại học. 

Cảm thấy day dứt, sốt ruột cho nền giáo dục Việt Nam hiện nay, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lê Công Cơ cho biết, lâu nay nền giáo dục Việt Nam vẫn mang dáng dấp của thời chiến. Chúng ta đã hội nhập nhưng  giáo dục không chịu thay đổi, không làm theo thế giới mà vẫn cố chấp làm theo cách của ta.

Từ suy nghĩ trên, Phó Chủ tịch Lê Công Cơ đề nghị Ban chấp hàng thời gian tới cần tập trung hai nhiệm vụ cơ bản.

Thứ nhất, Bộ GD&ĐT đã có văn bản về trường đại học đạt chuẩn quốc gia, do đó nói là bình đẳng giữa công và tư là không bao giờ có, chính vì vậy mà các trường đại học tư phải tự vươn lên.

Thứ hai, Hiệp hội cần thảo luận sâu hơn về xếp hạng, phân tầng đại học. Nên tập trung xây dựng một số trường đại học ngoài công lập đạt được chuẩn quốc gia trong thời gian sắp tới. 

Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) Nguyễn Phương Nga cho biết, một cơ sở giáo dục đại học có chất lượng thì yếu tố then chốt là phải qua kiểm định chất lượng. Trung  tâm Kiểm định chất lượng (thuộc Hiệp hội) sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho các trường về các khâu để đánh giá thực trạng trường mình, từ đó tiến dần đến xếp hạng.

Hiện nay cả nước có 4 Trung tâm kiểm định, theo ý kiến của bà Nga sắp tới có thể Trung tâm Kiểm định của Hiệp hội sẽ đứng ra quy tụ các Trung tâm kiểm định khác thành một mối, để đảm bảo thống nhất trong kiểm định, có tiếng nói chung. 

Ghi nhận các ý kiến đóng góp từ các thành viên Ban chấp hành, các trường, Chủ tịch Trần Hồng Quân cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến trên và sẽ có bổ sung, điều chỉnh trong bản kế hoạch sắp tới. 

Chủ tịch Trần Hồng Quân cũng đề nghị các trường thành viên cần liên kết với nhau hơn, từ việc trao đổi đội ngũ giảng viên, chương trình, sách giáo khoa…Đối với việc Hiệp hội tăng cường liên kết các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp để dự đoán và có cơ sở tính toán nguồn nhân lực, Chủ tịch Trần Hồng Quân cho biết Hiệp hội sẽ cố gắng hơn trong thời gian tới.

Tổng kết lại Hội nghị Ban chấp hành, Chủ tịch Trần Hồng Quân đưa ra 3 công việc quan trọng mà Hiệp hội sẽ thực hiện trong năm tới.

Thứ nhất, vấn đề tự chủ đại học, đây là một trong những công việc lớn nhất mà trong thời gian tới Hiệp hội cần tập trung làm. 

Thứ hai, có các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho công cuộc hội nhập quốc tế.

Thứ ba, từng bước tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục, vì thực tế không một quá trình sản xuất nào lại không qua kiểm định, đánh giá chất lượng.
Phương thức thực hiện, có thể tăng cường giao lưu, tăng cường hoạt động nhóm giữa các trường hội viên. 

Cuối Hội nghị, thay mặt Ban chấp hành, ông Đặng Văn Định – Trưởng ban phân tích, nghiên cứu chính sách (Hiệp hội) đã đọc bản Nghị quyết kỳ họp Ban chấp hành lần thứ II (2014-2019). Theo đó, Hội nghị đã thống nhất thông qua nội dung bản Nghị quyết này.

Xuân Trung