Hiệu phó trường Đạị học Bách khoa thoát án thu bằng tiến sỹ

09/04/2014 07:41
Xuân Trung
(GDVN) - Theo nội dung kết luận tố cáo ông Nguyễn Cảnh Lương, hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phải giải trình nhiều vấn đề liên quan.
Sau khi loạt bài phản ánh liên quan tới đơn tố cáo của công dân tố cáo về việc “đạo văn” đối với Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là ông Nguyễn Cảnh Lương, được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 25/1/2014 Bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 339 về việc thụ lý giải quyết nội dung tố cáo trên.
Theo nội dung tố cáo, trong luận án phó tiến sỹ toán của ông Nguyễn Cảnh Lương bảo vệ năm 1996 “có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải – người trực tiếp hướng dẫn ông Lương”.

Không thu hồi học vị tiến sỹ

Theo Bộ GD&ĐT, từ các thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được cho thấy, luận án phó tiến sỹ khoa học toán của ông Nguyễn Cảnh Lương với đề tài “Hệ Cauchy-Riemann và hàm chỉnh hình trong đại số Clifford” đã bảo vệ cấp cơ sở ngày 27/8/1996, bảo vệ cấp Nhà nước ngày 26/12/1996. Nội dung chính của Luận án có 3 chương, 9 mục với Tài liệu tham khảo gồm 56 mục 5.

PGS.TS Đặng Văn Khải là giáo viên hướng dẫn Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng chấm Luận án cấp cơ sở. Việc ông Lương sử dụng cách chứng minh tương tự của PGS.TS Đặng Văn Khải đã được người hướng dẫn có ý kiến là: “Chương 2 và Chương 3 là học lại cách làm của người khác một cách cẩn thận”. 

Ông Nguyễn Cảnh Lương, Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh Xuân Trung
Ông Nguyễn Cảnh Lương, Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh Xuân Trung

PGS.TS Đặng Văn Khải đã nhận xét: “Luận án của tôi chưa mở rộng được như của anh Lương, đây là vấn đề rất khó”. Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở có lưu ý ông Lương “Nên nhắc đến công trình PGS. Khải trong luận văn”, “Đề nghị phân tích trong luận văn và trong tóm tắt luận án công trình của anh Khải” và kết luận: “Kết quả Luận án là mới và không trùng lặp với các kết quả của các Luận án đã bảo vệ trước đây. Các kết quả chứng minh chặt chẽ và có độ tin cậy cao”. 

Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước đã kết luận 4 điểm cụ thể và khẳng định: “Các kết quả trên là mới, đúng đắn, có ý nghĩa khoa học, thực sự đóng góp vào việc mở rộng lý thuyết hàm chỉnh hình”.

Việc trích dẫn trong Luận án của ông Lương không đầy đủ (chỉ có 39 tài liệu được trích dẫn/56 tài liệu tham khảo trong Luận án. Tại 23 điểm bị tố cáo là có dấu hiệu đạo văn từ Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải không có nội dung trích dẫn trực tiếp theo đúng quy định). 

Xem xét 23 điểm bị tố cáo cho thấy, các đối tượng tại các điểm 1-18 trong Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải xuất phát từ ma trận cùng được ký hiệu là D được nêu ở Định nghĩa 1 (trang 17) thỏa mãn hai tính chất, trong Luận án của ông Lương xuất phát từ Định nghĩa 1.1.1 (trang 12) thỏa mãn 3 điều kiện trong đó chỉ có hai điều kiện trùng với hai tính chất trong Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải.
Để có cơ sở đánh giá, xem xét về nội dung tố cáo đối với ông Nguyễn Cảnh Lương, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán (HĐCDGS) thành lập Hội đồng xác minh luận án tiến sỹ của ông Nguyễn Cảnh Lương.

Theo kết luận của HĐCDGS ngành Toán: Kết quả Luận án chủ yếu tập trung tại Chương 1, đáp ứng yêu cầu của Luận án tiến sỹ về toán. 

Trong Chương 2 và Chương 3, mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng khác nhưng có những chỗ tác giả đã sao chép lập luận trong Luận án của PGS Khải. Đây là điều đáng phải tránh hoặc tại những chỗ như vậy phải viết thật rõ sự giống nhau về lập luận trong trình bày Luận án.

Tuy có những thiếu sót đã nêu ở trên, những sai phạm trong trình bày ở Luận án chưa đến mức đặt vấn đề xem xét, thu hồi học vị tiến sỹ hoặc miễn nhiệm chức danh phó giáo sư của tác giả Luận án". 

Để làm rõ hơn các nội dung theo kết luận của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán; ngày 20/02/2014, Bộ GD&ĐT tiếp tục có Công văn số 721/BGDĐT-TTr gửi HĐCDGS ngành Toán đề nghị bổ sung, làm rõ và kết luận cụ thể về nội dung sao chép, dung lượng sao chép (%) cũng như tính chất của các nội dung sao chép trong Luận án Phó tiến sĩ khoa học của ông Nguyễn Cảnh Lương. Trong văn bản trả lời Bộ GD&ĐT ngày 25/02/2014, HĐCDGS ngành Toán đã nêu rõ: “…Việc đếm câu chữ trùng nhau trong một công trình toán học nói chung rất ít ý nghĩa. Nhiều công trình có những câu chữ giống nhau nhưng mang nội dung khác nhau khi nói về những đối tượng khác nhau. Nhiều công trình dùng những lập luận giống nhau, dẫn đến hành văn và câu chữ có thể như nhau. 

Về hình thức, Chương II và một phần Chương III có nhiều đoạn lặp lại nguyên văn những đoạn đã có trong luận án của TS Đặng Văn Khải. Tuy nhiên, những kết quả này là kiểm tra cho những trường hợp cụ thể đã nêu, không phải cho cấu trúc trừu tượng như trong Luận án Đặng Văn Khải. Do đó, đây không phải là sao chép kết quả, mà chỉ là lặp lại lý luận, phương pháp. 

Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, nếu một chứng minh nào đó có thể thực hiện bằng cách lặp lại từng chữ chứng minh của người khác, thì tác giả cần nói rõ điều đó, mặc dù có thể viết vào luận án để chứng tỏ kiến thức của mình và làm dễ dàng cho người đọc. Ông Nguyễn Cảnh Lương đã có thiếu sót là không nói rõ như vậy trong luận án. 
Khuyết điểm này được xem là thiếu sót về phương pháp trích dẫn, đặc biệt là khi đã được nhắc nhở. Tuy nhiên không có cơ sở để kết luận tác giả luận án thiếu trung thực, nhất là khi xét trong bối cảnh những năm 1995-1996. 

Chỉ là thiếu sót không trích dẫn

Bộ GD&ĐT cho hay, từ những thông tin, chứng cứ thu được có thể thấy, kết quả Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương chủ yếu tập trung tại Chương 1, mục 3.1, 3.2 của Chương 3. 
Trang 33 luận án của PGS. Đặng Văn Khải có nêu Định lý 4 (Tương tự công thức Cauchy – Green). Ảnh chụp trang luận án của PGS. Đặng Văn Khải.
Trang 33 luận án của PGS. Đặng Văn Khải có nêu Định lý 4 (Tương tự công thức Cauchy – Green). Ảnh chụp trang luận án của PGS. Đặng Văn Khải.
Ảnh chụp trang trang 50 luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương có nêu Định lý 2.2.3 (Tương tự công thức tích phân Cauchy)
Ảnh chụp trang trang 50 luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương có nêu Định lý 2.2.3 (Tương tự công thức tích phân Cauchy)

Tại Chương 2, mục 3.3, mục 3.4 Chương 3 Luận án của ông Lương có nhiều đoạn sử dụng lập luận tương tự như lập luận trong luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải, tuy nhiên các đối tượng nghiên cứu của hai luận án là khác nhau. 

Bộ GD&ĐT cho rằng, Hội đồng chấm luận án và PGS.TS Đặng Văn Khải đều đã biết Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có sử dụng phương pháp lập luận tương tự trong Luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải nhưng vẫn đánh giá cao giá trị của Luận án ông Lương. Hội đồng chấm Luận án đã có lưu ý ông Lương về việc nhắc tới công trình của PGS.TS Đặng Văn Khải trong Luận án. 
“Ông Lương có liệt kê luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải tại danh mục tài liệu tham khảo nhưng đã không thực hiện việc trích dẫn theo đúng quy định tại các nội dung có tham khảo theo cách làm của PGS.TS Đặng Văn Khải trong Luận án. Thiếu sót, khuyết điểm này trước hết thuộc về ông Nguyễn Cảnh Lương, đặc biệt là khi đã được Hội đồng chấm Luận án lưu ý nhưng đã không thực hiện đúng. Trường Đại học Bách khoa (bộ phận quản lý đào tạo sau đại học), Vụ Sau đại học - Bộ GD&ĐT cũng có thiếu sót, khuyết điểm không phát hiện được việc ông Lương chưa thực hiện trích dẫn theo đúng quy định, chưa thực hiện đúng kết luận của Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở mà vẫn tiến hành các thủ tục cho ông Lương bảo vệ luận án trước Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước” Bộ GD&ĐT khẳng định. 

Kết luận của Bộ GD&ĐT khẳng định, nội dung tố cáo “ông Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn và không trung thực của một nhà giáo và đã sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải” là đúng một phần.

Bộ GD&ĐT đề nghị ông Nguyễn Cảnh Lương liệt kê các nội dung trong Luận án có sử dụng lập luận của PGS.TS Đặng Văn Khải, của các tác giả khác và bổ sung trích dẫn theo đúng quy định. 
Có bản kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với vi phạm đã kết luận ở trên. 

Hình thức xử lý đối với ông Nguyễn Cảnh Lương được Bộ GD&ĐT giao cho Vụ tổ chức cán bộ xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi phạm nên trên để đề xuất mức xử lý. Qua sự việc này, Bộ GD&ĐT yêu cầu Vụ Giáo dục Đại học rà soát, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ; quy định chặt chẽ trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của hội đồng chấm luận văn, luận án và chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi sao chép luận văn, luận án.

Ông Nguyễn Cảnh Lương hiện đang giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đồng thời là Bí thư Đảng ủy nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Đảng  ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng của vi phạm đối với ông Nguyễn Cảnh Lương để có biện pháp xử lý phù hợp. 

Xuân Trung