Hiệu trưởng ơi đừng ăn hoa hồng nữa

01/09/2018 07:15
Mai Hoa
(GDVN) - Trường càng đông học sinh, lợi thu vào càng lớn. Bởi thế, hiệu trưởng đầy lòng tham thì sao có thể cưỡng lại mối lợi hấp dẫn ấy cho được.

LTS: Cho rằng, một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học chính là món tiền “hoa hồng” béo bở mà một số hiệu trưởng vì lòng tham mà không thể cưỡng lại.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, phụ huynh Trường tiểu học Đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) bức xúc phản ánh về việc nhà trường lạm thu.

Nhìn vào bảng liệt kê các khoản thu mới vỡ ra nguyên nhân học sinh phải nộp nhiều tiền là do chính nhà trường đã quá ôm đồm khi làm thay cả những phần việc của cha mẹ các em.

Chẳng riêng gì trường học này, hàng ngàn trường học khác trên cả nước vẫn đã và đang quá “dài tay” khi giành làm luôn cả “việc nhà” của phụ huynh.

Hỏi thế bảo sao số tiền đóng đầu năm của học sinh không đội lên đến con số chóng mặt?

Phụ huynh bức xúc trước vấn nạn lạm thu Ảnh họa: plo.vn).
Phụ huynh bức xúc trước vấn nạn lạm thu Ảnh họa: plo.vn).

Lạm thu vì đâu?

Phần lớn các trường có mức thu đầu năm lên đến vài triệu đồng đều dính đến việc bán đồng phục và đồ dùng học tập ngay tại trường.

Nhiều trường học không cần biết tâm tư nguyện vọng của phụ huynh cứ đưa ra thông báo như một điều bắt buộc.

Chỉ mỗi một chuyện áo quần cho các em đến trường cũng đã có tới vài loại. Nào là đồng phục dài tay, ngắn tay, đồng phục mùa đông, mùa hè, đồ ngủ, áo khoác… rồi mũ, giày, dép, đến cặp, sách vở, đồ dùng học tập…

Những đồ dùng này, khi cho con đến trường, phụ huynh nào cũng phải lo đầy đủ, nhưng cớ gì nhà trường phải bao đồng?

Theo lẽ thường, có người lo dùm chỉ việc nộp tiền là có ngay nhưng vì sao đa phần cha mẹ các em đều không muốn?

Nhiều phụ huynh không do dự nói thẳng rằng, họ muốn tự tay chọn đồ cho con tùy vào sở thích và kinh tế của gia đình.

Phía sau câu chuyện đồng phục trong trường học là gì?

Người có tiền muốn mua cho con đồ tốt, đồ đẹp. Người khó khăn lại chọn đồ rẻ hơn một chút hoặc có thể cho các em dùng lại đồ cũ để tiết kiệm chi phí.

Chưa nói đến việc nếu mua bên ngoài với số lượng nhiều sẽ được các cửa hàng bán với giá ưu đãi thì cũng tiết kiệm được một khoản tiền.

Lòng tham của hiệu trưởng làm xấu ngành giáo dục

Nhiều phụ huynh nói rằng, mua đồ tại trường không được ưu đãi giảm giá. Đã thế, không ít trường còn bán đồ mắc hơn với giá bán bên ngoài tới vài chục phần trăm.

Bán đồ trong trường lợi đơn lợi kép nên dù bị lên án, nhiều hiệu trưởng vẫn không đủ can đảm dứt ra được.

Ngoài mức tiền hoa hồng của nhà cung cấp chi ra (số này không nhỏ, quần áo khoảng 10-20%; sách tham khảo khoảng 30-40% …) có trường còn nâng giá cao hơn so với bên ngoài. Đã thế, tiền thu được là “tiền tươi” vì chẳng ai dám nợ nần và thất thu.

Chỉ với thời gian khoảng 2 tháng đầu năm, thông qua việc bán đồ thì mối lợi thu về quả không hề nhỏ.

Trường càng đông học sinh, lợi thu vào càng lớn. Bởi thế, hiệu trưởng đầy lòng tham thì sao có thể cưỡng lại mối lợi hấp dẫn ấy cho được.

Hoa hồng chính là thủ phạm sinh ra lạm thu

Chẳng nói thì ai cũng biết nếu không có lợi lộc gì thì nhất định sẽ không có trường học nào lại ôm việc bán buôn vào mình cho vất vả, cho mang tiếng.

Nhưng thật oan uổng, thật bất công cho giáo viên vì mang danh nhà trường nhưng ngoài hiệu trưởng và kế toán, chính thầy cô cũng không được hưởng đồng nào trong những khoản tiền hoa hồng và tiền chênh lệch ấy.

Chuyện bán buôn trong trường học cũng bị dư luận lên án nhiều nhưng cứ vào đầu năm học những chuyện như thế vẫn cứ xảy ra.

Món lợi khổng lồ đã làm mờ mắt những hiệu trưởng tham lam. Họ dùng danh nghĩa trường học chỉ làm lợi cho cá nhân mình.

Bởi thế, để trả lại môi trường trong sạch cho ngành giáo dục đừng để những món lợi vật chất làm hoen ố, Bộ Giáo dục cần có công văn tuyệt đối nghiêm cấm những chuyện bán buôn như thế xảy ra trong nhà trường.

Mai Hoa