Họ đã quá ngây thơ, coi thường cả xã hội

20/04/2019 07:42
Vũ Ninh
(GDVN) - Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình cho rằng: Bản chất sâu xa, hành vi nâng điểm không chỉ thể hiện trên khía cạnh chạy đua bằng cấp mà còn xuất phát từ thói giả dối.

Trong danh sách trúng tuyển của trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018, thí sinh T.P.T (Hòa Bình) đã trở thành thủ khoa kép (thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn và thủ khoa đầu vào của trường) với tổng điểm 27.75.

Tuy nhiên sau khi chấm thẩm định tổng điểm thật của thí sinh này thực tế chỉ còn 21.5 điểm tức là T. đã được nâng 6,25 điểm.

Họ đã quá ngây thơ, coi thường cả xã hội ảnh 1Phải trả lại trong sạch cho những lãnh đạo có con bị nâng điểm chứ nhỉ?

Ngay sau khi có thông tin thí sinh T. bị nâng điểm, nhiều người tỏ ra bức xúc trước đoạn clip trả lời phỏng vấn cách đây 7 tháng của em.

Trong clip T. nói rằng: "Bản thân em tự làm được chứ không phải bằng một tác động nào hết.

Và em rất tự tin về điều đó".

T. thẳng thắn trước một số thông tin nghi ngờ điểm thi của em:

"Bản thân em tự tin rằng đó là điểm số thực của mình để có thể đứng nơi đây nhận phần thưởng thủ khoa của trường.

Em cũng mong sớm làm rõ vụ tiêu cực sớm có kết quả cuối cùng để những người học thật, thi thật được đối xử công bằng".

Dưới góc nhìn xã hội, bàn về nhiều thí sinh được nâng điểm tại các địa phương (có không ít thí sinh trở thành thủ khoa đầu vào của các trường Đại học), Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình cho rằng:

"Hiện nay có nhiều luồng ý kiến trái chiều tranh luận rằng có cho các thí sinh được thi lại hay không?

Đứng trên lề luật thì việc vi phạm này cũng phải ít nhất cấm thi 2 năm. Đó là cơ chế.

Và chúng ta cũng không nên tranh luận xem các thí sinh có biết mình bị nâng điểm hay không?

Nhưng dưới góc độ quy chế và lề luật thì rõ ràng các thí sinh này đã vi phạm quy chế thi".

Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình nhận định vụ việc nâng điểm đại học dưới góc nhìn xã hội (ảnh:tuyengiao.vn)
Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình nhận định vụ việc nâng điểm đại học dưới góc nhìn xã hội (ảnh:tuyengiao.vn)

Về hành vi gian lận điểm thi tại nhiều địa phương, ông Bình đánh giá: Họ đã quá ngây thơ, coi thường cả xã hội.

"Nhiều trường hợp thí sinh được nâng điểm quá sức tưởng tượng so với năng lực của các em.

Tôi cho rằng những trường hợp nâng điểm như thế họ đã quá ngây thơ.

Hành vi của họ có thể nói là đã ăn cắp điểm. Nhưng khi ăn cắp điểm lại lôi lên hàng đầu (thủ khoa) trong khi thực lực lại không có.

Họ đã quá ngây thơ, coi thường cả xã hội ảnh 3Từ vụ gian lận điểm thi năm 2018 nghĩ về phong trào “2 không” của ngành giáo dục

Có thể họ nghĩ rằng hình thức thi trắc nghiệm trên diện rộng không thể truy đến cùng, kể cả truyền thông có nghi ngờ cũng không thể phát hiện được.

Họ ỷ lại vào máy móc nhưng ông Mai Xuân Trinh đã nói dù có gian dối như thế nào người ta cũng phát hiện ra được".

Dưới góc độ xã hội, ông Bình nhận định:

"Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc này tất nhiên là do sự chạy đua bằng cấp.

Nhưng theo tôi nguyên nhân sâu xa, trên bình diện rộng đó là do sự giả dối đã được dung dưỡng quá lâu.

Thói giả dối, bệnh giả dối đã ăn nhiễm vào rất nhiều lĩnh vực mà giáo dục chỉ là một bình diện thể hiện điều đó.

Ngoài ra giáo dục còn là xã hội được cả xã hội quan tâm cho nên việc tìm ra và lên án vụ việc này là chuyện sớm hay muộn".

Bàn về bệnh giả dối, Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình cho biết:

"Có lẽ cái sự giả dối, gian trá đấy đã diễn ra từ lâu rồi.

Đây không phải là việc quá xa lạ mà nó đã được dung dưỡng trong một thời gian dài.

Ví dụ như việc bồi dưỡng, thi học sinh giỏi cũng làm gian, làm dối hoặc các hình thức chen ngang, dùng tiền, quyền để chạy chức, chạy quyền.

Những cái đấy người ta dành giật được người ta còn chẳng thấy ngượng".

Hậu quả của những hành vi gian dối trên, theo ông Bình nó đã đánh vào lòng tin của xã hội:

"Những hình thức gian lận như thế này là sự thách thức đối với toàn xã hội. Cũng có nhiều trường hợp được nâng 2-3 điểm.

Họ nâng điểm như thế để phòng hờ bị phát hiện. Còn đây là nâng quá mức tưởng tượng.

Hành vi này xuất phát từ ham muốn bằng mọi giá phải có được bằng cấp nhưng sâu xa hơn, thói giả dối đã ngấm sâu vào máu.

Vụ việc này nói riêng và thói giả dối trong các lĩnh vực xã hội đặc biệt là giáo dục ảnh hưởng đến lòng tin của các xã hội.

Câu chuyện này không chỉ dừng lại ở việc bóc tách các đường dây gian lận điểm mà sâu xa hơn cần thiết phải nghiêm trị để lấy lại lòng tin cho xã hội.

Nếu không xử lý thì sẽ không có sự công bằng. Để có được công bằng cho ngành giáo dục, cho các thí sinh cần phải làm đến cùng.

Chuyện thủ khoa được nâng điểm bị phanh phui ảnh hưởng lớn đến lòng tin của xã hội khiến người ta có sự nghi ngờ.

Đến thời điểm này xã hội không thể nào buông tha nhưng lòng tin cũng không thể lấy lại được.

Người ta có quyền nghi ngờ thủ khoa đầu vào, thủ khoa đầu ra vì những chuyện như trên".

Trở lại câu chuyện nâng điểm tại một số địa phương, có lẽ em T.P.T là thí sinh bị "bàn tán" nhiều nhất vì những phát ngôn của mình.

Hành vi gian lận thi cử và nâng điểm được dung dưỡng từ thói giả dối (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Hành vi gian lận thi cử và nâng điểm được dung dưỡng từ thói giả dối (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Một phụ huynh đồng thời cũng là một hiệu trưởng tại Hoà Bình đưa ra lời bình xác đáng:

"Tôi luôn dạy học sinh của mình phải nhớ những câu nói của nhân vật Hiền trong tác phẩm: Một người Hà Nội, để làm triết lý sống.

Có đoạn khi nhân vật Hiền được hỏi bằng lòng cho con đi chiến trường.

Cô Hiền trả lời: Tao đau đớn mà bằng lòng vì không muốn nó sống bám vào sự hy sinh của bạn bè nó. Nó dám đi cũng là biết tự trọng.

Đến người con thứ 2 nối gót anh trai ra chiến trường, cô Hiền lại bảo:

Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó.

Tôi nghĩ rằng nếu các phụ huynh tác động để nâng điểm cho con nghĩ được như cô Hiền và các em thí sinh dám sống công bằng, sòng phẳng với bạn bè.

Thì đến ngày hôm nay chẳng có ai phải mất đi 2 tiếng tự trọng".

Vũ Ninh