Học VNEN, ngồi theo mâm và các nguy cơ con trẻ đang đối diện

30/11/2015 06:45
Lê Văn Vỵ
(GDVN) - Học ở trường thực hiện mô hình trường học mới VNEN mà để học sinh cong vênh cột sống và loạn thị thì chúng ta thật sự có tội với thế hệ trẻ…

LTS: Tiếp tục các bài viết trong chuyên đề "VNEN là vay nợ", hôm nay, tác giả Lê Văn Vỵ nêu ra một số nguy cơ khi áp dụng mô hình học tập này. Các lo ngại có được khi tiến hành khảo sát ở một số trường học tại Hà Tĩnh. 

Nguy cơ gù vẹo cột sống,  rối loạn thị lực

Dù chuyển sang mô hình trường học mới VNEN nhưng cơ sở vật chất của nhiều Nhà trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn không thay đổi: “Lớp thì cũ, diện tích vẫn vậy. Chỉ có lớp nào hẹp quá thì mới đập bục giảng để nới rộng và trang trí các biểu bảng mới mà thôi”, thầy giáo Trần Danh cho biết. 

Học sinh lớp 5A1 trường tiểu học Thạch Châu khó có thể ngồi ngay ngắn khi phải nhìn lên bảng. (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Học sinh lớp 5A1 trường tiểu học Thạch Châu khó có thể ngồi ngay ngắn khi phải nhìn lên bảng. (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Nhóm phóng viên đến trường tiểu học Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tại lớp 5A1 có 32 học sinh, bố trí 6 bàn ghép cho 6 nhóm, chật chội khiến ở bàn số 3 bên phải (từ trên xuống) em Phạm Hồ Thủy Tiên và Lê Văn Hoàng Việt (nhóm tích cực), bàn số 2 bên trái em Nguyễn Thị Hà My và Phan Trọng Uy (nhóm tự tin) phải ngồi quay lưng lại bảng và 18 em khác phải ngồi nghiêng với bảng. 

Khi được hỏi: “Lớp học mới ngồi học có gì khác trước?” thì em Lê Hoàng Việt trả lời hồn nhiên: “Trước ngồi ngang, nay ngồi theo mâm”. 

Hầu hết các trường mà nhóm phóng viên tới quan sát thì đều bố trí học sinh ngồi theo hình chữ U. Do ngồi theo chữ U nên 2/3 học sinh phải ngồi nghiêng để nhìn lên bảng. 

Cô giáo Đào Thị L. (Hương Sơn) cho biết: “Đáng lẽ ra lớp học theo mô hình VNEN không có bảng, nhưng hầu hết các trường tôi đến vẫn giữ nguyên.

Theo tôi, bảng là một phương tiện dạy học hiệu quả, dùng bảng để hướng dẫn hoạt động hình thành khái niệm, hướng dẫn thực hành và rất nhiều nội dung khác nữa, cho nên chưa thể bỏ hẳn cái bảng là vì thế!
”.

Thói quen dùng bảng trong thời gian lên lớp của cô giáo, khiến học sinh muốn nhìn lên bảng phải vất vả nghiêng cổ, quay lưng.

Một số nhà trường và giáo viên đã phát hiện ra điều này. 

Tại trường THCS Tân Lâm (Thạch Hà), thầy Nguyễn Thừa Mạnh- Hiệu trưởng nhà trường đã cho bố trí 2 bảng hy vọng khắc phục tình trạng này. 

Nhóm phóng viên đã làm cuộc điều tra nhỏ. Tại lớp 2A trường tiểu học Trung Lễ, huyện Đức Thọ có 17/21 cháu được hỏi xác nhận ngồi nghiêng mỏi cổ và lưng. 
Vẫn câu hỏi này, tại lớp 5A1, trường tiểu học Thạch Châu thì con số là 15/32. 

Bác sỹ chuyên khoa 1 Lê Ngọc Thắng (người mặc blue trắng) cho biết: “Ngồi sai tư thế thời gian dài như vậy, khả năng gù, vẹo cột sống, loạn thị lực là điều có thể xảy ra” (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Bác sỹ chuyên khoa 1 Lê Ngọc Thắng (người mặc blue trắng) cho biết: “Ngồi sai tư thế thời gian dài như vậy, khả năng gù, vẹo cột sống, loạn thị lực là điều có thể xảy ra” (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Trao đổi vấn đề này với giới chuyên môn, bác sỹ chuyên khoa 1 Lê Ngọc Thắng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: 

Học sinh tiểu học, THCS nằm trong độ tuổi từ 6 đến 15 là lứa tuổi phát triển xương khớp. Nếu cứ ngày ngày qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác mà ngồi sai tư thế thì khả năng gù, vẹo cột sống, loạn thị lực là điều dễ xảy ra”. 

Hầu hết bàn, ghế học sinh ở các lớp VNEN hiện nay không đúng chuẩn

Trước khi đến tìm hiểu các trường đang thực hiện mô hình trường học mới VNEN,  nhóm phóng viên đã đọc rất kỹ Thông tư liên tịch  số 26/ 2011/TTL-BGDĐT-BKHCN-BYTcủa 3 Bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế về: “Hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường THCS, trường THPT”. 

Thông tư có 3 chương 11 điều quy định một cách rất khoa học, rõ ràng về kích thước (chiều cao, chiều rộng, chiều sâu  của bàn và ghế; hiệu số chiều cao bàn ghế) theo nhóm chiều cao học sinh; kiểu dáng, màu sắc, kết cấu, chất liệu, mẫu mã, cách bố trí bàn ghế trong phòng học. 

Thông tư liên tịch số 26/2011/ TTLT-BGDDT-BKHCN-BYT(Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Thông tư liên tịch số 26/2011/ TTLT-BGDDT-BKHCN-BYT(Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Nhưng tất cả các trường được tìm hiểu có rất ít trường đáp ứng được các tiêu chí của Thông tư 26. Kỳ lạ thay khi nhiều Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường Tiểu học, THCS quan tâm đến thông tư này!?

Ngoài trường THCS Tân Lâm (Thạch Hà), THCS Yên Trấn (Đức Thọ), tiểu học Nguyễn Du (Thành phố Hà Tĩnh) bàn ghế tương đối đạt chuẩn thì hầu hết các trường nhóm phóng viên đến chứng kiến bàn ghế hoặc là được lấy từ bàn ghế cũ, xếp lại theo hình chữ T để thích hợp với tổ chức ngồi học theo nhóm, hoặc là được sửa chữa, sắp xếp lại.

Bàn ghế dài ngắn xếp theo chữ T (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Bàn ghế dài ngắn xếp theo chữ T (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Do sử dụng bàn ghế cũ nên các mặt bàn cong vênh, không ăn khớp với nhau, thậm chí có bàn dài ngắn khác nhau. Chất liệu đa dạng, màu sắc cũng đủ loại không theo quy định nào. 

Tại trường Tiểu học Cẩm Huy (Cẩm Xuyên), cơ sở vật chất phòng học xuống cấp, tường ố màu, bàn ghế học sinh lớp 2 không đúng kích cỡ, đúng chuẩn cho nên chưa tạo được tâm thế cho học sinh trong giờ học.

Tại lớp 6E trường tại một trường THCS bàn ghế cũ, cong vênh không đạt chuẩn (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Tại lớp 6E trường tại một trường THCS bàn ghế cũ, cong vênh không đạt chuẩn (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Qua bài báo này, nhóm phóng viên rất mong muốn các thầy cô giáo, các nhà trường đang thực hiện mô hình trường học mới VNEN; những người trong cuộc đang hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng gắn bó với học sinh, lăn lộn với đổi mới giáo dục hãy thảo luận và cho ý kiến về giải pháp làm sao để học sinh ngồi học nhóm tránh được khả năng cong vênh cột sống và rối loạn thị lực?
 
Nếu để học sinh cong vênh cột sống và loạn thị thì chúng ta thật sự có tội với thế hệ trẻ…

Còn nhiều vấn đề cảnh báo về VNEN, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật trong các bài tiếp theo. 

Lê Văn Vỵ