Học lấy lòng hay để lấy kiến thức?

04/07/2017 06:00
Thuận Phương
(GDVN) - “con đăng kí học cô chủ nhiệm dạy Toán, hết tháng là đóng tiền nhưng thỉnh thoảng con mới đi, miễn đóng tiền đầy đủ còn đi hay nghỉ cũng chẳng sao”.

LTS: Chia sẻ những tâm tư, nỗi vất vả trên con đường đến với kiến thức của các em, tác giả Thuận Phương đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết của mình về vấn đề này.

Tác giả cho rằng, các em đi học không đơn thuần chỉ lo kiến thức mình tiếp thu được là gì mà còn phải lo cả sắc mặt của thầy cô, từ đó, góp phần dẫn tới nghịch lý giữa điểm thi và điểm học của các em.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Khái niệm “học lấy lòng” và “học lấy kiến thức” chẳng còn xa lạ đối với nhiều giáo viên và học sinh. Bởi, khái niệm này vẫn đang tồn tại, hiện hữu trong nhiều ngôi trường (chủ yếu ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông).

Hình ảnh minh họa cho việc chạy học thêm của các em (Ảnh: tuyensinh247.com)
Hình ảnh minh họa cho việc chạy học thêm của các em (Ảnh: tuyensinh247.com)

Ở đó, theo một số chia sẻ: “học sinh muốn vừa yên ổn học tập, vừa muốn có đủ kiến thức đi thi thì phải chấp nhận chứ biết phải làm sao?”

Học sinh chọn hai hình thức học như thế phần lớn là những học sinh có lực học khá tốt. Vì muốn nâng cao trình độ kiến thức nên các em thích chọn thầy cô dạy giỏi, có khả năng tổng hợp, nâng cao kiến thức cho mình.

Những giáo viên này, có thể dạy ngay trong trường nhưng không dạy trực tiếp các em hoặc những giáo viên giỏi dạy ở trường khác. 

Những môn học mà các em thường áp dụng “học lấy lòng” và “học lấy kiến thức” chủ yếu rơi vào các môn như: toán, anh văn, lý, hóa... (ở bậc trung học phổ thông). 

Khái niệm “học lấy lòng” và “học kiến thức” là cách nói vui của một số em khi giải thích vì sao cùng một môn học mà lại học thêm tới mấy thầy cô giáo. 

Chẳng hạn như môn toán, các em vừa học với giáo viên dạy trên trường để thầy cô đỡ làm khó và sẽ giúp đỡ khi bản thân các em không may mắc lỗi; lại vừa học với một thầy cô giáo khác dạy giỏi để nâng cao trình độ kiến thức của bản thân. Những điều này, thầy cô đang dạy chính khóa đôi khi không có được.

Học lấy lòng hay để lấy kiến thức? ảnh 2

Còn những giáo viên như thế này, đổi mới sẽ khó thành công

Nếu may mắn, học sinh nào đang học với những thầy cô dạy giỏi thì các em sẽ đỡ một khoản học phí cho việc ‘học lấy lòng”. Nghẹt nỗi, những học sinh đang học chính khóa với những thầy cô không có khả năng dạy nâng cao và kĩ năng sư phạm yếu nhưng hay trù dập, làm khó…thì buộc lòng các em phải đăng kí học thêm.

Khi được hỏi “mình cứ cố gắng học tốt thì thầy cô nào có thể làm khó”? Cần gì phải “học lấy lòng” để đỡ mất thời gian và tiền bạc của ba mẹ? 

Một học sinh giỏi, không ngần ngại lên tiếng: “con muốn yên ổn chứ chẳng muốn nhức đầu. Có thầy cô cứ mỗi khi lên lớp lại nói mát mẻ xa gần theo kiểu trách móc, nếu lỡ chẳng may vi phạm lỗi gì bằng con kiến có khi lại được thổi phồng bằng con voi nên mệt lắm”. 

Có em lại vì: “con chú tâm vào học mấy môn chính nên đôi khi lơ là một số môn học khác. Nếu để thầy cô ghét thì càng mệt mỏi hơn. Chọn đi học môn của thầy cô dạy cũng là cách lấy lòng thầy cô để đỡ phải bị mắng khi mắc lỗi”.

Thế rồi, vì một số môn phải học cùng lúc tới 2 giáo viên nên hầu như hàng tuần các em phải bận rộn, quay vòng với các buổi học thêm. 

Có em tỏ ra am hiểu nên bật mí rằng: “con đăng kí học cô chủ nhiệm dạy Toán, hết tháng là đóng tiền đầy đủ nhưng thỉnh thoảng con mới đi, cô cũng chẳng nói gì”. Có em thấy vậy liền nói tiếp: “miễn đóng tiền đầy đủ còn đi hay nghỉ cũng chẳng sao”. 

Học lấy lòng hay để lấy kiến thức? ảnh 3

Chương mới của giáo dục Việt Nam

Số khác lại cần điểm cao để đạt được danh hiệu mình mơ ước nên chọn cách “học lấy lòng”. Những giáo viên dạy kiểu này thường mang điểm ra “dẫn dụ” học sinh bằng cách cho các em giải trước những dạng toán khó, dạng toán nâng cao có trong các bài kiểm tra, các đề thi một tiết, thi giữa và cuối kì.

Bởi thế, em nào cũng đạt điểm 9 - 10 và tổng kết môn học bao giờ cũng đứng hàng đầu của lớp. Những em có lực học yếu kém, nhờ đi học thêm cũng có điểm đạt mức khá. 

Mức điểm đạt được mỗi ngày tăng dần chỉ có kiến thức tiếp thu được của các em thì đôi khi vẫn “dậm chân tại chỗ’. Điều này chỉ được chứng minh khi các em tham gia kỳ thi chuyển cấp hoặc thi tốt nghiệp, khi mà đề thi không phải nhà trường nơi các em đang học tự ra.

Bởi vẫn, tồn tại cách “học lấy lòng” đã góp phần dẫn đến nghịch lý điểm học và điểm thi có sự chênh lệch nhau rất lớn mà báo chí đã phản ánh sau khi có kết quả thi ở mỗi kỳ thi lớn.

Thuận Phương