Học phí thì ít, phụ phí mới nhiều!

12/11/2018 11:19
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là chia sẻ của đại biểu Cao Đình Thưởng qua ghi nhận ý kiến của nhiều phụ huynh về đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở.

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) nhận được rất nhiều sự quan tâm đóng góp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Trong đó, hai chính sách mới về miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở và chính sách tín dụng cho sinh viên sư phạm được nhiều đại biểu quan tâm bàn thảo.

Trao đổi với chính sách miễn học học phí, đại biểu Cao Đình Thưởng – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Thọ cho rằng, đây là chính sách đúng đắn, tiến bộ.

Việc miễn học phí trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở là tốt và nhân văn.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chia sẻ các thông tin ghi nhận từ chính phụ huynh có con em đi học.

Đại biểu Cao Đình Thưởng. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Cao Đình Thưởng. Ảnh: Quochoi.vn

“Khi chúng tôi hỏi phụ huynh nhiều người bảo, học phí thì ít, phụ phí mới là lớn.

Thực tế, nhiều phụ huynh cũng không hào hứng lắm với việc bỏ học phí nhưng họ đặc biệt quan tâm đến việc thu các loại phí khác.

Đây là vấn đề đặt ra từ lâu và rõ ràng là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục xem xét để quản lý hiệu quả hơn”, đại biểu Cao Đình Thưởng nêu.

Cũng liên quan đến chính sách miễn học phí, một trong những chính sách mới được đề cập tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh, đây là chính sách tốt và có ý nghĩa hết sức nhân văn.

Tuy nhiên, theo đại biểu, để chính sách có tính khả thi trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp thì cần phải tính kỹ.

"Như vậy là phải có lộ trình, đối tượng nào cần phải thực hiện ngay.

Chẳng hạn như trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số thì phải ưu tiên trước. Những đối tượng còn lại có thể chậm lại một chút.

Mục đích là tạo sự hài hòa giữa chính sách và điều kiện thực tiễn", đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: VOV.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: VOV.vn

Ngoài chính sách miễn học phí, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) còn có sự điều chỉnh chính sách liên quan đến sinh viên sư phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, chính sách không thu học phí đối với sinh viên sư phạm đã bộc lộ nhiều bất cập.

Nếu như những thời kỳ đầu thực hiện, chính sách này đã có tác động tích cực tới việc thu hút những sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và tạo ra được đội ngũ giáo viên có chất lượng cho ngành giáo dục thì những năm gần đây, chính sách này không còn phát huy tác dụng.

Theo đại biểu, lý do cơ bản nhất là cơ hội tìm việc làm của sinh viên sư phạm ngày càng khó.

Tiếp đó là các chính sách đãi ngộ, vấn đề lương bổng của giáo viên chưa đủ sức thu hút và giữ chân người giỏi; môi trường làm việc của nhà giáo cũng gặp không ít khó khăn, rủi ro.

Vì thế, chất lượng đầu vào của ngành sư phạm rất thấp. Nhiều sinh viên sư phạm sau khi ra trường không có cơ hội hoặc không lựa chọn nghề giáo, gây lãng phí nguồn lực.

Vì vậy, dự thảo lần này đã sửa theo hướng, thay chính sách không thu học phí đối với sinh viên sự phạm bằng chính sách tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, chính sách này có nhiều điểm phù hợp.

Học phí thì ít, phụ phí mới nhiều! ảnh 3Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân có lạm dụng mác "chất lượng cao" để thu tiền?

Thứ nhất cũng là chính sách ưu đãi dành cho ngành sư phạm nhưng đã tính đến hiệu quả đầu tư ngân sách.

Như vậy, ngân sách Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, vấn đề lãng phí ngân sách Nhà nước sẽ được giải quyết.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây cũng chỉ là phần ngọn trong chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.

Điều quan trọng hơn là cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường, vấn đề chính sách ưu đãi nghề nghiệp đối với nhà giáo, môi trường làm việc tốt cùng với sự tôn trọng mà xã hội dành cho nhà giáo…

Đó mới là vấn đề cốt lõi để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm", đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Đỗ Thơm