Học sinh Phù Đổng thi tài và được vinh danh trên đất Mỹ

28/04/2019 06:57
TẤN TÀI
(GDVN) - Vượt qua hơn 60 đội tuyển của nhiều quốc gia, nhóm 5 học sinh tiểu học Đà Nẵng đã được vinh danh trên đất Mỹ nhờ kỹ năng sáng tạo, lập trình xuất sắc.

Ngày 27/4, nhóm học sinh trường tiểu học Phù Đổng (Đà Nẵng) tham dự cuộc thi "First Lego League Championship 2019" diễn ra tại Mỹ đã về đến sân bay Đà Nẵng trong sự chào đón nhiệt thành của người thân, bạn bè.

“Đoàn kết – tự tin – sáng tạo”

Chủ đề của cuộc thi First Lego League Championship năm nay là Mission Moon (tạm dịch là nhiệm vụ mặt trăng). Nhiệm vụ của các đội là giải quyết các vấn đề khi con người sinh sống trên mặt trăng.

Nhóm học sinh Trường tiểu học Phù Đổng được vinh danh trên đất Mỹ. Ảnh: TT
Nhóm học sinh Trường tiểu học Phù Đổng được vinh danh trên đất Mỹ. Ảnh: TT

Từ yêu cầu của cuộc thi, các em dùng mô hình của Lego để thiết kế các nhiệm vụ giải quyết sự sống trên mặt trăng như: làm sao có nguồn nước để uống, làm sao để có năng lượng sử dụng, làm sao để sử dụng năng lượng vào ban đêm...

Tất cả những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi các đội phải giải quyết. Qua công cụ Lego các em thiết kế và lập trình mô hình, thuyết trình bằng tiếng Anh trước ban giám khảo.

Nguyễn Hà Đăng Thi (học sinh lớp 5/7), thành viên nhóm cho biết, cuộc thi vừa rồi thể hiện tinh thần đồng đội rất cao. Mỗi thành viên đưa ra ý tưởng, sau đó nhóm trưởng sẽ tập hợp lại để có được phương án tốt nhất.

Học sinh chế tạo mô hình xe rà đinh nhờ vận dụng tác dụng từ của dòng điện

“Thi đấu ở Mỹ thì các đội có mô hình rất đẹp nhưng quan trọng là cách thuyết trình và tính khả thi của nó.

Còn mỗi đội trên thế giới khi lọt tới vòng chung kết thì đều có khả năng riêng của mình, ai cũng giỏi”, Đăng Thi chia sẻ.

Còn em Nguyễn Nhật Minh (học sinh lớp 5/5, trường tiểu học Phù Đổng) thì nhận xét, đây là một cuộc thi rất hay và bổ ích cho các bạn học sinh tiểu học.

Cả đội đã luyện tập rất miệt mài trước khi đến Mỹ để dự thi nên ai cũng hồi hộp chờ đợi màn đọ tài với các đội tuyển trên thế giới.

“Khó khăn nhất là mỗi người đều có ý kiến riêng nên thường tranh cãi rất quyết liệt mới đi đến phương án thống nhất.

Cuộc thi này giúp em học tốt hơn các môn học ở trường như: toán, ngoại ngữ… Bởi nó đòi hỏi sự suy luận logic, tư duy phản biện, làm việc nhóm…”, Nhật Minh nói.

Với nhiều ý tưởng độc đáo, mô hình sáng tạo và được trình bày một cách thuyết phục, đội trường Phù Đổng đã giành được giải "hợp tác thiết kế tốt tại cuộc thi"

Không chỉ tranh tài trong cuộc thi, các em còn được giao lưu với bạn bè đến từ khắp năm châu.

Món quà mà nhóm học sinh trường tiểu học Phù Đổng gửi tặng bạn bè quốc tế là những “con chuồn chuồn thăng bằng”. Món quà dân gian, đậm chất Việt đã khiến các đội hào hứng, thích thú.

Mang Stem vào trường học

Cô Hồ Thị Cẩm Bình – Trưởng phòng Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng), người trực tiếp đưa nhóm học sinh sang Mỹ thi tài cho biết, cuộc thi đã tạo điều kiện cho các em được trải nghiệm, được tự do thể hiện sự sáng tạo của mình. 

Các bạn luyện tập hình thành các ý tưởng để giải quyết vấn đề sau đó dùng Lego để thể hiện. Ảnh: TT
Các bạn luyện tập hình thành các ý tưởng để giải quyết vấn đề sau đó dùng Lego để thể hiện. Ảnh: TT

Từ ý tưởng ban đầu của ban tổ chức, các em thoải mái tư duy, phát triển các ý tưởng mới và bắt tay vào thực hành các ý tưởng của mình.

“Việc dùng khả năng tiếng Anh để trình bày thuyết phục trước ban tổ chức, giúp học sinh tiểu học năng động hơn. Với STEM thì ngoài học kiến thức, các em được thực hành trực tiếp chứ không chỉ là lý thuyết khô khan.

Hiện nay, ngành giáo dục đang tổ chức các chương trình như Robotic hay học theo Lego ở các trường tiểu học, các câu lạc bộ. Những em học sinh yêu thích có thể tự nguyện tham gia những chương trình này.

Học sinh trường Chu Văn An sáng tạo nhiều sản phẩm nhờ giáo dục STEM

Sở cũng khuyến khích các trường phát triển việc dạy và học STEM để phát triển khả năng tư duy, sáng tạo và thực hành của học sinh”, cô Bình nói.

Cô Trương Thị Nhã Trúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng cho hay, cuộc thi đã giúp các em được mở rộng kiến thức, tăng cường sự giao lưu với học sinh các nước trên thế giới.

“Những ngày qua Mỹ, các em cũng gặp khó khăn vì thay đổi giờ giấc sinh học. Nhưng khi thi tài với các đội thì các em rất bình tĩnh, tự tin để trình bày về các ý tưởng của mình”, cô Trúc nói.

Anh Trương Quốc Tuấn – Giám đốc trung tâm giáo dục STEM SQUARE, người trực tiếp huấn luyện nhóm học sinh đi thi chia sẻ, học STEM đã giúp các em phát huy tối đa năng lực sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán ngay trong một môn học.

Thông qua việc đào tạo theo mô hình nhóm, các học sinh có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm như: thuyết trình, phản biện, tư duy logic, làm việc nhóm... giúp các em năng động hơn, có hiểu biết sâu sắc và năng lực tự chủ để giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, anh Tuấn cũng chỉ ra những hạn chế trong việc dạy và học STEM hiện nay là tình trạng nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về STEM còn hạn chế.

Cô giáo trẻ tiên phong trong dạy học tích hợp STEM ở Hải Phòng

Điều này dẫn đến tình trạng lúng túng, thiếu bao quát trong quá trình phát triển ứng dụng mô hình giáo dục STEM tại các trường.

Khó khăn trong việc thay đổi tư duy của thầy cô giáo về mô hình giáo dục STEM, thực tế trình độ của giáo viên chủ yếu giỏi lý thuyết, năng lực thực hành còn hạn chế.

“Hiện tại, các trường chỉ triển khai dưới hình thức câu lạc bộ ngoài giờ, nên tính hiệu quả không được cao, không thể nhân rộng đại trà cho tất cả học sinh được học về STEM.

Khó khăn khác là vấn đề pháp lý để xin triển khai các môn học STEM vào giờ chính khóa trong trường học vì hiện chỉ mới triển khai được STEM Robotics”, anh Tuấn chia sẻ thêm.

TẤN TÀI