Học sinh Sài Gòn tăng tốc ôn luyện cho kỳ thi quốc gia năm 2019

15/02/2019 06:14
Phương Linh
(GDVN) - Ngay sau khi tết Kỷ Hợi vừa kết thúc, học sinh khối 12 tại các trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng tốc ôn luyện cho kỳ thi quốc gia 2019

Khi tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019 vừa kết thúc, cũng là lúc học sinh khối 12 tại các trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia năm nay.

Điều mà thầy cô và các em học sinh quan tâm lúc này nhất, đó chính là mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên độ khó của đề thi giống như tại đề minh họa.

Ra sức ôn luyện

Ngay từ mùng 7 tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, Thảo Trang – một học sinh khối 12 của Trường trung học phổ thông Gia Định, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải quay trở lại các lớp học thêm ở trung tâm.

Năm nay, Trang đăng ký thi khối D1, do môn Ngữ Văn không phải là thế mạnh của em, nên ngay từ đầu năm học lớp 12, Trang đã đến trung tâm để ôn luyện, học thêm môn này.

Khi Bộ chưa công bố các đề thi minh họa, thì giáo viên ở trung tâm dạy, ôn cho em các kiến thức cơ bản của lớp 12, rồi giải các đề thi của những năm trước.

Tuy nhiên, kể từ khi đề thi minh họa được công bố, học sinh được yêu cầu mở rộng đến từng chi tiết nhỏ nhất của các tác phẩm văn học, không những bên trong và cả bên ngoài sách giáo khoa.

Học sinh khối 12 Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân trong giờ học (ảnh: P.L)
Học sinh khối 12 Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân trong giờ học (ảnh: P.L)

Phần lớn các kiến thức trong đề thi minh họa là của lớp 12, nên Trang nói rằng, nếu không học ôn kiến thức của lớp 10, 11 thì hơi lo, còn học luôn cả 2 lớp này nữa thì lại quá rộng, sợ ôn không kịp.

Em Tấn Quốc, một học sinh khối 12 của Trường trung học phổ thông Bà Điểm, huyện Hóc Môn nói rằng, thời gian từ nay tới khi thi không còn nhiều nữa.

Đây chính là khoảng thời gian vừa hoàn tất chương trình theo sách giáo khoa, rồi còn ôn luyện kiến thức cho kỳ thi quan trọng này.

Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh tỷ lệ điểm để xét tốt nghiệp lên đến 70%, nên các thí sinh vẫn mong muốn rằng, Bộ sẽ giữ nguyên độ khó, cũng như cấu trúc như đề minh họa đã được công bố.

Phân lớp, ôn luyện ngay từ đầu năm học lớp 12

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trịnh Duy Trọng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân nói rằng, ngay từ đầu năm học lớp 12, ngoài việc học buổi sáng thì trường vẫn phải đảm bảo đúng theo phân phối chương trình mà Bộ quy định.

Còn buổi chiều (buổi 2), trường phân ra lớp học theo trình độ học lực của học sinh để dễ dạy và ôn.

Nếu trong quá trình học, ôn, học sinh nào kiến thức quá yếu, giáo viên có thể kèm thêm cho các em học vào các buổi sáng thứ 7 hay Chủ nhật.

Giáo trình học buổi 2 do các tổ bộ môn của trường tự biên soạn.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố đề thi minh họa, thì giáo viên còn cảm thấy lo lắng, vì chưa biết cấu trúc đề sẽ như thế nào, còn khi đã công bố đề minh họa rồi thì trường xác định các kiến thức của lớp 12 vẫn là quan trọng hàng đầu.

Vào tháng 5, 6 thì nhà trường sẽ ôn tập thêm các kiến thức lớp 10, 11, để cho các em học sinh có thể tự tin làm được bài thi.

Hình thức học, ôn luyện như vậy, Trường Nguyễn Hữu Cảnh đã áp dụng từ nhiều năm nay. Thực tế, sau khi mỗi mùa thi kết thúc, nhà trường tổng kết lại thì thấy kết quả rất khả quan.

Còn tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng chia sẻ: Căn cứ vào định hướng chọn bài thi, tổ hợp môn xét tuyển của học sinh, nhà trường xếp học sinh vào 3 lớp ban xã hội và 11 ban khoa học tự nhiên.

Từ nay đến ngày 22/4, nhà trường tăng cường 12 tiết học mỗi tuần, áp dụng đối với các môn thuộc khối thi mà các em học sinh đã chọn.

Nhà trường còn công bố công khai thông tin các giáo viên phụ trách của từng lớp học, để học sinh có quyền lựa chọn lớp học có giáo viên mà các em yêu thích.

Phương Linh