Học sinh bây giờ không thích những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội

07/04/2017 06:32
Diệu Thuần
(GDVN) - Có những thông tin thiếu kiểm chứng xuất hiện trên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức của học sinh nên các em không thích.

Tại buổi đối thoại "Học sinh thành phố với văn hóa học đường'', do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hôm 28/3, Nguyễn Xuân Hoàng, học sinh Trường trung học phổ thông An Đông (Thành phố Hồ Chí Minh) đã thẳng thắn bảy tỏ quan điểm của mình về những bất cập do những thông tin không chính xác trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.

Đừng mang đến những thông tin xuyên tạc, sai lệch

Hoàng lấy ví dụ vụ cháy chợ Kim Biên ở quận 5 vừa mới xảy ra. Để dập tắt lửa, không cho đám cháy lan ra, các anh lính cứu hỏa phải làm việc rất cật lực. Trên Facebook đã xuất hiện một số clip quay cảnh lính cứu hóa dùng vòi xịt dập lửa.

''Nhiều bạn đã không hiểu đó là việc làm tốt của các anh lính cứu hỏa. Các bạn đã xuyên tạc thành những thông tin sai lệch.

Có bạn còn chia sẻ trên mạng các thông tin sai lệch đó, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người lính cứu hỏa cũng như lòng tin của mọi người dành cho họ. Đó là việc làm không đúng và vô tâm.

Em là người chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối. Em đã chứng kiến được cảnh các anh lính cứu hỏa phải làm việc rất cật lực, mồ hôi nhễ nhãi, ướt hết quần áo mới dập tắt được đám cháy, ngăn không cho ngọn lữa lan ra. Em rất nghi nhận công lao của các anh ấy.

Thế mà, em lên mạng lại xuất hiện clip không đúng sự thật về các anh ấy. Đọc được thông tin cho rằng, chính các anh lính cứu hỏa làm cho đám cháy cứ bùng phát. Có thông tin còn cho rằng các anh ấy không chịu làm việc vì thấy một anh đang ngồi nghỉ sau khi dập xong đám cháy.

Em rất bất bình và không ngờ rằng, tại sao có một số người là hiểu sai thông tin, cố tình xuyên tạc thông tin như vậy. Đáng lẽ, chúng ta phải ghi nhận công lao của các anh lính cứu hỏa chứ'', Hoàng nói.

Theo Hoàng, học sinh nên tìm đến những nguồn tin chính thống, đừng nên chia sẻ một cách vô ý thức các clip không lành mạnh, không rõ ràng, sai lệch, xuyên tạc. Với những thông tin, clip về bạo lực học đường cũng đừng nên chia sẻ rồi làm theo, mà nên xem đó là bài học cho mình.

Em kiến nghị, thầy cô nên tổ chức các cuộc thi làm video, clip, đoạn phim ngắn... để học sinh thể hiện mình, từ đó các em biết trân trọng nguồn tin chính thống. 

Có những thông tin trên mạng xã hội không đúng sự thật, xuyên tạc làm học sinh không thích - ảnh: T.A
Có những thông tin trên mạng xã hội không đúng sự thật, xuyên tạc làm học sinh không thích - ảnh: T.A

Lê Hoài, học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp đặt câu hỏi: ''Tại sao bây giờ có nhiều người cố tình hiểu sai thông tin. Có người chỉ cần chờ có thông tin nào đó nhạy cảm hoặc không đúng là bếu xấu, trù dập nạn nhân, đẩy họ đến đường cùng''.

Em cho rằng, hiện trên mạng xã hội có rất nhiều clip, video, bài hát... sử dụng những ca từ không đúng, dung tục, nhạy cảm đi ngược với giá trị tốt đẹp thế mà có nhiều học sinh vẫn thích. 

"Em chẳng hiểu các bạn nghĩ sao nữa. Là học sinh đi học là phải học lễ nghĩa, học kiến thức và học những điều tốt đẹp. Tại sao các bạn cứ đi theo những trào lưu phản cảm, thế là làm cho văn hóa ứng sử học đường đi xuống'', Hoài thắc mắc.

Bị ám ảnh câu nói: có muốn bỏ vào thùng xốp không

Ngô Uyên, học sinh lớp 11 Trường trung học phổ thông Phú Nhuận cho rằng, bạo lực học đường hiện nay không chỉ có đấm đá, gây gổ với nhau mà còn cả khủng bố tinh thần. Chỉ cần ai đó có chuyện không hay là sẽ bị sức mạnh đám đông chỉa mũi dùi, chỉ trích, miệt thị.

''Em được biết câu chuyện một bạn nữ 15 tuổi bị lộ clip nhạy cảm. Đó là nỗi đau của bạn ấy. Là học sinh cùng trang lứa, đáng lẽ phải cảm thông, động viên tinh thần bạn ấy thì có một số đông cứ chĩa mũi dùi, dùng những lời cay nghiệt làm tổn thương tinh thần bạn ấy.

Bạn ấy đã phải kết liễu đời mình. Em đặt ra câu hỏi, liệu chẳng may chuyện buồn đó đến với các bạn thì sao...'', Uyên bức xúc.

Uyên cho biết, hiện em bị ám ảnh câu nói: ''Có muốn bỏ vào thùng xốp không'' của nhiều học sinh khác. Câu nói đó giờ đã trở thành câu cửa miệng của học sinh. Tất cả là do ảnh hưởng từ vụ án một nữ sinh bị người yêu giết rồi bỏ vào thùng xốp tại chung cư Hà Đô, quận Gò Vấp vừa qua. 

Từ đó, nhiều học sinh lấy để đùa nghịch với nhau. Có học sinh dùng thùng xốp để đùa giỡn rồi đóng giả làm nhân vật. Mỗi khi nói chuyện, trao đổi hay đùa nghịch với nhau là học sinh đưa câu nói trên vào để giao tiếp.

''Sao mà các bạn vô cảm quá. Tại sao các bạn lại có thể đùa giỡn trên nỗi đau của người khác như vậy. Em mong rằng, trong tương lai gần liệu thầy cô có cách nào để giáo dục tư tưởng và hướng dẫn học sinh trong cách sử dụng được lời ăn tiếng nói của mình không'', Uyên đặt câu hỏi.

Tạo sân chơi trên mạng xã hội

Lê Huỳnh Bảo Trân, học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong cho rằng, hiện nay, có rất nhiều điều xấu tràn lan trên mạng xã hội. Nếu cấm học sinh sử dụng mạng xã hội là vô cùng khó, vì tâm lý thanh nhiếu niên càng cấm thì càng thích làm.

Hơn nữa, mạng xã hội là nơi giúp học sinh giao lưu học hỏi, tìm tài liệu học tập và học được nhiều kỹ năng cho mình. ''Bên cạnh những điều xấu, mạng xã hội có rất nhiều điều tốt cần phải học hỏi. 

Tại sao chúng ta không dựa trên mạng xã hội để tạo ra môi trường giáo dục, giao lưu lành mạnh cho các bạn học sinh. Các thầy cô hãy tổ chức các cuộc thi làm video, clip hay, ý nghĩa chẳng hạn. Hay như khuyến khích học sinh đăng tải các clip và câu chuyện đẹp về văn hóa ứng xử trong nhà trường cũng như ngoài xã hội'', Trân đề xuất.

Nhận được các ý kiến đóng góp nêu trên, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề mạng xã hội mà các em học sinh đang quan tâm không phải là vấn đề mới, nhưng lúc nào cũng nóng bỏng và quan trọng.

''Chúng ta đã có những biện pháp hạn chế tác hại của nó, nhưng không thể ngăn chặn được hết nguy cơ đến từ mạng xã hội. Chúng ta phải tự bảo vệ lấy mình thôi'', ông Sơn nói.

Ông yêu cầu nhà trường, giáo viên cần quan tâm đến các nôi dụng mà học sinh đã đề cập một cách cụ thể hơn. ''Thầy cô chủ động tác động đến học sinh, nếu không chăn được thông tin tiêu cực thì giúp các em biết chọn lọc để hạn chế tối đa mặt trái của công nghệ thông tin.

Ngoài ra, thầy cô phải biết giúp học sinh chia sẻ những thông tin tích cực và phản biện lại thông tin tiêu cực. Các em học sinh cũng phải là người chủ động để tự trang bị các kiến thực, kỹ năng tiếp nhận thông tin cho mình'', ông Sơn nêu.

Diệu Thuần