Học sinh cấp 3 tự tin tranh luận bằng tiếng Anh về tác động của mạng xã hội

31/03/2017 14:12
Bài và ảnh: Thùy Linh
(GDVN) - Tối 30/3, các em học sinh trung học phổ thông đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh… tự tin bày tỏ quan điểm của mình về mạng xã hội bằng tiếng Anh.

10 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh Teen Talk 2017 - "Tôi là nhà diễn thuyết siêu đẳng" vừa tranh tài tại trong đêm chung kết được tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào tối 30/3. 

Đây là chương trình nhằm tạo một sân chơi bổ ích cho các em học sinh Trung học phổ thông trên cả nước có cơ hội được trình bày kiến thức và khả năng hùng biện tiếng Anh về các vấn đề được quan tâm trong xã hội. 

Top 10 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng anh Teen Talk 2017.
Top 10 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng anh Teen Talk 2017.

Được biết, trước đó, Teen Talk đã trải qua 2 vòng thi là vòng trực tiếp và vòng huấn luyện. Qua 2 vòng thi căng thẳng, 10 thí sinh xuất sắc nhất đã được chọn ra để đi tiếp vào vòng chung kết.

Trong đêm chung kết, các thí sinh đến từ nhiều trường Trung học phổ thông trên cả nước như Amsterdam Hà Nội, Chuyên Ngoại ngữ, Kim Liên, Chuyên Hạ Long... phải trải qua 2 vòng thi chính là: Hùng biện đối kháng và Hùng biện đỉnh cao xoay quanh chủ đề về tác động đa chiều của mạng xã hội với giới trẻ.

Tại vòng thi Hùng biện đối kháng, 10 thí sinh được chia thành 5 cặp, mỗi cặp gồm 2 thí sinh thi hùng biện đối kháng theo hình thức một bên ủng hộ và bên còn lại phản đối xoanh quanh quan điểm cụ thể. 

Các chủ đề của vòng thi này gồm: ảnh hưởng của mạng xã hội, bảo vệ trẻ thành niên bị bắt nạt trên mạng, trẻ vị thành niên nghiện mạng xã hội,...

Tại mỗi chủ đề, các thí sinh tranh luận cùng nhau và đặt câu hỏi phản biện cho đối phương. Cuộc tranh luận diễn ra nảy lửa giữa hai bên khi các thí sinh đều đưa ra những ý kiến đều nêu bật được quan điểm của mình, đồng thời đặt câu hỏi phản biện khá sâu sắc. 

Đánh giá rất cao các thí sinh, Phó giáo sư  Đinh Thị Thuý Hằng – Giám đốc trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam: 

Cô nghĩ là các em rất giỏi, các em còn rất trẻ, mới học lớp 10, 11 đã tranh luận đã nói như vậy thì đến và điều đó làm cho cô liên tưởng đến thế hệ của cô. Cô không được như thế. Cho nên cô tin khi là sinh viên các em sẽ rất là giỏi…”.

Trải qua vòng thi hùng biện đối kháng, 5 thí sinh xuất sắc nhất đã được lựa chọn để đi tiếp vào vòng Hùng biện đỉnh cao, đó là: 

Đỗ Vân Khanh (Trung học phổ thông Kim Liên), Nguyễn Thị Minh Ánh (Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh), Lưu Thị Phương Thảo (Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh), Nguyễn Kiều Ngọc Khánh (Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) và Phạm Trịnh Hương Giang (Trung học phổ thông Lomonoxop).

Top 5 thí sinh sẽ bước vào vòng thi Hùng biện đỉnh cao.
Top 5 thí sinh sẽ bước vào vòng thi Hùng biện đỉnh cao.

Tại vòng thi Hùng biện đỉnh cao , các thí sinh hùng biện với những đề tài từ ban giám khảo.

Thí sinh Đỗ Vân Khanh nhận được câu hỏi “Mạng xã hội làm cho trẻ vị thành niên đọc tin tức và có nhiều thông tin tốt hơn đúng không? Bạn đồng ý hay không?”, từ Phó giáo sư Đinh Thị Thuý Hằng.

Giám khảo Ian Paynton đưa ra câu hỏi: “Mạng xã hội tạo nên thương hiệu cá nhân, điều này có ý nghĩa gì với bạn, nó có đáng để trẻ vị thành niên quan tâm không?” cho thí sinh Nguyễn Thị Minh Ánh.

Văn hoá chia sẻ mọi thông tin được tạo ra từ mạng xã hội bời vì nhu cầu khoe khoang của trẻ vị thành niên, bạn đồng ý hay không đồng ý với quan điểm này?” là câu hỏi dành cho thí sinh Lưu Thị Phương Thảo từ giám khảo Bùi Đức Bảo.

Câu hỏi của Nguyễn Kiều Ngọc Khánh: “Bạn sẽ làm gì khi ai đó nói những lời ác ý đối với bạn ở trên facebook mà bạn không biết đó là ai”.

Và câu hỏi cuối cùng của giám khảo Đào Thị Hiền đưa ra cho thí sinh Phạm Trịnh Hương Giang: “Mặc dù hầu hết các mạng xã hội đều có tính bảo mật nhưng vấn đề lấy cắp thông tin cá nhân vẫn là mối lo ngại lớn nhất đối với những người trẻ. Bạn nghĩ tại sao những người trẻ lại rất sợ bị mất thông tin cá nhân?”.

Tâm sự về cảm nhận của mình trước khi vào vòng chung kết, thí sinh Phạm Trịnh Hương Giang, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông Lomonoxop (Hà Nội) chia sẻ:

Em đã có khoảng thời gian 5 năm học ở Úc, sau khi quay về Việt Nam từ 2015 tới nay, em mới dám thử sức với những cuộc thi hùng biện như TeenTalk 2017. 

Vốn tính em ít nói trước đám đông nên em có phần lo lắng với phần thi của mình. Nhưng TeenTalk là một cơ hội tuyệt vời để em có thể thứ sức mình và em tin với sự hướng dẫn của ban giám khảo, em và các bạn thí sinh còn lại sẽ có những trải nghiệm quý giá từ cuộc thi
”.

Trải qua nhiều phần thi gay cấn, giải nhất cuộc thi Teen Talk 2017 đã thuộc về thí sinh Lưu Thị Phương Thảo, giải nhì thuộc về Đỗ Vân Khanh, giải ba thuộc về thí sinh Phạm Trịnh Hương Giang.

Học sinh cấp 3 tự tin tranh luận bằng tiếng Anh về tác động của mạng xã hội ảnh 3
Quán quân của cuộc thi - Lưu Thị Phương Thảo (trường THPT Chuyên Bắc Ninh).

Thí sinh đạt giải nhất được nhận giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên tới 20 triệu gồm tiền mặt và học bổng từ các khóa đào tạo ngoại ngữ và kĩ năng mềm.

Được biết, cuộc thi Teen Talk 2017 là sân chơi đầu tiên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền dành cho các bạn trẻ để các em được trình bày kiến thức và khả năng hùng biện tiếng Anh về các vấn đề được quan tâm trong xã hội.

Giám đốc Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Nhà trường chúng tôi đang đẩy mạnh việc học và dạy ngoại ngữ theo hướng chuẩn hóa, xây dựng những chương trình đào tạo quốc tế cho ngành truyền thông, báo chí.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay tiếng Anh rất quan trọng. Vì thế, thông qua cuộc thi TeenTalk này chúng tôi muốn khuyến khích sinh viên học viện báo chí và những em có nguyện vọng trở thành sinh viên học viện báo chí hướng tới việc học tiếng Anh thật tốt và có một tư duy phản biện và sáng tạo trong quá trình học tập
”.

Bài và ảnh: Thùy Linh