Học sinh ngồi nhầm lớp, sĩ số quá đông không học được phương pháp VNEN

11/12/2015 10:58
Đỗ Quyên
(GDVN) - Ngành giáo dục hãy để cho giáo viên được quyền quyết định lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, phù hợp với nội dung từng bài.

LTS: Là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, đang thụ hưởng mô hình trường học mới VNEN, cô giáo Đỗ Quyên “vạch trần” những lý do mà Việt Nam chưa thể áp dụng mô hình dạy học này được. 

Đồng thời, cô cũng đưa ra biện pháp với mong muốn cả thầy cô giáo và học trò được dạy và học trong điều kiện phát triển nhận thức cho học sinh một cách hiệu quả nhất. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết này.
 

Tôi đã đọc kỹ bài viết “Bộ Giáo dục chính thức giải đáp thắc mắc về dự án mô hình trường học mới (VNEN)” của tác giả Xuân Trung đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam  ngày 10/12. 

Là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy học sinh, là người được thụ hưởng chương trình trường học mới VNEN, tôi thấy ý kiến của ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học là rất đúng. 

Tuy nhiên, nó chỉ đúng về mặt lý thuyết còn việc thực tế giảng dạy của các trường học hiện nay đang đi ngược lại với những kỳ vọng mà ngành giáo dục đặt ra. 

Tôi băn khoăn rằng, ông Vụ trưởng đang không biết hay lại cố tình quên nền giáo dục nước ta còn quá nặng về căn bệnh thành tích

Học sinh có học lực yếu, kém mà vẫn không được ở lại lớp dẫn đến tình trạng tỷ lệ học sinh ngồi nhầm lớp là rất nhiều. Sĩ số học trong một lớp lại đông nên việc áp dụng dạy học theo phương pháp VNEN là không hề đơn giản nếu không muốn nói là sẽ thất bại. 

Học sinh ngồi nhầm lớp, sĩ số quá đông không học được phương pháp VNEN ảnh 1
Học sinh ngồi nhầm lớp, sĩ số quá đông không học được phương pháp VNEN (Ảnh: vnexpress.net)

Mặc dù, một số nước trên thế giới họ áp dụng thành công bởi giáo dục của họ không để học sinh ngồi nhầm lớp như ở ta, sĩ số chỉ dao động từ 15-20 học sinh/lớp vì thế VNEN đem đến thành công cho họ là điều phù hợp. 

Nước họ làm tốt không có nghĩa là mình cũng sẽ làm tốt, phải đứng lớp trực tiếp giảng dạy mới thấy hết được mặt trái của giáo dục mà không có bất kỳ bản báo cáo tổng kết nào đề cập tới. 

Học sinh ngồi nhầm lớp, sĩ số quá đông không học được phương pháp VNEN ảnh 2

Thầy Văn Như Cương: VNEN là gì nếu chúng ta làm chỉ để tiêu hàng chục triệu USD?

Ví như, nhiều học sinh học đến lớp 5 nhưng trình độ kiến thức chỉ bằng các em lớp 1, lớp 2 khi đọc thì không lưu loát mà rặn ra từng tiếng, làm Toán thì chỉ có thể cộng trừ các số đơn giản, còn phép nhân chia thì mù tịt…

Những học sinh kiểu này khi học trên lớp, thầy cô phải ngồi bên cạnh để giảng giải cho từng tí từng tí một thậm chí đọc cho mà vẫn không đường chép nói gì đến tự học theo kiểu VNEN. 

Mặc dù số lượng học sinh yếu kém nhiều nhưng tỷ lệ học sinh Khá, Giỏi mà các trường tổng kết luôn cao, thậm chí đạt trên 90%. 

Ở ta, trình độ học sinh trong một lớp quá chênh lệch. Sĩ số mỗi lớp gần 60 học sinh, chia thành 10 nhóm học tập có nghĩa là mỗi nhóm có từ 5-6 em.

Học sinh ngồi nhầm lớp, sĩ số quá đông không học được phương pháp VNEN ảnh 3

Thầy giáo trực tiếp đứng lớp lên tiếng về mô hình lớp học mới (VNEN)

(GDVN) - Ban dự án VNEN cần lắng nghe những phản hồi của dư luận và thận trọng khi triển khai áp dụng đại trà mô hình trường học mới tại các địa phương.

Lớp quá đông khiến thầy cô giáo không thể kiểm soát hết được dẫn đến tình trạng học sinh ngồi chơi, nói chuyện, copy bài bạn, đọc cho bạn chép để nhanh hoàn thành nội dung bài học thường xuyên diễn ra. 

Chính vì vậy mà nhiều em đã học yếu mà học theo nhóm kiểu này lại ngày càng yếu hơn. Nhiều thầy giáo gọi vui phương pháp dạy học mới VNEN là “vinoemngu”. 

Công bằng mà nói, dạy theo phương pháp VNEN giúp cho một số học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, các em biết nói lời yêu cầu, đề nghị với các thầy cô, biết giao lưu hợp tác cùng các bạn, biết tư duy độc lập để tìm ra kiến thức trước khi có sự giúp đỡ của giáo viên. 

Nếu sĩ số khoảng 20 học sinh/lớp và các em có học lực Khá trở lên thì việc áp dụng VNEN sẽ vô cùng hiệu quả.

Học sinh ngồi nhầm lớp, sĩ số quá đông không học được phương pháp VNEN ảnh 4

Trường VNEN ngỡ ngàng được nhận “quà” từ cấp trên

Tuy nhiên, đặt trong điều kiện giáo dục của nước ta thì việc triển khai mô hình trường học mới VNEN muốn đạt hiệu quả thì trước tiên cần phải chấn chỉnh kịp thời căn bệnh thành tích để tránh tình trạng ngồi nhầm lớp như hiện nay. Đồng thời, sĩ số lớp cần được giảm xuống mức để có thể áp dụng VNEN. 

Ngành giáo dục hãy để cho giáo viên được quyền quyết định lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, phù hợp với nội dung từng bài. 

Đừng nên áp đặt một phương pháp dạy học nào mà buộc các thầy cô phải áp dụng trong khi nó chưa thực sự phù hợp với điều kiện và trình độ học sinh của mình.

Đỗ Quyên