Học sinh phổ thông ngồi nhầm lớp - Ai là người chịu trách nhiệm?

06/05/2015 06:10
Việt Cường
(GDVN) - Phải khẳng định rằng hiện tượng “ngồi nhầm lớp” đã là chuyện “thường ngày ở huyện” trên mọi vùng miền đất nước.

LTS: Sắp hết năm học, cũng là đến ngày xét cho học trò lên lớp hay ở lại. Chuyện học sinh ngồi nhầm lớp lại nóng bừng bừng với nhiều phát hiện giật mình.

Tác giả Việt Cường, một cây viết quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có một bài phân tích chỉ ra vấn đề "trách nhiệm" của ai khi học trò ngồi nhầm lớp.

Bộ đổ cho Sở, Sở đổ cho Phòng, Phòng đổ cho trường, Trường đổ cho ...giáo viên. Cuối cùng thầy cô và học trò gánh chịu tất cả.

Tác giả Việt Cường cũng đưa ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Trong bài báo “Học sinh ngồi nhầm lớp, Bộ Giáo dục có chỉ đạo khẩn”, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đăng ngày 13/04/2015, tác giả Phương Thảo đã dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD & ĐT cho biết tại Trường Tiểu học và THCS A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có khá nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Cụ thể, Hồ Văn Thế, Hồ Văn Quyền (lớp 5) và Hồ Văn Thùy (lớp 4),  không đọc được, chỉ viết được vài chữ đơn giản. Phòng khám khu vực Vùng Lìa và Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa chứng nhận đây là ba học sinh khuyết tật.

Bên cạnh đó, còn có Hồ Văn Thăng, Hồ Văn Nhơ và Hồ Văn Hơn (lớp 7) khả năng đọc viết, tính toán rất hạn chế, chỉ làm được những bài toán cộng trừ đơn giản.

Khủng khiếp hơn, đoàn kiểm tra còn phát hiện ra trường hợp học sinh Hồ Xuân Luật không thường xuyên đến trường nhưng vẫn được giấy khen học sinh tiên tiến.

Trước thực trạng ấy, ngày 10/4/2015 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có công văn gửi Sở GD & ĐT Quảng Trị cùng 63 Sở GD & ĐT cả nước để chấn chỉnh tình trạng “Ngồi nhầm lớp”. Để tránh cho bài viết quá dài xin quý độc giả đọc lại bài báo của Phương Thảo đã dẫn ở trên.

Phải khẳng định rằng hiện tượng “ngồi nhầm lớp” không chỉ là chuyện cá biệt ở Trường Tiểu học và THCS A Dơi mà đã là chuyện “Thường ngày ở huyện” trên mọi vùng miền đất nước.

Nguồn “Vietbao.vn” số ra ngày 15/04/2015 cho biết phụ huynh Nguyễn Thị Vinh, thôn Nghĩa An, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang tháng 10/2014 dự định bắt đền nhà trường vì con chị là Nguyễn Văn Vịnh, lớp 5B, Trường Tiểu học Nghĩa Phương 1, học đến lớp 5 mà cũng không biết đọc, chẳng biết viết.

Phụ huynh này còn cho biết: “Nhiều cháu trong thôn cũng không biết đọc, biết viết”.

Cũng theo nguồn “Vietbao.vn” trong bài “Gặp học sinh lớp 7 không biết đọc, viết” số ra ngày 2/12/2011 đã đưa ra trường hợp học sinh Nguyễn Văn Nhất, Tổ 11, Khu vực 2, Phường Đống Đa, Thành phố Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định học lớp 7A5 Trường THCS Đống Đa, Thành phố Quy Nhơn không biết viết tên bố.

Em Nhất cho biết khi học trên lớp thì chép theo chữ thầy cô trên bảng, lúc làm bài thì chép bạn. Vậy mà từ lớp 1 đến lớp 7 chỉ lưu ban một lần ở lớp 4.

Từ năm 2010 đến nay, có khá nhiều tờ báo đã nói về những hiện tượng “ngồi nhầm lớp” như vậy.

Hiện tượng này diễn ra đã nhiều năm ở nhiều địa phương trên mọi vùng miền cả nước, xuất hiện ở cả thành phố, nông thôn, nhiều nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Có khá nhiều tờ báo đã nói về những hiện tượng “ngồi nhầm lớp” như vậy
Có khá nhiều tờ báo đã nói về những hiện tượng “ngồi nhầm lớp” như vậy

Vậy mà đến tận 10/4/2015, Bộ GD & ĐT mới có công văn chấn chỉnh tình trạng này.

Có lẽ trước đó Bộ “không hề hay biết hoặc có biết cũng lờ đi”, coi đó chỉ là hiện tượng cá biệt.

Đến khi nhiều học sinh ở Trường Tiểu học và THCS A Dơi, Huyện Hướng Hóa, Tỉnh Quảng Trị “ngồi nhầm lớp” bị báo chí phát hiện ra, Bộ mới “giật mình”, đi xác minh, kiểm tra thấy đúng là nguy hại thật, nên mới vội vàng thảo ra cái “công văn chữa cháy” kia.

6,7 năm trời, học sinh ở A Dơi cứ “ngồi nhầm lớp”, học sinh ở nhiều nơi khác cũng điềm nhiên như thế vậy mà cơ quan quản lý giáo dục cao nhất không hề hay biết. Điều đó khiến cho nhiều nhà khoa học, nhà quản lý chính quyền các cấp và cả những người quan tâm tới giáo dục hết sức kinh ngạc.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội bức xúc: “Tôi thực sự không hiểu nổi tại sao các em học sinh này có thể vượt qua 7 năm học ở trong tình trạng không thể đọc, viết và cộng trừ cơ bản dưới sự giám sát của cả một hệ thống giáo dục từ giáo viên, hiệu trưởng, phòng giáo dục” (Nguồn “Vietbao. vn” số ra ngày 03/4/2015).

Chúng ta hãy xem đánh giá của hệ thống giáo dục Việt Nam về vấn đề này. Đầu tiên là cấp Bộ. Công văn 10/4/2015, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chỉ rõ: “Để xảy ra tình trạng trên trước hết do giáo viên thiếu tinh thần trách nhiệm…”.

Thứ hai, do “Ban Giám hiệu Nhà trường buông lỏng quản lý chỉ đạo…”.

Thứ ba, do “cả hai Trường không thực hiện việc nghiệm thu bàn giao chất lượng học sinh...”.

Thứ tư, do: “Phòng GD & ĐT Hướng Hóa và Sở GD & ĐT Quảng Trị không chỉ đạo nghiêm túc việc này, công tác thanh tra lỏng lẻo…”.

Như vậy, công văn của Bộ đổ lỗi và quy trách nhiệm cho cấp dưới, từ Sở đến Phòng đến Trường và cuối cùng là Giáo viên.

Tiếp đó là đánh giá của cấp Sở. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT Quảng Trị, khi đề cập đến trách nhiệm của Sở, bà Thủy biện minh rằng, hiện nay: “Sở có thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính. Về việc thanh tra chuyên ngành, Phòng GD & ĐT huyện sẽ thanh tra tại trường, sau đó Sở sẽ thanh tra Phòng GD & ĐT nên khó phát hiện trường hợp như báo nêu”. (Bài “Học sinh lớp 7 không viết nổi tên mình; giáo viên biết nhưng vẫn cho lên lớp” trên “Vietbao.vn”số ra ngày 09/4/2015).

Học sinh phổ thông ngồi nhầm lớp - Ai là người chịu trách nhiệm? ảnh 2Học sinh ngồi nhầm lớp, Bộ Giáo dục có chỉ đạo khẩn

(GDVN) - Ngày 10/4, TT Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển có công văn gửi Sở GD&ĐT Quảng Trị cùng 63 Sở Giáo dục trong cả nước, chấn chỉnh tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp".

Như vậy, Sở GD&ĐT Quảng Trị đổ lỗi cho Phòng GD Hướng Hóa đã sai sót và thiếu trách nhiệm trong thanh tra chuyên ngành.

Có lẽ cảm thấy biện minh như vậy không ổn vì đã quy hết trách nhiệm cho cấp dưới trực tiếp, nên bà Thủy nói thêm: “Bộ và Sở không đưa ra chỉ tiêu lên lớp, cho học sinh ở lại lớp cũng không ai bắt tội”...

“Nhưng có lẽ bệnh thành tích đã trở thành thói quen. Tiêu chí đạt phổ cập giáo dục là huy động được 80% số học sinh đến trường đúng độ tuổi.

Chính vì thế, giáo viên ở hai trường đã có cách này cách khác để đạt phổ cập. Cách làm của họ tiêu cực, không đúng” (Vietbao.vn – bài đã dẫn).

Bộ bảo Bộ không có lỗi, Sở bảo Sở không có lỗi vì “Khó phát hiện như báo nêu”. Trách nhiệm là do Phòng, Trường, đặc biệt là do giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Còn đây là quan điểm của cấp Trường. Khi phóng viên phát hiện ra trường hợp học sinh Nguyễn Văn Nhất, lớp 7A5 Trường THCS Đống Đa, Thành phố Quy Nhơn “ngồi nhầm lớp”, bà Hiệu trưởng Nguyễn Thị Cẩm Nhung đã không hợp tác.

Bà Nhung nói: “Đây là chuyện của Trường, cứ để Trường giải quyết, không đưa lên báo làm gì” (Nguồn Vietbao.vn 2/12/2011 – bài đã dẫn).

Qua quan điểm từ cấp Bộ đến cấp Sở đến cấp Trường, chúng ta thấy giáo viên là người chịu trách nhiệm chính. Giáo viên chịu sức ép của “bệnh thành tích”“tiêu chí phổ cập giáo dục” cho nên đã làm sai, đã tiêu cực.

Một câu hỏi từ lâu đã được đặt ra và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị là: Nguyên nhân nào tạo ra “Bệnh thành tích” trong giáo dục ???

Chắc chắn không phải bắt đầu và chủ yếu từ đội ngũ thầy cô giáo. Ai là người đặt ra “tiêu chí phổ cập giáo dục” và chỉ đạo cả nước thực hiện tiêu chí ấy?

Chắc chắn càng không phải là giáo viên. Vậy, quy hết trách nhiệm cho giáo viên liệu có oan cho họ không???

Thực tế cho thấy sức ép của các tiêu chí phổ cập giáo dục tiểu học quá lớn, Bộ giao cho Sở, Sở giao cho Phòng, Phòng giao cho Trường, Trường giao cho giáo viên.

Giáo viên – tầng lớp thấp cổ bé họng, chẳng có quyền hạn gì nhưng lại phải chịu gần như toàn bộ sức ép ấy. Giáo viên cũng không có quyền cho học sinh lưu ban, tất cả phải do Nhà trường quyết định.

Vì vậy, dẫn tới tình trạng nhiều thầy cô giáo yêu nghề, thương trẻ, tận tụy với giáo dục đã phải cắn răng, nhắm mắt, đau lòng cho học sinh lên lớp mà biết rằng các em chưa đủ điều kiện. Cứ thế và cứ thế, cái sai theo chuỗi, theo quán tính diễn ra từ lớp 1 lên đến tận lớp 7.

Do đó, người ta mới nghe thấy tiếng lòng đầy đau xót và cay đắng của những thầy cô giáo chân chính như trong bài báo của Hương Giang: “Tâm sự người giáo viên lén cho học sinh lớp 3 học lại lớp 1” (Giaoduc.net.vn số ra ngày 15/4/2015).

Hiện tượng học sinh ở nhiều vùng miền “ngồi nhầm lớp” là hệ quả dồn ép từ nhiều chính sách giáo dục. Sự thật của kết quả phổ cập giáo dục ở nước ta như thế nào cũng đang là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp vì thiếu những tổng kết, đánh giá cụ thể, xác thực.

Tất cả chỉ dựa vào những báo cáo trên giấy tờ từ Trường lên Phòng lên Sở rồi đến Bộ. Công tác thanh kiểm tra chưa đầy đủ, khách quan, thiếu độ tin cậy. Vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài viết khác vì cần có thêm thời gian và cứ liệu thực tế.

Công văn ngày 10/4/2015 của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu: “Các Sở siết chặt hơn công tác kiểm tra đánh giá học sinh trong năm học, cuối học kỳ, cuối năm, rà soát trình độ và phân loại học sinh để có biện pháp kịp thời giúp đỡ các em đạt yêu cầu chuẩn kiến thức, không để xuất hiện thêm những học sinh “ngồi nhầm lớp” ” đã chỉ đạo đúng hướng, có tác dụng sửa chữa những sai lầm, tiêu cực trong vấn đề này.

Tuy nhiên, công văn cũng chỉ có tác dụng chữa cháy tức thời, chưa giải quyết được triệt để nguồn cội của hiện tượng “ngồi nhầm lớp”.

Chỉ đạo của Bộ mới chỉ tập trung vào việc “không để xuất hiện thêm những học sinh ngồi nhầm lớp”, thế còn những học sinh đã và đang “ngồi nhầm lớp” thì phải giải quyết như thế nào?

Bộ cần có văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục phải giải quyết triệt để. Muốn vậy, cần phải nắm được số lượng học sinh đã “ngồi nhầm lớp” hiện nay ở các địa phương một cách tương đối chính xác.

Trên cơ sở đó, giao cho các Sở, Phòng, Trường có giải pháp thật cụ thể, hiệu quả, đưa các em trở về đúng trình độ của mình. Kết hợp với một quy chế xử lý thật nghiêm khắc những cơ sở giáo dục tiếp tục để xảy ra hiện tượng này. Có như vậy, mới giải quyết được triệt để vấn nạn đáng buồn đó.

Phải nắm được số lượng học sinh đã “ngồi nhầm lớp” hiện nay ở các địa phương một cách tương đối chính xác. ẢNh minh họa, nguồn Internet
Phải nắm được số lượng học sinh đã “ngồi nhầm lớp” hiện nay ở các địa phương một cách tương đối chính xác. ẢNh minh họa, nguồn Internet

Đúng như tâm sự của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trên báo Giaoduc.net.vn trong bài “Thứ trưởng Bộ GD tâm tư về chuyện phát triển năng lực người học” của tác giả Xuân Trung số ra ngày 24/4/2015: “Thực ra những yếu kém hiện tại đã xuất phát từ trước đó, mà tới bây giờ hoàn cảnh đã thay đổi, nếu chúng ta chỉ nhằm giải quyết yếu kém hiện tại thì chỉ là giải quyết cái quá khứ. Vấn đề này phải thay đổi đầu tiên”.

Chúng tôi trân trọng đề nghị quý báo Giaoduc.net.vn kết hợp với Bộ GD & ĐT mở một cuộc điều tra sâu rộng trên phạm vi cả nước, kêu gọi các thầy cô giáo, các phụ huynh học sinh và những người quan tâm tới giáo dục phát hiện và chỉ ra những trường hợp học sinh đã và đang “ngồi nhầm lớp” ở tất cả các trường.

Yêu cầu phản ánh trung thực, cho biết tên tuổi, địa chỉ, trường lớp cụ thể để Bộ chỉ đạo các Phòng, Sở, Trường có giải pháp giải quyết vấn nạn này một cách hiệu quả.

Chúng tôi tin rằng với lương tâm và trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, nếu như cả xã hội vào cuộc một cách nghiêm túc và trung thực thì vấn nạn “ngồi nhầm lớp” sẽ được giải quyết nhanh chóng.

​Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan nghênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.

Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.

Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền.

Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!

Việt Cường