Học trò bị cho ở lại lớp, sao giáo viên và tổ trưởng chuyên môn bị kỷ luật?

15/06/2017 06:31
Đỗ Quyên
(GDVN) - Bị xử phạt kỉ luật dù bạn làm đúng, làm tốt nhưng không vừa ý lãnh đạo, chuyện khó tin này, đã xảy ra trong nhà trường?

LTS: Có một thực tế đến đau lòng và đáng lo ngại đó là vấn nạn bệnh thành tích vẫn lan tràn trong ngành giáo dục.

Con em ta chúng còn quá ngây dại, các bậc phụ huynh thì e ngại đụng chạm giáo viên hay nhà trường vì sợ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chính con em mình.

Tác giả Đỗ Quyên một cây bút quen thuộc của Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam cũng đưa ra những quan điểm và mong muốn của mình đối với vấn đề thành tích ảo trong giáo dục thông qua câu chuyện của chính cô.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Nhận được cuộc điện thoại của cô em họ ngoài quê bức xúc kể: “Chị cỉ giúp em xem có luật nào quy định cho học sinh yếu ở lại lớp mà giáo viên chủ nhiệm và tổ trưởng chuyên môn bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ cuối năm? Nếu kỉ luật như thế thì chính ban giám hiệu cũng bị kỉ luật mới đúng chứ?”.

Hình ảnh minh họa: Giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị phạt
Hình ảnh minh họa: Giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị phạt

Nói rồi, cô em kể: Lớp 1A do cô Dung chủ nhiệm vốn có 3 học sinh chậm phát triển.

Ngay từ đầu, sau khi khảo sát chất lượng, giáo viên đã phát hiện ra 3 học sinh này không bình thường so với các em trong lớp.

Bằng chứng là các em học trước quên sau hoàn toàn không nhớ, không có khả năng tái hiện.

Với kinh nghiệm của một giáo viên dạy lớp 1 lâu năm, cô biết dù có cố gắng kèm cặp, giúp đỡ nhiệt tình đến đâu thì cuối năm các em cũng khó có thể đọc thông viết thạo.

Để tránh rắc rối về sau, cô đã mời tổ trưởng tổ chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường cùng sát hạch để đưa các em vào diện kèm cặp đặc biệt.

Mặt khác, cô tranh thủ gặp gỡ gia đình học sinh để cùng hỗ trợ trong việc kèm thêm cho các em ở nhà.

Đồng thời làm tâm lý với phụ huynh đi khám cho các em để có giấy xác nhận của cơ sở y tế, từ đó sẽ có kế hoạch giảng dạy cho các em một cách phù hợp.

Dù thừa nhận con mình chậm hơn các bạn, trí nhớ kém, ít tập trung vào một vấn đề gì đó và hay hành động một mình mà bất chấp lời nhắc nhở, khuyên răn của người lớn nhưng không có gia đình nào đồng ý đưa các cháu đi khám.

Thế rồi, không chỉ giáo viên phải chịu đựng sự phá phách, chây ì của các em mà học sinh trong lớp cũng khó có một tiết học bình yên.

Các em hết phá bạn này, qua chọc ghẹo bạn khác. Đôi khi bất thình lình cầm bút, cầm thước quăng luôn vào mặt bạn.

Đặc biệt vào những giờ ra chơi nếu giáo viên có việc rời lớp, thể nào cũng có chuyện bạn này bị đánh, bạn kia bị xô ngã đến sứt đầu mẻ trán.

Mỗi việc hết tiếp phụ huynh các em trong lớp đến “mắng vốn” vì để con họ bị đánh gây thương tích, rồi lại tiếp phụ huynh 3 em học sinh cá biệt, giáo viên chủ nhiệm cũng đủ mệt mỏi. 

Học trò bị cho ở lại lớp, sao giáo viên và tổ trưởng chuyên môn bị kỷ luật? ảnh 2

Có ai khổ như giáo viên tiểu học không?

Nhiều giáo viên trong trường thừa nhận 3 học sinh ấy mắc bệnh “tự kỉ” theo hướng tăng động.

Bởi thế, giáo viên phải luôn nhẹ nhàng, vỗ về để các em chịu khó ngồi yên để học.

Nhưng cứ học trước quên sau, bao nhiêu kiến thức thầy cô dạy cứ như “nước đổ lá khoai” mà chẳng nhớ được gì.

Những giờ nghỉ tiết, giờ ra chơi thay vì lên văn phòng uống nước như bao đồng nghiệp khác, cô Dung phải ngồi cặm cụi kiên nhẫn hướng dẫn các em đọc từng âm, ghép từng vần, tập viết từng nét sao cho thẳng hàng ngay lối.

Dù bỏ công sức là thế nhưng các em vẫn không thể đủ trình độ lên lớp 2.

Giáo viên hiểu rất rõ, nếu được ở lại lớp 1 chắc chắn sang năm các em sẽ học tốt hơn nhiều.

Nhưng nếu cho các em lên lớp 2 chuyện tái mù xảy ra là điều không tránh khỏi.

Bởi trong chương trình lớp 2, không có môn học đánh vần để dạy các em từng âm.

Thương học trò nên cô Dung quyết định cho các em lưu ban một năm để học lại cho chắc kiến thức.

Và bao phiền phức cũng bắt đầu từ đây!

Đầu tiên, tổ trưởng chuyên môn khối 1 được mời lên giải trình.

Đồng ý với việc để 3 em ở lại lớp 1 nên ban giám hiệu chỉ đạo “Khối 1 phân công giáo viên kèm học sinh trong hè để tháng 8 vào tổ chức thi lại. Thi lần 1 không đậu thì thi lần 2, thi chừng nào đậu mới thôi”.

Dĩ nhiên là chẳng giáo viên nào đồng ý khi hè là tiêu chuẩn nghỉ của họ.

Có người giải thích “kèm cả năm còn chẳng ăn thua chứ mấy ngày hè. Những học sinh này chỉ ở lại một năm may ra thì tiến bộ”.

Trước những lý lẽ cứng rắn ấy, nhà trường cũng chẳng có cách nào buộc giáo viên phải cho các em lên lớp.

Trong cuộc họp liên tịch xếp loại thi đua sau đó, Phó hiệu trưởng đưa ra ý kiến “Việc xếp loại thi đua không thể đổ đồng theo kiểu “cá mè một lứa”.

Ai dạy hiệu quả đương nhiên phải xếp loại tốt. Còn dạy mà chất lượng học sinh chưa đạt thì phải chịu phạt.

Các lớp trong trường tỉ lệ lên lớp thẳng đều đạt 100% , riêng lớp 1A có 3 học sinh ở lại.

Nếu theo quy định đưa ra đầu năm, một học sinh ở lại lớp, giáo viên chủ nhiệm sẽ bị hạ một bậc thi đua, tổ trưởng chuyên môn đương nhiên cũng không ngoại lệ.

Việc 3 học sinh ở lại lần này, giáo viên chủ nhiệm và tổ trưởng chuyên môn xếp loại cuối năm là không hoàn thành nhiệm vụ. Ai có ý kiến gì không?

Hàng chục con người đại diện cho vài chục giáo viên trong trường đều im lặng như tờ.

Chỉ có cô Dung chủ nhiệm lớp và cô em họ là lên tiếng nhưng chẳng ai ủng hộ, vậy là mức kỉ luật được thi hành.

Học trò bị cho ở lại lớp, sao giáo viên và tổ trưởng chuyên môn bị kỷ luật? ảnh 3

Xét thi đua cuối năm, giáo viên đứng lớp luôn là người thiệt thòi nhất

Có lẽ do quá bức xúc với việc xếp loại như thế nên lúc đầu cô em tôi còn hùng hồn nói: “chị phải đòi công bằng cho bọn em”.

Có lẽ sau khi giãi bày xong gánh nặng bức bối trong lòng cũng được nguôi ngoai phần nào.

Em lại đề nghị lại “tức thì nói vậy thôi, chị đừng đưa tên trường tụi em lên báo, chuyện vừa qua cũng đủ mệt mỏi lắm rồi. Thêm chuyện này nữa chắc chẳng còn đất sống”.

Đây cũng chẳng phải câu chuyện riêng chỉ xảy ra ở mỗi nơi trường em tôi giảng dạy.

Tình trạng học sinh học yếu nhưng không được phép lưu ban đang rất phổ biến ở các trường tiểu học hiện nay.

Việc hạ bậc thi đua giáo viên khi có học sinh lưu ban còn phụ thuộc vào những quy định riêng của từng trường.

Chuyện “lùa” học sinh lên lớp để đạt chỉ tiêu đăng kí thi đua không còn là chuyện hiếm trong ngành giáo dục.

Cấp dưới lừa cấp trên, cấp trên lại lừa cấp trên nữa. Ai cũng biết, cũng hiểu nhưng vẫn cố tình làm lơ để lấy thành tích tự ru mình.

Xét cho cùng bản thân các chỉ tiêu không có tội.

Đưa ra chỉ tiêu để các trường, các giáo viên nỗ lực phấn đấu đâu phải là điều xấu.

Nếu như tất cả chúng ta đều trung thực trong việc đánh giá, luôn lấy chất lượng giáo dục làm đầu, bỏ qua hết những hư danh phù phiếm thì đâu cần phải lên tiếng kêu gọi dẹp bỏ các chỉ tiêu.

Muốn giảm tình trạng chạy theo chỉ tiêu thì những nhà giáo dục cũng cần thay đổi cách nghĩ xưa nay.

Như việc lấy chỉ tiêu cao, thấp để đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên, của các trường học.

Chất lượng học tập của học sinh phải phù hợp với từng vùng miền cụ thể.

Có như vậy, giáo viên sẽ chỉ còn quan tâm đến việc các em học được gì và học như thế nào chứ không cần biết có bao nhiêu em được lên lớp thẳng? Bao nhiêu em phải lưu ban như trước đây.

Đỗ Quyên