“Hội đồng trường mà các thầy ngồi lại với nhau thì chỉ thấy cái hay”

24/04/2017 08:58
Tấn Tài
(GDVN) - Nếu hội đồng trường chỉ có các thầy ngồi với nhau thì chỉ thấy cái hay, còn người bên ngoài vào thì sẽ thấy cái dở, cái chưa được để góp ý.

Đó là quan điểm của ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm ủy ban văn hóa , giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng quốc hội tại buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng về "thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học" ngày 11/4.

Thành phần Hội đồng trường chồng chéo

Giáo sư Trần Văn Nam – Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, trong luật giáo dục đại học và điều lệ trường đại học đã chỉ ra vai trò của Hội đồng trường và xem đây là một mắt xích quan trọng trong quản trị đại học.

Giáo sư Trần Văn Nam đề nghị Hội đồng trường cũng cần có một hành lang pháp lý để vận hành thống nhất. Ảnh: TT
Giáo sư Trần Văn Nam đề nghị Hội đồng trường cũng cần có một hành lang pháp lý để vận hành thống nhất. Ảnh: TT

“Hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập có chức năng và vai trò to lớn, được quy định trong Luật giáo dục đại học. Quy định này hoàn toàn phù hợp, góp phần thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học thành viên” giáo sư Nam nhận xét.

“Hội đồng trường mà các thầy ngồi lại với nhau thì chỉ thấy cái hay” ảnh 2

Hội đồng trường ...chạy bằng gì?

(GDVN) - Trong một cơ sở giáo dục đại học hội đồng trường là một thực thể có quyền lực cao nhất, làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường.

Tuy nhiên, do cơ cấu thành phần đương nhiên “cứng” với Hội đồng đại học vùng gồm: Ban giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch công đoàn và Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục thành viên quá lớn. Thành phần mời bên ngoài để tham gia Hội đồng trường gần như không đáng kể, có người đồng ý tham gia nhưng mời họp rất khó.

Thầy Nam dẫn chứng, có doanh nghiệp tham gia Hội đồng trường nhưng đến các cuộc họp quan trọng, họ chỉ có ý kiến bằng văn bản thôi chứ không đến tham dự.

Ngoài ra, có một thực tế là đối với các trường đại học thành viên, thành phần cứng gồm: Ban giám hiệu, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư Đoàn thanh niên trường

Nên các vấn đề được đưa ra trong Hội đồng đại học vùng và Hội đồng trường nhiều khi đã được nêu trong quyết nghị của Đảng ủy. Hội đồng chỉ là sự nhắc lại, khẳng định lại. Vì thế, vai trò của các Hội đồng trường ít có nội dung mới, không quyết định các vấn đề về cơ cấu, nhân sự.

“Giám đốc đại học vùng và Hiệu trưởng trường có giải trình trước Hội đồng cũng không cần thiết vì đã qua rất nhiều lần đánh giá cán bộ và đánh giá trong Đảng, các thành phần tham dự đánh giá đã có cả các thành viên của Hội đồng trường” Giáo sư Nam nói.

Tại buổi làm việc, nhiều chuyên gia cũng nhận định, hiện Chủ tịch Hội đồng trường rất khó làm rõ vai trò của mình vì thực tế phần lớn Hiệu trưởng là Bí thư đảng ủy trường. Điều này đã làm cho vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường bị mờ nhạt.

“Nên cơ cấu Chủ tịch Hội đồng trường là Bí thư đảng ủy và hiệu trưởng không phải là Bí thư đảng ủy” một chuyên gia khuyến nghị.

Đại diện Đại học Đà Nẵng cho rằng, nhằm quản trị hiệu quả và nâng cáo tính tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học nên được tổ chức, quản lý như mô hình một công ty.

Với các cơ chế hoạt động và giám sát hiệu quả. Do đó, cần tăng vai trò của Hội đồng trường để có cơ chế giám sát tốt hơn, bên cạnh vai trò của hiệu trưởng.

Đồng thời, Hội đồng trường cũng cần có một hành lang pháp lý để vận hành thống nhất. Do đó, việc bổ sung quy định về tổ chức cuộc họp tại điều lệ nhà trường là cần thiết. (triệu tập, điều kiện, thể thức tiến hành cuộc họp, thông qua nghị quyết...).

Phải lắng nghe ý kiến người ngoài

Nêu quan điểm về xây dựng, vận hành Hội đồng trường, ông Bình đặt vấn đề, bản thân của tự chủ đại học là Hội đồng trường nhưng thực tế ra sao? Cấu trúc Hội đồng trường có phải bình thường ko? Thành phần trong Hội đồng trường là những ai?

“Hội đồng trường mà các thầy ngồi lại với nhau thì chỉ thấy cái hay” ảnh 3

Hội đồng trường chỉ là danh nghĩa, có cũng như không

(GDVN) - Hiệu trưởng là Chủ tịch Hội đồng trường nên việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng trường cũng mang tính cá nhân là chính chứ tuyệt nhiên không có tính tập thể.

“Thầy hiệu trưởng và hiệu phó ngồi trong Hội đồng trường, hai thầy phát biểu giống nhau, có ông hiệu phó nào dám qua ông hiệu trưởng không?

Ông hiệu trưởng phải bảo vệ trước hội đồng những việc mình làm. Nhưng những cái anh nói toàn người trong trường nghe rồi biểu quyết, còn người bên ngoài vào chỉ phụ họa.

Bây giờ anh kêu người ta vào nhưng tiếng nói của họ không được lắng nghe, không được lựa chọn thì ai ngồi?”.

Ông Bình dẫn ra một thực tế, biểu quyết thì mấy anh trong trường biểu quyết hết, họ là người có chức danh bên ngoài nên sẽ không đến để mang tính “tượng trưng”.

“Trong Hội đồng trường, giữa các thầy ngồi lại với nhau thì chỉ thấy cái hay. Còn người bên ngoài vào thì sẽ thấy cái dở, cái chưa được để góp ý. Nhưng có một thực tế của chúng ta hiện nay là người ngoài vào nói không ai nghe”.

Ông Bình cho rằng, Hội đồng trường phải thông qua chiến lược, quyết định tài chính, nhân sự và hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. “Đã đến lúc lời nói của người ngoài trong Hội đồng trường phải được lắng nghe, ghi nhận để phát triển”.

Tấn Tài