Hơn 50 tuổi thầy cô đã rệu rạo thì 60 tuổi còn đâu sức hấp dẫn trước học trò?

09/05/2019 07:27
NHẬT DUY
(GDVN) - Nhiều thầy cô lớn tuổi chủ động lẳng lặng đứng về phía sau các thầy cô giáo trẻ trong tất cả mọi phong trào, công việc của nhà trường, của ngành.

Trong các nhà trường phổ thông hiện nay, độ tuổi chín nhất của người thầy có lẽ là trong khoảng 30-40 tuổi, sau tuổi này bắt đầu đã đuối dần. Khi đến trên tuổi 50 thì cả nam và nữ đều đã cảm nhận thấy sự nặng nề, chậm chạp về mọi mặt.

Dù yêu nghề, dù nhiệt huyết còn nhiều nhưng sức khỏe đã không cho phép họ đủ sức “cháy” trước các bài giảng của mình. Tất nhiên, đa phần các thầy cô ở độ tuổi này cũng dần mất đi sự yêu thích của học trò.

Nhiều thầy cô chủ động lẳng lặng đứng về phía sau các thầy cô giáo trẻ trong tất cả mọi phong trào, công việc của nhà trường, của ngành.

Khi thầy cô lớn tuổi , đa phần sẽ mất dần sức hút đối với học trò khi giảng dạy. (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Khi thầy cô lớn tuổi , đa phần sẽ mất dần sức hút đối với học trò khi giảng dạy. (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Chính vì thế, khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và đưa dự thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu khiến nhiều người nghi ngại.

Trong 2 phương án được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra như sau:

"Phương án 1:Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ;

sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ;

sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Với 2 phương án này, nói thật chỉ có những cán bộ quản lý tán đồng, ủng hộ còn giáo viên cũng như những người trực tiếp lao động ở tất cả các ngành nghề khác cũng không ai mong muốn, trông chờ.

Ở độ tuổi nghỉ hưu như hiện tại (nam 60, nữ 55) mà nhiều người lao động phải làm hồ sơ xin nghỉ trước tuổi thì tăng thêm một số tuổi nữa càng khiến cho nhiều người sợ hãi.

Hơn 50 tuổi thầy cô đã rệu rạo thì 60 tuổi còn đâu sức hấp dẫn trước học trò? ảnh 2Giáo viên nghỉ hưu ở tuổi bao nhiêu là hợp lý?

Thôi thì về hưu sớm dù được đồng lương hưu nào thì được, chứ đến tuổi 60  rồi còn đâu sức lực, động lực để phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp chung nữa.

Bởi, lúc đó đã "lực bất tòng tâm", dù còn nhiệt huyết nhưng đầu óc, chân tay cũng hạn chế và chậm chạp dần.

Đối với giáo viên thì điều này càng khó khăn hơn so với các ngành nghề khác. Nếu Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội làm cuộc điều tra trong đội ngũ nhà giáo từ 50 tuổi trở lên sẽ thấy một thực trạng về sức khỏe của họ rất đáng lo ngại.

Đa phần là giáo viên bị viêm họng, thanh quản có vấn đề do hàng ngày phải nói nhiều và hít nhiều bụi phấn.

Đặc biệt, gần như đôi chân thầy cô nào cũng bị giãn tĩnh mạch dù ít, dù nhiều do đặc thù công việc hàng ngày phải đứng liên tục để giảng bài trên lớp.

Chính vì sức khỏe không cho phép cộng thêm sự đổi mới liên tục của ngành giáo dục hiện nay thành ra nhiều giáo viên không theo kịp. Tiếp thu cái này chưa xong lại bắt đầu thay đổi các khác.

Nhiều giáo viên lớn tuổi bây giờ không biết nhiều về Tin học, về công nghệ thì mọi công việc giảng dạy trên lớp, trong công tác chuyên môn, trong đổi mới của ngành lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong quá trình đứng lớp, học trò bây giờ cũng cần những thầy cô giáo trẻ sổi nổi, biết tổ chức, quán xuyến các hoạt động tập thể phù hợp với lứa tuổi các em.

Những thầy cô giáo lớn tuổi phần nhiều chỉ thiên về kinh nghiệm, thích yên tĩnh. Hơn nữa, độ tuổi quá chênh lệch với học trò nên để hiểu về tâm lý học trò không phải là điều dễ dàng. Tất nhiên, họ cũng khó cảm thông với những trò nghịch ngợm của trò.

Cũng chính vì vậy, đối với các trường từ cấp Trung học cơ sở trở lên thì các thầy cô trong Ban Giám hiệu ít khi phân công những thầy cô lớn tuổi làm chủ nhiệm lớp.

Hơn 50 tuổi thầy cô đã rệu rạo thì 60 tuổi còn đâu sức hấp dẫn trước học trò? ảnh 3Nhiều nhà giáo xin nghỉ hưu trước tuổi

Không phải là Ban Giám hiệu không tin tưởng thầy cô lớn tuổi mà sức khỏe, độ tuổi sôi nổi của các thầy cô này đã đi qua.

Vì thế, khi quản lý những lớp học với mấy chục học trò ở cái tuổi dở dở ương ương, đầy cá tính thường khó khăn và thực tế là học cũng trò không thích thú những thầy cô lớn tuổi chủ nhiệm lớp mình.

Một khi học trò không thích thầy cô của mình thì các em cũng tìm đủ trò quậy phá nhằm để nhà trường đổi thầy cô chủ nhiệm lớp bằng một thầy cô trẻ, vui vẻ và năng động hơn.

Đối với những giáo viên mầm non, mẫu giáo thì những giáo viên nữ mà đến 60 tuổi vẫn còn dạy, còn chủ nhiệm lớp thử hỏi các cháu nhỏ có thích thú hay không?

Các bậc phụ huynh chắc cũng không muốn những giáo viên đáng tuổi bà, tuổi mẹ của mình làm chủ nhiệm lớp của con- đó là một điều thực tế.

Bởi, họ khó gửi gắm, tâm sự mà cái chính là tuổi đó rất khó có thể sâu sát, gần gũi, uốn nắn, dạy dỗ các cháu vừa chập chững bước đến trường một cách phù hợp với xu thế hiện nay.

Có rất nhiều lý do và những khó khăn của người thầy khi đã lớn tuổi. Chính vì thế, chúng tôi nghĩ rằng độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay đối với giáo viên là phù hợp nhất.

Vẫn biết, khi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất các phương án nghỉ hưu cho những năm tới đây là đã nghiên cứu và có những lý do nhất định.

Nhưng, đối với giáo viên cũng cần phải cân nhắc, nhất là đối với giáo viên nữ phải đến 60 tuổi mới nghỉ hưu là không hề phù hợp. Những giáo viên tuổi này ở thành phố còn gọn gàng, nhanh nhẹn nhưng ở vùng quê thì tuổi này đã hom hem, đuối sức lắm rồi!

Cái lợi nào cũng cần được tính đến nhưng có lẽ cái lợi cho học trò là quan trọng nhất nên các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ các phương án khi ban hành chính thức Bộ luật lao động tới đây cho thấu tình, hợp lý.

NHẬT DUY