Họp nhiều là căn bệnh nặng không phải chỉ có ở ngành giáo dục

28/11/2016 06:45
Phan Tuyết
(GDVN) - Hở một tí là họp, họp triền miên, họp liên tục, họp đến nhức đầu mỏi mắt, họp đến mụ cả đầu óc, họp gì mà họp nhiều thế không biết!

LTS: Trước thực trạng họp hành triền miên tại trường học, cô giáo Phan Tuyết đưa ra một số hướng đề xuất để giải quyết, khắc phục tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Hở một tí là họp, họp triền miên, họp liên tục, họp đến nhức đầu mỏi mắt, họp đến mụ cả đầu óc, họp gì mà họp nhiều thế không biết!

Đó là những cụm từ ta thường nghe được ở bất kì cơ quan công sở nào đó. 
Có thể nói “Họp” là căn bệnh trầm kha của cán bộ công chức các ngành nghề không riêng gì giáo dục.

Hầu như bất cứ ai cũng ngao ngán nhưng vì sao chuyện họp hành vẫn không được hạn chế mà ngày càng có nguy cơ “nở rộ” hơn? 

Họp hành nhiều mà không hiệu quả khiến cán bộ, giáo viên mệt mỏi. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Họp hành nhiều mà không hiệu quả khiến cán bộ, giáo viên mệt mỏi. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Đơn giản cũng vì mấy sếp thì thích họp mà nhân viên ai cũng ngậm bồ hòn làm ngọt mà không dám có ý kiến để sửa đổi.

Tôi thường về các xã phường xin tin viết bài. Có những buổi chiều đi đến 5 xã phường nhưng đều gặp cảnh họp. 

Đi một vòng quanh Ủy ban chỉ thấy điện sáng, quạt quay, phòng trống trơn không có người. Từng ban, từng bộ phận mọi người đều nhóm họp. 

Thôi thì đủ kiểu họp như họp từng phòng ban, họp từng bộ phận, họp toàn cơ quan… nội dung họp cũng vô cùng phong phú như họp giao ban đầu tháng, họp sơ kết cuối tháng, cuối đợt thi đua, họp triển khai nhiệm vụ mới, họp đánh giá sơ bộ, họp rút kinh nghiệm…

Ngoài phòng chờ, nhiều người dân ngồi đợi đến mỏi mòn, người nóng ruột cứ đi tới đi lui để chờ được kí giấy, được giải quyết các công việc họ đang cần. 

Có người than “Mất toi mấy buổi đi làm, không biết các ông bà ấy họp lúc nào mà tránh”.

Họp nhiều là căn bệnh nặng không phải chỉ có ở ngành giáo dục ảnh 2

Họp hành nhiều khiến giáo viên ám ảnh, khiếp sợ

Ở nhiều trường học trong cả nước, tình trạng họp hành cũng chẳng thua kém gì.

Ngoài những cuộc họp có tên như họp hội đồng, họp tổ chuyên môn, họp liên tịch… còn hàng chục cuộc họp khác.

Ví dụ như họp chuẩn bị nội dung giao lưu, họp đánh giá hoạt động ngoại khóa, họp triển khai chuyên đề, tổng kết chuyên đề, họp triển khai các hội thi, các Thông tư, nghị định… và hàng lô những cuộc họp đột xuất không tên khác…

Họp nhiều, thời gian không có nên việc ăn cắp thời gian của giáo viên và học sinh không thể tránh khỏi.

Cấp tiểu học, buổi sáng 10 giờ 10 phút học sinh tan trường, không ít trường triệu tập giáo viên họp đột xuất có khi gần 12 giờ trưa mới tan. Buổi chiều, có khi họp từ 4 giờ 30 đến gần 7 giờ tối. 

Có ngày thứ bảy, đôi khi họp cả ngày chưa xong còn kéo cả đêm. Bậc trung học, có giáo viên ở một số địa phương kể:

Nhiều khi cần triển khai việc họp gấp, giáo viên cho học sinh làm bài tập, tự quản trên lớp và thầy cô xuống phòng ngồi họp”. 

Không họp liệu có được không?

Có dịp ngồi nói chuyện với một giáo viên đang công tác tại một trường tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh, cô bạn chia sẻ:

Nhà trường thường liên hệ với giáo viên trên hộp thư điện tử. Mọi kế hoạch, nhiệm vụ cần truyền đạt, phó hiệu trưởng gửi gmail cho các tổ trưởng chuyên môn.

Các tổ trưởng lại gửi cho từng tổ viên thực hiện hoặc có ý kiến góp ý gửi về để tổ trưởng tổng hợp… Nhờ thế, việc họp hành đã được hạn chế rất nhiều”. 

Giáo viên này nói tiếp “Trường em ba tháng mới họp hội đồng một lần. Thời gian họp cũng chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng.

Để chuẩn bị cho cuộc họp hội đồng toàn trường có chất lượng, phó hiệu trưởng đã nhận báo cáo của các tổ trưởng chuyên môn, công đoàn cũng nhận báo cáo của các tổ trưởng công đoàn và tổng hợp gửi về cho hiệu trưởng.

Buổi họp hội đồng chỉ nghe ý kiến phản hồi và đề xuất của giáo viên, của các bộ phận nên cuộc họp diễn ra rất nhanh nhưng vô cùng hiệu quả”. 

Người đứng đầu cần thay đổi tư duy

Triển khai cuộc họp nhiều ở các cơ quan đơn vị một số cán bộ còn cho rằng “Họp nhiều để đảm bảo nguyên tắc dân chủ” nhưng đó chỉ là ý kiến ngụy biện.

Phần lớn do cách làm việc của nhiều cán bộ chưa khoa học, còn ôm đồm, bảo thủ, phần khác nhiều cán bộ xã phường cũng như trường học còn thích nói nhiều, dông dài, có tư tưởng sợ cấp dưới làm không đúng ý, không đạt hiệu quả nên chưa mạnh dạn giao việc. 

Họ đang có thói quen quản lý con người bằng giờ giấc nhiều hơn bằng hiệu quả công việc được giao.

Hạn chế việc họp sẽ bớt đi những thời gian chết không cần thiết, dành thời gian cho chính công việc sẽ làm chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

Phan Tuyết