Khan hiếm học sinh Tiên tiến cũng là 1 biểu hiện suy thoái đạo đức nghề giáo

18/08/2017 06:18
Tùng Sơn
(GDVN) - Để có đa số học sinh giỏi, xuất sắc và khan hiếm học sinh Tiên tiến ở một số nơi là đi ngược với đường lối đổi mới và cũng là sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp.

LTS: Tác giả Tùng Sơn gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới, thể hiện góc nhìn riêng trước hiện tượng nhiều trường học ở đô thị không thể tìm ra nổi một học sinh trung bình. 

Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ đây là hậu quả từ sức ép chỉ tiêu thi đua. Tuy nhiên, tác giả Tùng Sơn đưa ra một góc nhìn khác: lương tâm trách nhiệm của nhiều nhà giáo đã cạn kiệt.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi. Nội dung, văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Xuất phát từ mong muốn sính phần thưởng của cha mẹ học sinh.
    
Cha mẹ học sinh ở những vùng nông thôn thì có lẽ sẽ đỡ hơn vì công việc mưu sinh vất vả, đầu tắt mặt tối. Lại thêm điều nữa là tất cả đã biết nhau, con nhà ai học giỏi, con nhà ai học bình thường họ đều biết cả. 

Vậy nên, tổng kết cuối năm con mình không có giấy khen họ cũng sẽ không buồn. Và nếu giấy khen sang nhầm chỗ những con nhà có tiếng là lem luốc, học kém thì cả làng, cả xóm mới đàm tiếu, cười cợt.

Do vậy, phần thưởng và giấy khen ở nông thôn đỡ bát nháo hơn.
    
Còn tại các thành phố, cha mẹ học sinh phần nhiều không biết nhau. Đến lớp thì con nhà ai cũng ăn mặc đẹp, sáng láng cả. 

Phụ huynh nào cũng kì vọng con em mình học giỏi. Nhiều cha mẹ học sinh còn quan tâm tới cô giáo với mong muốn cô để ý nhiều hơn đến con mình. Nhiều lớp, có đến 3/4 số phụ huynh quan tâm đặc biệt tới cô

Vậy nên, xét khen thưởng cuối năm cô chịu rất nhiều sức ép. Khen em A thì chẳng lẽ bỏ qua em B?

Em C tuy học kém hơn em B nhưng bố mẹ em “tốt” với cô giáo lắm. Thế là cuối cùng, tốt nhất là cả lớp có giấy khen, học sinh nào cũng từ Tiên tiến trở lên.

Hình minh họa về sự dễ dãi trong cách cho điểm của giáo viên (Ảnh: songkhoe.vn)
Hình minh họa về sự dễ dãi trong cách cho điểm của giáo viên (Ảnh: songkhoe.vn)

Mấy năm nay, cấp Tiểu học có quy định mới lại càng dễ cho việc khen thưởng vì không khen chỗ này thì khen chỗ khác. Cô vui, trò vui, cha mẹ học sinh lại hài lòng về cô…

Trường tư còn nặng sức ép hơn nhiều nữa…
    
Giáo viên dạy trường công lập thì chỉ chịu sức ép từ phụ huynh chứ giáo viên dạy trường tư thì còn chịu thêm sức ép của Hội đồng quản trị. 

Cha mẹ học sinh nhiều khi không góp ý trực tiếp với cô giáo mà họ ý kiến thẳng lên hiệu trưởng, hiệu phó. Vậy là cô giáo sẽ bị gọi đến phê bình vì lí do như thế sẽ “không thu hút” học sinh.

Lí do để cha mẹ học sinh phàn nàn với quản lí nhà trường thì vô vàn. Nào là cô nặng lời với cháu, nào là cháu dạo này học sa sút, nào là tháng trước học cô này toàn điểm chín mười, tháng này cô giáo mới điểm toàn bảy tám (chắc cô giáo này dạy kém hơn)…
    
Thế mới có chuyện, cô giáo phải ghi bài lên bảng để học trò chép vào vở rồi mới chấm. Nếu chấm theo năng lực của trò, chắc cô khó được kí hợp đồng tiếp cho những năm sau vì dạy “không thu hút học sinh”.
    
Trên lớp các con học toàn điểm 9, 10, vậy thì cớ gì cuối năm lại không là học sinh giỏi, xuất sắc. Và câu chuyện một lớp tổng số 40 học sinh thì có tới 36 em học giỏi, xuất sắc đến đây hoàn toàn là có cơ sở.

Không hề do quy định về thi đua khen thưởng mà hoàn toàn do lương tâm nghề nghiệp!
   
Luật thi đua khen thưởng hiện hành không hề quy định Tập thể lao động Tiên tiến hay Tập thể xuất sắc phải có nhiều thành tích “khủng” như vậy. 

Các văn bản dưới luật đều không yêu cầu danh hiệu tập thể xuất sắc phải có nhiều thành tích.

Văn bản riêng về thi đua khen thưởng của ngành giáo dục là thông tư 35 cũng không yêu cầu nhà trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc phải có toàn học sinh xuất sắc.

Vậy, do đâu mà một lớp học, một trường học lại có đến 9/10 số học sinh là giỏi, xuất sắc? Tất cả do lòng người. Tất cả tại lương tâm nghề nghiệp. 

Khi đạo đức nghề nghiệp đã cạn, người ta cho rằng trường mình, lớp mình có nhiều học sinh xuất sắc là mình dạy giỏi hơn. 

Khan hiếm học sinh Tiên tiến cũng là 1 biểu hiện suy thoái đạo đức nghề giáo ảnh 2

Ai đủ sức chữa được những “bệnh” này ở nhà trường, giáo viên?

Từ mấy năm nay, chúng ta quen dùng cụm từ “bệnh thành tích”. Đúng, đó cũng chính là bệnh thành tích mà ra.

Nhưng, bệnh thành tích từ đâu phát sinh? Cũng là từ lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. 

Một giáo viên có tự trọng và thực hiện đúng quy định về đạo đức nhà giáo thì phải rơi nước mắt khi nộp danh sách đề nghị khen thưởng 9/10 học sinh xuất sắc. 

Một Hiệu trưởng nếu còn đạo đức nghề nghiệp thì không thể đặt bút kí vào những tấm giấy khen để mai phát ra trắng xóa cả sân trường như vậy. 
   
Không biết nói vậy có nặng lời hay không nhưng quả đúng vậy. Phải chăng, học sinh tiên tiến quý hiếm cũng chính là một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức mà Nghị quyết Trung ương 4/2016 đã chỉ rõ: 

“Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; …”. (Trích biểu hiện thứ 4 trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống – Nghị quyết Trung ương 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII).

Hiện nay, cả nước ta đang khẩn trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị Quyết số 29 năm 2013 của Ban chấp hành trung ương.

Việc làm để có đa số học sinh là giỏi, xuất sắc và khan hiếm học sinh Tiên tiến như ở một số nơi là đi ngược lại với đường lối đổi mới của chúng ta và đây cũng là sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp. 

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo chấn chỉnh tình trạng này để giáo dục luôn luôn trung thực với kết quả của nó.

Tùng Sơn