Khi cô giáo là số 1

14/01/2013 07:03
Theo VNN
Bé vào lớp 1, nhiều phụ huynh "tăng xông" khi con nhất quyết không làm theo ý mình đơn giản chỉ vì "cô con không bảo làm thế...". Và xung đột trong việc mẹ bảo làm thế này, nhưng còn làm theo cách cô thường xuyên xảy ra.
Bé Minh Châu nhất quyết không chịu đeo chiếc ba lô được mẹ chuẩn bị sẵn để đi tham quan với nhà trường chỉ vì cô giáo đã dặn là mang theo chai nước và gói bánh trong túi ny lông. Không thể tranh cãi nổi với con gái, mẹ bé đành tìm một chiếc túi ny lông đẹp để con xách theo.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Đây không chỉ là lần đầu tiên mẹ con bé Minh Châu xảy ra xung đột trong việc mẹ bảo làm cách này nhưng cô dặn cách khác.

Bé Hải Anh mới đi học lớp 1 thì việc làm theo lời cô giáo càng nhất nhất được tuân theo.

Vở viết chữ ở lớp, cháu về nhà lại viết lùi vào một ô so với chữ mẫu, mẹ có thắc mắc, cháu chắc nịch ngay 1 câu: “Cô giáo con bảo thế!” và giải thích rằng, chữ mẫu họ viết chưa đúng chỗ nên cô dặn các con phải viết lùi vào 1 ô. Rồi viết bút chì loại nào, bút mực loại nào đều được các con “hướng dẫn” bố mẹ tuân thủ nghiêm ngặt, làm khác đi con sẽ la khóc.

Nhà bé Hồng Kỳ, học sinh lớp 3, mới đây cũng xảy ra một trận tranh cãi gay gắt, khi tiến hành giải 1 bài toán. Theo cô giáo dạy thì các phép tính trong bài toán chia được thực
hiện với phương pháp, tạm gọi là trực tiếp và gián tiếp. Trong khi các phụ huynh nhìn thấy rõ nếu con làm theo cách trực tiếp thì sẽ đơn giản và dễ hiểu hơn. Còn học sinh được cô giáo hướng dẫn làm theo cách gián tiếp khiến các em gặp khó khi tính toán…

Dù được bố mẹ hướng dẫn theo cách làm hợp lý hơn, nhưng không một học sinh nào dám làm khác cách của cô giáo.

Chuyên gia "gỡ rối"

Trao đổi vấn đề này với ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) gợi ý, đối với 1 bài toán thực hiện phép chia thì nên cho con làm cả trực tiếp và gián tiếp, sau đó hướng dẫn để cho con thấy ưu khuyết điểm của mỗi cách. Chẳng hạn, gián tiếp có thể nhanh hơn, nhưng dễ bị nhầm lẫn. Còn trực tiếp có thể tránh được sai sót nhưng mất thời gian hơn.

Cũng như khi học sinh giải 1 bài toán có lời văn phải thực hiện 3 phép tính. Nếu giải lần lượt thì phải mất 7 dòng, kể cả đáp số. Nhưng học sinh khá giỏi có thể làm gộp các phép
tính để chỉ phải viết ít dòng. “Phụ huynh nên căn cứ vào khả năng của con để định hướng chọn lựa tối ưu, không nhất thiết phải trực tiếp hay gián tiếp”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, thực tế, không phải cô giáo nào cũng xuất sắc và bài giải đưa ra đã phải là tối ưu. Phụ huynh hãy giúp con cách tư duy, bày cho con phương pháp khác và hỏi con
xem cách nào làm hay hơn, dễ hiểu hơn. Từ đó tạo cho con thói quen chủ động và sáng tạo trong quá trình học. Không học theo một cách quá cứng nhắc.

Không dừng lại ở khía cạnh giải bài toán hay làm văn, mà trong các vấn đề liên quan đến kỹ năng sống thì cô giáo tiểu học có tác động chi phối rất lớn đến suy nghĩ của con trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, đây là lứa tuổi xem cô giáo ở trường như một thần tượng, một điều gì đó bất biến, cao và xa hơn bố mẹ nên lời cô dặn, mệnh lệnh của cô là bất di bất dịch, răm rắp nghe theo.

Do đó, khi cách giáo dục của cha mẹ và cô giáo có sự khác biệt, mâu thuẫn thì dễ dẫn đến trẻ phản ứng, chống đối, lâu ngày dẫn đến tâm lý hoang mang.

Ông Tiến chia sẻ, khi xảy ra tình huống này, phụ huynh phải khéo léo, không được ép buộc suy nghĩ của mình cho trẻ. Hãy trò chuyện, chia sẻ cởi mở cũng như mềm mỏng thương lượng với trẻ sao cho có được giải pháp tối ưu nhất. Và điều không thể thiếu khi phụ huynh thấy có băn khoăn thì nên tìm cách trao đổi tế nhị với cô giáo để cùng đi đến một đích chung.


Theo VNN