Khi đã chọn nghề là hết lòng, hết sức

03/03/2019 06:12
Hưng Long
(GDVN) - Nghề giáo không những phải có kiến thức để truyền đạt cho học sinh mà còn phải hiểu rộng để dạy dỗ các em nên người.

Khi đã chọn nghề là hết lòng vì nghề

Ngay từ nhỏ thầy Nguyễn Ngọc Hải (sinh năm 1973) - Tổ trưởng Tổ Chuyên môn Sinh, Trường Trung học phổ thông An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đi học trong điều kiện gia đình rất khó khăn. Lớn lên, thầy đặt quyết tâm thi vào ngành Y dược và thiếu 0,5 điểm.

Vì hoàn cảnh gia đình, thầy quyết định đăng ký nguyện vọng vào ngành giáo do gia đình mong muốn và bản thân thầy Hải thích được dạy dỗ các em.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải nhận giải thưởng khoa học về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. . (Ảnh: N.H)
Thầy Nguyễn Ngọc Hải nhận giải thưởng khoa học về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. . (Ảnh: N.H)

Thầy đã phấn đấu, nỗ lực trên con đường sự nghiệp của mình. Thầy Hải từng học qua các lớp quản lý, đủ chuẩn để đề bạt ở những vị trí cao hơn. Thầy khước từ tất cả.

Thầy Hải chỉ mong được gần các em học sinh để được dạy dỗ, chia sẻ với các em nhiều hơn. Thầy chỉ mong các em xem mình là người thầy, người cha, người anh và thậm chí là người bạn để làm cầu nối cho các em được gần gũi, được yêu thương.

Thầy Hải nhắn nhủ với các bạn sinh viên ngành giáo đang ngồi trên ghế giảng đường 3 chữ: “Tâm, Tầm và Tài”.

Với cái Tâm, khi đã chọn nghề giáo thì phải sống hết lòng vì nghề. Vì đây cũng chính là nghề nuôi sống bản thân mình.

Đối với chữ Tầm, người thầy phải nhìn về các em, định hướng cho các em như thế nào, quan tâm các em như thế nào để động viên các em có mục tiêu tốt nhất trong con đường dạy học của mình.

Chữ Tài, khi đã chấp nhận nghề giáo thì người thầy phải có kiến thức vững vàng khi đứng lớp để truyền đạt cho học sinh. Không những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải hiểu rộng hơn và truyền đạt gần như tất cả các lĩnh vực.

Thầy Hải nói, người thầy như một diễn viên trên sân khấu, biết rất nhiều và dạy như thế nào để thu hút các em học sinh.

Triết lý giáo dục trong năm điều Bác Hồ dạy 

Thầy Hải khẳng định, thầy giáo là người nghèo về vật chất. Thầy Hải từng dạy nhiều lượt học sinh không lấy tiền tại nhà nhưng bù lại, các em “cho” thầy rất nhiều về mặt tinh thần.

Các em, phụ huynh, đồng nghiệp cho thầy Hải bằng tình cảm là thứ mà không thể mua được bằng vật chất.

“Nhà giáo như một con ong chăm chỉ làm việc”

Thầy Hải kể về Câu lạc bộ Em yêu môi trường được ra đời khi phong trào nghiên cứu khoa học bắt đầu phát triển trong các trường học.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chọn Trường Trung học phổ thông An Lạc Thôn làm cơ sở thí điểm để phát triển câu lạc bộ.

Một tiết học của học sinh Trường trung học phổ thông An Lạc Thôn. (Ảnh: N.H)
Một tiết học của học sinh Trường trung học phổ thông An Lạc Thôn. (Ảnh: N.H)

Kinh phí ban đầu được Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện cho hoạt động. Sau một thời gian, hoạt động phải được xoay vòng cho các trường khác. Câu lạc bộ chỉ hoạt động một thời gian để định hướng cho các em biết được ý thức bảo vệ môi trường, có những buổi sinh hoạt để gắn kết các em.

Thời điểm ra đời của Câu lạc bộ, An Lạc Thôn vẫn chưa có những khu vui chơi giải trí để cho các em tham gia và hoạt động cho đến ngày nay. Câu lạc bộ được xem là nơi gắn kết các em với nhau để có sân chơi lành mạnh.

Tham gia Câu lạc bộ, các em có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập, những kiến thức thực tiễn trong nhà trường để có thể áp dụng ở địa phương và hình thành nên những đề tài.

Sau thời gian duy trì được 6 năm, Câu lạc bộ Em yêu môi trường tạm dừng và hứa hẹn sẽ hoạt động trở lại nếu có kinh phí ổn định hơn.

Hơn 14 năm trước, Câu lạc bộ hoạt động và mỗi tháng đều có các chuyên đề về ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, tác hại của túi ny-lông…

Câu lạc bộ còn tổ chức các cuộc thi: Rác không là phế thải, thời trang môi trường, thi thiết kế băng rôn khẩu hiệu để tuyên truyền trong nhà trường. Câu lạc bộ còn tổ chức cuộc thi thiết kế các dụng cụ học tập làm từ rác thải…

Thầy Hải tự hào dẫn lại theo ngạn ngữ Pháp: “Nhà giáo như một con ong chăm chỉ làm việc”. Thầy Hải giải thích, con ong chăm chỉ lấy phấn của hoa để dâng mật ngọt cho đời rồi đến khi chết không ai biết đến.

Ngược lại, thầy Hải lại được rất nhiều học sinh, phụ huynh biết đến và gọi thầy với cái biệt danh trìu mến: “Bố Hải”. 

Năm 2018, thầy Nguyễn Ngọc Hải được quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ký quyết định trao Huân chương lao động hạng Ba.

Thầy Hải đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm 2013-2014 đến năm học 2017-2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong 7 năm liền (từ 2005 – 2012), thầy trò Trường Trung học phổ thông An Lạc Thôn do thầy Nguyễn Ngọc Hải hướng dẫn đã đoạt 19 giải thưởng khoa học về bảo vệ môi trường.

Năm 2012, thầy Hải được mời sang Thụy Điển tham dự hội nghị khoa học về bảo vệ môi trường.

Năm 2015, thầy và trò Trường An Lạc Thôn còn nhận được giải thưởng khoa học về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. 

Hưng Long