Khổ như giáo viên trường chuẩn!

01/10/2017 07:11
Hưng Nhân
(GDVN) - Cần có chế độ, chính sách tiền lương, phân công nhiệm sở phù hợp đối với giáo viên để không còn tình trạng giáo viên giỏi, có thành tích chạy khỏi trường chuẩn

LTS: Hiện nay, các giáo viên dạy 1 buổi/ngày đã phải chịu nhiều áp lực công việc thì những thầy cô giáo dạy ở các trường tiểu học chuẩn quốc gia với 2 buổi lên lớp còn vất vả, nhọc nhằn gấp nhiều lần.

Trước tình trạng nhiều giáo viên dạy giỏi, có thành tích cao “chạy” ra khỏi trường chuẩn, tác giả Hưng Nhân đã có bài viết chỉ ra nguyên nhân cũng như biện pháp giải quyết cho thực trạng đáng buồn này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Công việc tối mặt tối mũi

Đầu tiên phải kể đến thời gian giáo viên “gắn bó” với trường lớp trong một ngày là quá nhiều. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trường dạy 2 buổi/ngày không tổ chức dạy học quá 7 tiết/ngày.

Như vậy là giáo viên phải bám trường sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Sáng sớm đến trường từ hơn 6 giờ, 11 giờ trưa về đến nhà, chưa được nghỉ lại tất bật đi dạy lúc 13 giờ cho kịp giờ buổi chiều.

Cả ngày mệt mỏi ở trường, công việc chấm bài, soạn giáo án, làm cả đống hồ sơ đều phải dành vào buổi tối.

Dạy trường hai buổi nên giáo án hay hồ sơ đều phải làm nhiều hơn đồng nghiệp trường một buổi.

Giáo án chính khóa, giáo án buổi chiều cứ mỗi ngày 6, 7 tiết soạn nhanh lắm cũng phải đến 10 giờ khuya.

Giáo viên dạy ở các trường chuẩn vất vả trăm bề (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).
Giáo viên dạy ở các trường chuẩn vất vả trăm bề (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).

Hôm nào có người dự giờ là thức vài đêm trắng để lo soạn giáo án điện tử, làm đồ dùng dạy học. Mà với trường tiểu học thì dự giờ cứ là liên miên. Hết thanh tra trường, thi giáo viên giỏi lại đến dự giờ chuyên đề, dự giờ đột xuất, dự giờ lồng ghép tích hợp...

Thế nên, những giáo viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm thì việc thức khuya, dậy sớm là chuyện bình thường.

Không chỉ các em mới chân ướt vào nghề mà cả thầy cô dạy lâu năm cũng cảm thấy đuối sức: “Nếu so năng suất lao động của một giáo viên trường chuẩn với giáo viên một trường học bình thường thì khác xa một trời một vực.

Thầy cô trường chuẩn phải đi sớm về khuya, nỗ lực giảng dạy, mệt nhoài với hàng chục phong trào nhưng thu nhập hàng tháng lại chẳng được hơn giáo viên các trường khác đồng nào”. [1]

Nhưng đâu chỉ đơn giản là soạn giáo án, làm hồ sơ và lên lớp. Làm giáo viên thời nay ai cũng sợ họp, sợ phong trào và còn biết bao nhiêu công việc linh tinh không tên khác nữa.

Thầy cô ai cũng mong tới ngày cuối tuần để nghỉ ngơi hay thư giãn lấy lại sức cho tuần sau “cày” tiếp thì thứ bảy phải hội họp đủ thứ, rồi còn chuyên đề.

Khổ như giáo viên trường chuẩn! ảnh 2

Cô thầy làm việc quá tải, nỗi lòng của người trong cuộc

Đầu năm cực khổ với việc thu các khoản đồng phục, đồ dùng, dụng cụ học tập, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, quỹ hội phụ huynh và mỗi loại là một phiếu thu.

Rồi cho học sinh đi ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tham gia các phong trào... Là trường chuẩn quốc gia nên mọi cuộc thi, phong trào đều được cấp trên “ưu tiên” đưa chỉ tiêu xuống.

Trăm thứ cứ đổ dồn vào trường chuẩn quốc gia. Và thế là thành tích, thi đua lại trăm bề làm khổ giáo viên. Giáo viên không còn thời gian chăm sóc con cái và gia đình.

Thời gian bám lớp, ôm giáo án, hồ sơ của giáo viên các trường chuẩn mất trên 12 tiếng mỗi ngày là quá nặng nhọc, nhưng chế độ tăng giờ cho các thầy cô thì quá èo uột.

Tính ra giáo viên mới ra trường được khoảng hơn một triệu, giáo viên lâu lắm cao lắm cũng chỉ hơn hai triệu đồng.

Thu nhập thấp hơn rất nhiều so với dạy thêm nên ai cũng cảm thấy bị thiệt thòi và chán dạy trường chuẩn.

Đó là những giáo viên được dạy ở những trường đang thiếu biên chế 1,5 giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn giáo viên dạy ở trường đủ hoặc gần đủ biên chế thì chế độ làm thêm giờ có rất ít hoặc không có, lại càng vất vả hơn.

Có trường mỗi tuần giáo viên chỉ dư giờ vài ba tiết. Các thầy cô cũng phải mất cả ngày bám lớp. Tiền tăng giờ không đủ xăng xe, thâm hụt tiền lương là điều khó tránh khỏi.

Muốn kiếm thêm khoản thu nhập từ dạy thêm cũng không được vì bị cấm dạy thêm đối với trường hai buổi. Giữa thời buổi giá cả tăng chóng mặt này, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

“Trượt chuẩn” vì giáo viên không mặn mà dạy trường chuẩn

Công việc nặng nề, chế độ bất cập, lương thấp đã không giữ được chân giáo viên giỏi, có kinh nghiệm ở lại trường nên tiêu chí giáo viên giỏi các cấp phấn đấu để giữ vững được chuẩn quốc gia quả là vô cùng khó khăn.

Một thực tế, giáo viên ít ai mặn mà dạy ở trường chuẩn quốc gia.

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học chuẩn quốc gia chia sẻ: “Giáo viên trường chuẩn phải làm nhiều việc hơn giáo viên trường 1 buổi, tăng giờ thì chỉ được khoảng 6 tiết/1 tuần (200 tiết 1 năm) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Khổ như giáo viên trường chuẩn! ảnh 3

Trường lên chuẩn quốc gia mà ai cũng buồn

Đi cả ngày, tăng giờ bèo bọt nên mấy ai gắn bó với trường chuẩn. Nhiều giáo viên ở ngay địa phương, ở gần trường, nhưng tìm mọi cách xin đi để chạy khỏi trường 2 buổi.

Giáo viên mới ra trường, giáo viên nơi khác chuyển về chỉ vài năm là đi. Trường cứ bồi dưỡng cho giáo viên vững tay nghề, trở thành giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh là họ lại đi.

Rất khó cho việc nhà trường nâng cao chất lượng vì giáo viên mới ra trường còn non kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ và công tác chủ nhiệm”.

Không thể trách giáo viên được bởi đồng lương eo hẹp, không dạy thêm được để tăng thêm thu nhập được, không còn thời gian chăm sóc con cái, gia đình.

Một hiệu trưởng than thở: “Năm nào Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng chuyển đi gần chục giáo viên, đáng nói là đưa đi toàn giáo viên có thành tích, là giáo viên dạy giỏi, thế là trượt chuẩn là điều hiển nhiên. Có hiệu trưởng bức xúc nói thẳng, nhưng chuyện đâu lại vào đấy”.

Việc trượt chuẩn là điều hiển nhiên vì: “Theo Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trường có tối đa không quá 30 lớp, mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh.

Có ít nhất 20% số giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện (quận, thị xã) trở lên, 50% số giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường”. [2]

Vì vậy, không phải chỉ riêng giáo viên khổ mà hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường cũng nhọc nhằn chẳng kém khi trong năm bồi dưỡng cho giáo viên, cuối năm lại “bạc mặt” chạy theo chuẩn để xây dựng và giữ chuẩn.

Chính vì vậy, cần có một chế độ, chính sách tiền lương hợp lý, phân công nhiệm sở phù hợp đối với giáo viên để không còn tình trạng giáo viên giỏi, có thành tích chạy khỏi trường chuẩn!

Tài liệu tham khảo:

[1]http://tuoitre.vn/am-anh-truong-chuan-quoc-gia-1075393.htm

[2]http://tuoitre.vn/ngu-quen-tren-chuan-485215.htm

Hưng Nhân