Khối thầy cô dạy văn "tắc tị" khi soạn một dàn bài mới

22/10/2017 07:49
Nguyễn Văn Nhượng
(GDVN) - Cách kiểm tra, đánh giá là một rào cản chưa giải phóng được tư duy trong dạy và học Văn, nên giáo viên đôi khi có cố gắng nhưng hiệu quả không cao.

LTS: Chất lượng dạy và học Văn hiện nay đang trở thành vấn đề báo động khi học sinh ngày càng không có hứng thú với môn học.

Thầy giáo Nguyễn Văn Nhượng đang công tác tại Nam Định bày tỏ những suy nghĩ trăn trở trước thực trạng trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

“Hãy để học sinh biết tư duy và suy luận, giáo viên Văn phải biết gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh có quyền được trao đổi thảo luận, có quyền được phát biểu tư tưởng, nhận thức;

Giúp các em rèn tư duy độc lập sáng tạo, thực sự được sống trong không phản biện và tinh thần nhân văn; biết yêu quý cái đẹp, cái thiện...;

Tôn trọng ý kiến khác biệt, cảm nhận của các em; không nên áp đặt, kìm hãm khả năng suy luận, nhất nhất bắt buộc các em phải theo khuôn khổ mà mình đã hoạch định theo các sách hướng dẫn”.

Gần 15 năm trải nghiệm trên bục giảng từ miền ngược xuống miền xuôi, tôi vẫn tự nhủ lòng mình và cố gắng nỗ lực để làm được như thế.

Trước yêu cầu tất yếu của đổi mới, yêu cầu đào tạo con người trong một thế giới phẳng, thiết nghĩ dạy Văn ai cũng mang trong mình khát vọng làm được như thế.

Trong một xã hội đang biến động dữ dội từng ngày từng giờ với bộn bề các vấn đề ngổn ngang hỗn độn khó lường, luôn luôn đòi hỏi giáo dục, cụ thể là người giáo viên, cần trang bị cho học sinh có đủ tri thức bản lĩnh vững vàng.

Ngoài ra, khả năng thích nghi và ứng phó, giải quyết tốt các tình huống xảy ra trong thực tiễn cuộc sống là một yêu cầu vô cùng bức thiết đang đặt ra.

Có một thực tế đang diễn ra hiện nay là, môn Văn đang trở nên kém hấp dẫn.

Học sinh chán học Văn, xã hội ca thán nhiều, báo chí và giới chuyên môn đã tốn khá nhiều giấy mực.

Cách nào để môn Văn trở thành môn yêu thích của học sinh? (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Cách nào để môn Văn trở thành môn yêu thích của học sinh? (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Theo tôi, thực tế này là do nhiều nguyên nhân:

-  Do trong nhận thức của nhiều phụ huynh đã không thấy được vai trò hữu ích, thiết thực của bộ môn Văn trong việc hình thành, hoàn thiện nhân cách và kĩ năng sống, trong học tập lao động và giao tiếp hằng ngày.

Từ đó dẫn đến sự định hướng, quan niệm khá thực dụng là chỉ muốn con chạy theo học các ngành kĩ thuật, kinh tế...

Điều đó hẳn không sai nhưng họ không biết rằng làm gì thì làm bốn kĩ năng nghe - nói - đọc - viết sẽ theo suốt cuộc đời con người, bất luận làm nghề gì cũng cần.

Bốn kĩ năng này tưởng đơn giản nhưng để đạt được hiệu quả thì không phải dễ, mà phải rèn luyện.

-  Do sự bó buộc, cảm thụ văn học một chiều, lối mòn lâu nay dạy học thi cử nhất nhất chạy theo điểm số để lên lớp, để vào các trường theo ý muốn.

- Một bộ phận không nhỏ giáo viên ít đầu tư suy nghĩ, ít đọc sách và ít nắm bắt các vấn đề thời sự nóng hổi.

Giáo viên văn đa phần là các cô giáo, áp lực nghề nghiệp, mức thu nhập thấp, kèm theo những việc lo toan, gánh vác công việc gia đình, con cái... sinh ra tâm lý ngại đổi mới tương đối phổ biến.

Họ ít cập nhật, tương tác với đời sống văn học đương đại, những kiến thức lí luận phê bình và phương pháp giảng dạy mới.

Nhiều giáo viên quanh năm suốt tháng chỉ ôm cuốn giáo khoa và sách hướng dẫn để dạy.

Khối thầy cô dạy văn "tắc tị" khi soạn một dàn bài mới ảnh 2

Sự thật là học trò học Văn chỉ để thi, không vì một mục đích nào khác

Trong nhà, họ không có đến những cuốn sách công cụ tối thiểu để tra cứu.

Vì thế, giờ dạy thiếu sinh khí, không kích thích được hứng thú của học sinh.

Nếp nghĩ “thi gì dạy nấy” đã trở thành nguyên lý vô hình bất di bất dịch, nên đôi khi giáo viên phải buộc học sinh học thuộc như con vẹt những gì sẽ thi.

Nhiều thầy cô có làm tốt đến mấy các hoạt động ngoại khóa, các tiết chương trình Ngữ Văn địa phương, luyện nói hay tập làm thơ và phần văn bản hành chính công vụ… đi chăng nữa;

Học sinh có thích thú đến mấy đi chăng nữa;

Nhưng đề thi không kiểm tra đến (mà thường là như vậy) thì thi đua không ai ghi nhận điều đó, vì đa phần dựa vào điểm số.

Tuy nhiên, bằng tâm huyết, họ vẫn âm thầm làm vì nghĩ chúng có lợi cho học sinh.

Nhưng nếu cứ duy trì lối đánh giá như hiện nay cũng buộc giáo viên phải tìm đường thích nghi cho vừa khuôn.

Nghịch lý là nhà trường và ngay cả phụ huynh học sinh cũng chỉ lấy điểm số làm thước đo trình độ năng lực của thầy?

Mặc nhiên ta dạy lấy mục đích vì sự phát triển năng lực và phẩm chất của học trò là chính nhưng trong việc ôn thi, thầy nào dạy dàn trải, kiến thức sẽ bị loãng so với thầy chỉ xoáy vào một số nội dung trọng tâm kiểm tra, ắt sẽ hơn.

Thầy làm thật, thầy năng đổi mới chưa chắc thầy đã đảm bảo chất lượng đại trà, vì lớp đông, nhiều đối tượng khác nhau, không phải em nào cũng mạnh dạn bày tỏ ý kiến, vả lại thời gian không phải lúc nào cũng cho phép…

Khối thầy cô dạy văn "tắc tị" khi soạn một dàn bài mới ảnh 3

Nếu môn Văn không từ từ chết thì xã hội ít phải chứng kiến những chuyện đau lòng.

Thêm vào đó, xét thi đua, cấp trên chỉ có thể căn cứ vào phần trăm chất lượng.

Phụ huynh quan tâm đến chuyện con họ được bao nhiêu điểm, đỗ hay trượt chứ quan tâm gì mấy đến chuyện con họ có hứng thú hay không hứng thú, yêu văn hay không yêu văn, có nhân sinh quan cao đẹp hay có lối sống cao thượng đâu?

Ấy cái sự dạy Văn nhập nhằng là ở chỗ ấy, rất khó định lượng những giá trị vô hình.

Bởi xét cho cùng dạy Văn nghĩa truyền cảm xúc, là dạy nhân cách sống, nhân cách làm người, kĩ năng giao tiếp...

Mà cảm xúc, nhân cách làm sao một đề kiểm tra có thể bao quát hết, có em nói hay nhưng làm dở hoặc ngược lại.

Có thầy bài giảng rất có hồn, có độ mở về không khí văn chương, rất sinh động, học sinh có hứng thú nhưng cuối kì thi chưa chắc đã hơn gì những thầy chỉ nhăm nhăm đọc chép, ép học sinh học thuộc.

Bởi cơ chế ra đề thi và đáp án hiện nay vẫn còn là mảnh đất màu mỡ cho những phương pháp, cách dạy trên tồn tại.

Tôi tán đồng với ai đó khi cho rằng “không nên gán ghép hoặc áp đặt tư tưởng nhận thức của mình buộc học sinh phải hiểu như thế”.

Vâng, bất kì một ngành khoa học nào cũng không chấp nhận điều này, nhất là khoa học dạy học Văn và cảm thụ văn chương.

Vấn đề đặt ra với giáo viên Văn là khi đánh giá giờ dạy hội giảng của giáo viên, giám khảo đều tôn sách giáo viên như một thứ thánh kinh, đem ra làm căn chuẩn để xét bài dạy.

Rồi khi ra đáp án, người ra đề nếu tâm huyết thì gia công thêm, bằng không cũng chỉ bê nguyên xi trong sách giáo viên, phòng khi giáo viên có tranh luận thì đã có sách làm bà đỡ, để bào chữa.

Đáp án thì chẻ nhỏ đến từng ý, ngôn ngữ khuôn mẫu, thử hỏi giáo viên muốn học sinh mình đạt điểm cao thì cũng buộc phải áp đặt theo khuôn khổ …sách giáo viên.

Đồng nghiệp nói với tôi rằng có đôi khi những người giảng dạy chưa hoàn toàn nắm được tư tưởng chủ đạo của một tác phẩm văn học, chưa nhận định đánh giá đúng giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Tôi nghĩ điều đó cũng không sai.

Thực tế từ khâu đào tạo những sản phẩm dạy Văn, tôi thiết nghĩ, cũng đã xuất hiện lối mòn.

Khối thầy cô dạy văn "tắc tị" khi soạn một dàn bài mới ảnh 4

Hai năm tới là cơ hội và thách thức của các thầy cô dạy môn Ngữ Văn

Đó là chỉ có tán tụng cái hay mà mấy khi chỉ ra cái dở (đáp án lại càng không thấy điều này).

Đành rằng các tác phẩm được tuyển học đều là các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc nhưng không phải tác phẩm nào cũng tròn trịa, lấp lánh như viên kim cương đã được mài, được giũa.

Mà dường như tôi cảm thấy xưa tôi học, nay tôi dạy, ngoài việc chỉ nhăm nhăm tìm, phát hiện bằng được cái hay, cái đẹp chỗ này, chỗ kia còn thì có mấy ai dám mạnh dạn công khai nói mình không thích, không yêu.

Bởi như vậy, bài thi chỉ còn nước trượt, mà thầy cũng không dạy thế và đáp án cũng không ra thế, nên đôi khi nóng thì bảo lạnh hoặc ngược lại.

Chừng nào đáp án không có hướng mở thì vấn đề đọc chép, áp đặt trong cảm thụ văn chương sẽ còn ám ảnh dài dài.

Còn nói về việc người giảng dạy chưa hoàn toàn nắm được, nhận định, đánh giá đúng giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm là một nhận định rất thực tế và thẳng thắn.

Có lần trao đổi với bạn nhà văn, tôi tâm sự rằng: không hiếm giáo viên Văn hiện nay, nếu không dựa vào sách giáo viên hướng dẫn, các sách tham khảo, các công trình nghiên cứu lí luận phê bình thì sẽ tắc tị khi cho tự thiết kế giảng dạy một tác phẩm hoàn toàn mới ngoài chương trình.

Bởi khả năng tự nghiên cứu, nghiên cứu một cách độc lập của giáo viên ta thực sự có vấn đề.

Chúng ta đã chẳng thừa nhận với nhau là dạy học sinh là dạy phương pháp, dạy cách làm…

Vậy hà cớ gì trong đề thi cứ phải nhất nhất ra vào các bài đã học mà những bài đã học thì hiển nhiên là giáo viên đã chữa, chữa kĩ.

Vậy học sinh chỉ còn việc học thuộc ý, thuộc lời, thuộc cả cách diễn đạt để đi thi, khi viết cần gì phải tự mày mò, sáng tạo, cảm thụ riêng làm gì, các lò luyện thi, dạy thêm tràn lan mọc ra cũng là vì cái nhẽ ấy chăng?

Ngay chính một số thầy cô nắm phương pháp phân tích tác phẩm rất rõ nhưng đưa cho một tác phẩm bất kì, chưa từng đọc mà bảo viết bài phân tích, tôi không có ý xem thường nhưng số làm tốt sẽ không nhiều.

Bởi năng lực cảm thụ hạn chế, kĩ năng không được thường xuyên rèn luyện, tư tưởng "ăn theo nói dựa" vào sách còn nặng nề ăn sâu vào thâm căn cố đế.

Cách kiểm tra, đánh giá còn như một rào cản chưa giải phóng được tư duy trong dạy và học Văn, nên giáo viên đôi khi có cố gắng nhưng hiệu quả không cao.

Khối thầy cô dạy văn "tắc tị" khi soạn một dàn bài mới ảnh 5

“Thạch Lam là ai? Tớ chưa bao giờ đọc truyện của ông này viết cả!”

Những đổi mới về tiêu chí đánh giá giờ dạy của giáo viên và cách ra đề gần đây nhất cũng đã bước đầu có sự đổi mới mạnh mẽ, tạo được niềm tin, hi vọng sẽ tiếp tục được duy trì và làm tốt hơn nữa.

Kiến thức của một số giáo viên hiện nay còn nhiều điều để bàn.

Các bạn có tưởng tượng nổi, bài thi của học sinh tôi viết:

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn” đã bị một cô giáo chấm, dùng bút đỏ gạch bỏ.

Khi tôi đem bài trao đổi lại thì chị phê bình học sinh dùng những từ ngữ to tát quá, không phù hợp với Nguyễn Du.

Tôi bảo, "em học sinh đó giới thiệu về Nguyễn Du theo cách nhận định trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1 trang 78 thôi chị".

Chị bảo sách cũng có lúc sai, tôi hỏi vậy chị có thể chứng minh cái sai của sách trong trường hợp này.

Chị chẳng nói gì nữa và đến đây thì tôi thực sự rùng mình, nghẹn cổ câm lặng và thấy hơi...nản...

Muốn cho học sinh thảo luận, tôn trọng ý kiến các em thì đòi hỏi rất cao ở trình độ chuyên môn và bản lĩnh sư phạm của người thầy.

Với thời lượng một tiết, học sinh không chuẩn bị tốt bài ở nhà …vv…vv,  thì giáo viên khó mà làm được vì áp lực dạy cho kịp phân phối chương trình nên phải cố dạy cho xong bài bằng không sẽ phải dạy bù.

Còn muốn khơi gợi cảm xúc, tạo điều kiện để học sinh bày tỏ ý kiến, đòi hỏi giáo viên từ lớp dưới lên lớp trên phải có sự đồng bộ.

Cái nếp phải được tạo từ khi còn nhỏ thì mới mong làm được điều này bằng không thì cũng chỉ biến học sinh thành những con cừu thụ động rụt rè không dám bày tỏ chính kiến trước đám đông…

Bàn về chuyện dạy Văn sẽ còn ngổn ngang bao điều muốn nói, trên đây chỉ xin tản mạn bày tỏ đôi điều trăn trở, chia sẻ thực trạng dạy học Văn cùng các đồng nghiệp và bạn đọc mong cùng chung tay hướng đến một phương pháp dạy học văn tích cực, sáng tạo nhất để học sinh yêu thích bộ môn, tạo niềm tin cho xã hội...

Nguyễn Văn Nhượng