Không dạy Chí Phèo, con cháu chúng ta chỉ biết cơm ngon và áo đẹp

20/12/2017 06:55
Trần Trung Huy
(GDVN) - Chúng ta đã thoát khỏi xã hội của Chí Phèo, của làng Vũ Đại. Chúng ta cần giáo dục học sinh và cả chính chúng ta biết quý trọng cuộc sống hôm nay và giữ lấy nó

LTS: Bàn về ý nghĩa của tác phẩm "Chí Phèo" trong chương trình văn học lớp 11 đối với việc giáo dục thế hệ học sinh hiện nay, thầy giáo Trung Huy đã đưa ra quan điểm của mình trước vấn đề trên.

Qua đó, tác giả cũng cho rằng, tác phẩm "Chí Phèo" giúp thế hệ trẻ quan sát lại xã hội ngày xưa và thêm trân quý cuộc sống hôm nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau này, trong chương trình sách giáo khoa ngữ văn 2020 có thể sẽ không có “Chí Phèo” của Nam Cao nữa vì “Chí Phèo” không nằm trong 6 tác phẩm bắt buộc của Ngữ văn trung học phổ thông (Theo Chương trình Phổ thông tổng thể).

Điều đó nếu xảy ra thì thật đáng tiếc vì “Chí Phèo” chính là cầu nối giúp thế hệ trẻ quan sát lại xã hội ngày xưa và thêm yêu cuộc sống hôm nay.

Nhân vật Chí Phèo (Ảnh minh họa: vtc.vn).
Nhân vật Chí Phèo (Ảnh minh họa: vtc.vn).

Học trò ngày nay vốn đã lãnh đạm với chuyện xưa…

Cũng không thể trách chính bản thân các em được vì thời đại thông tin bùng nổ, sách văn học ế ẩm và nhường chỗ cho truyện tranh nước ngoài. Bây giờ mà tìm được một học sinh say mê cầm cuốn “Tắt đèn” hay “Chí Phèo’ đọc thì khó lắm.

Vậy thì đâu là nơi để các em nhìn nhận lại xã hội phong kiến, thực dân ngày xưa để tự hào về cuộc sống hôm nay? Chỉ có văn học trong nhà trường.

Vậy nếu văn học nhà trường lại giảm số tác phẩm hiện thực phê phán truyền thống thì suy nghĩ của các em sẽ ra sao? Chắc chúng không thể tin những cơ cực bần hàn mà các bậc cha ông chúng ta phải sống.

Đúng là, học trò ngày nay (và không ít thành phần khác) vốn đã lãnh đạm chuyện xưa, nay lại cắt bớt những tác phẩm tố khổ trong nhà trường thì sao chúng hiểu được cuộc sống hôm nay do đâu mà có.

Xã hội của Chí Phèo, đêm trường tăm tối của dân tộc

Xã hội thực dân nửa phong kiến nếu tính từ năm 1884 từ khi nhà Nguyễn chấp nhận sự bảo hộ của Pháp đến tháng 9/1945 là 61 năm.

Tuy nhiên, trong 9 năm kháng Pháp (1946-1954) thì nhiều vùng miền bị pháp chiếm đóng cuộc sống vẫn như vậy.

Đó là cuộc sống mà mọi sung sướng thuộc về một số rất ít kẻ thống trị, còn số đông bị trị thì đói khổ quanh năm, nhiều khi, con người cũng rẻ như con vật (Chị Dậu bán cả con, cả chó không nộp đủ suất sưu của anh Hợi).

Ở đây, ta chỉ nói trong khuôn khổ xã hội Chí Phèo. Tác phẩm Chí Phèo được Nam Cao viết năm 1941, giai đoạn mà các trào lưu văn học phát triển rầm rộ.

Không dạy Chí Phèo, con cháu chúng ta chỉ biết cơm ngon và áo đẹp ảnh 2Tác phẩm Chí Phèo là sợi dây nối quá khứ với hiện tại, do đó thấu đến vị lai

Nam Cao chấp nhận nghèo đói mà viết theo tư tưởng văn học vị nhân sinh. Vì thế, tác phẩm của ông mới có sức sống mạnh mẽ đến ngày nay.

Quay lại cái xã hội của Chí Phèo. Kể về cái khổ của người nông dân thì không sao kể hết. Nam Cao chỉ phác họa một số nét mà giúp người đọc hình dung toàn bộ một cảnh sống bần hàn,

Xã hội gì mà trong làng chỉ tính đến mấy cụ chánh, ông lý, ông đội,… còn dân làng thì các cụ cho sống được sống, cho đi tù phải đi tù… Xã hội gì mà đi tù còn sướng hơn ở nhà vì đi tù còn có cơm ăn chứ ở nhà thì lo chết đói…

Quả đúng là xã hội ấy đi tù sướng hơn ở nhà thật vì ở nhà thì ruộng không có để cày, nhà không có để ở, nếu nợ nần thì bị cắm vườn, thậm chí đi ở suốt đời mà trừ không hết nợ,…

Kể về ngôi làng của Chí Phèo, Nam Cao viết: “Làng nào cũng có nhiều cánh, mỗi cánh kết bè kết đảng chung quanh một người: cánh cụ bá Kiến, cánh ông đội Tảo, cánh ông Tư Ðạm, cánh ông Bát Tùng... Bằng ấy cánh du lại với nhau để bóc lột con em, …ở cái đất nhà quê, bọn dân hiền lành chỉ è cổ làm nuôi bọn hào lý, …”

Tác phẩm Chí Phèo kể chuyện trong về làng Vũ Đại nhưng cái làng Vũ Đại ngột ngạt ấy phản ánh toàn cảnh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng 8/1945. Đó là đêm trường tăm tối của dân tộc.

Không dạy Chí Phèo, con cháu chúng ta chỉ biết “cơm ngon và áo đẹp”

Nhắc lại quá khứ đau buồn là điều không mong muốn. Nhưng để giáo dục tư tưởng chính trị học sinh, nhắc lại đêm trường tăm tối của ông cha là rất cần thiết.

Vấn đề này với lứa tuổi học sinh hơn hết chỉ có văn học và nhà trường. Ở đây, để hiểu cặn kẽ, từng góc cạnh, từng thôn xóm của cuộc sống xưa, môn Lịch sử không thay thế được văn học.

Đành rằng ngoài tác phẩm Chí Phèo, còn một số tác phẩm hiện thực phê phán khác là cầu nối giữa thế hệ trẻ với quá khứ nhưng Chí Phèo lại là cây cột lớn trong ngôi nhà tư tưởng văn học của chúng ta.

Thế hệ trẻ ngày nay quả là lớn lên trong no đủ. Không ít ông bố, bà mẹ (và còn một số người) cho rằng chúng cứ được ăn ngon, mặc đẹp, lớn lên đi làm có lương cao là được.

Nhưng đất nước ta ngày nay lại cần một lực lượng phải giỏi về chuyên môn kĩ thuật nhưng phải có tư tưởng chính trị vững vàng.

Chúng ta đã thoát khỏi xã hội của Chí Phèo, của làng Vũ Đại. Chúng ta cần giáo dục học sinh và cả chính chúng ta biết quý trọng cuộc sống hôm nay và giữ lấy nó.

Nhiệm vụ này thuộc về văn học nhà trường cùng với những tác phẩm giàu giá trị tư tưởng như Chí Phèo của Nam Cao.

Trần Trung Huy