Không gì nguy hiểm hơn một bác sĩ tồi còn mang mặt nạ nhân nghĩa

21/10/2014 12:12
Hồng Nhung
(GDVN) - Không có liên hệ nào giữa điểm số môn Văn và tính cách, năng lực khoa học của một con người. Chúng ta đang có nhầm lẫn giữa Ngữ văn và năng lực ngôn ngữ...

Trong khi nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước chưa chốt phương án tuyển sinh đại học năm 2015 thì xã hội cũng đang quan tâm đến đề xuất có nên hay không việc dùng môn Văn để xét tuyển vào ngành y dược.

Xung quanh đề xuất này, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều ý kiến của độc giả gửi đến bày tỏ quan điểm của mình. Dưới đây là phần ý kiến của một bác sỹ-đề nghị không nêu tên- gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Không có sự liên hệ giữa điểm số môn Văn và tính cách

Đang là một bác sĩ, đã từng theo học tập và tiếp xúc với nhiều sinh viên trường Y, một độc giả gửi ý kiến đến tòa soạn chứng minh việc có nên hay không nên dùng môn Văn để xét tuyển sinh viên y khoa.

Theo độc giả này: “Không có liên hệ nào giữa điểm số môn Văn và tính cách, năng lực khoa học của một con người. Điều này có thể chứng minh dễ dàng bằng phản chứng cũng như bằng lịch sử ngành Y khoa tại Việt Nam“.

Không gì nguy hiểm hơn một bác sĩ tồi còn mang mặt nạ nhân nghĩa ảnh 1

Nên hay không nên dùng môn Văn để xét tuyển vào ngành y dược? (Ảnh minh họa)

Vị bác sĩ này cũng cho biết, nhiều thế hệ thầy thuốc giỏi trong quá khứ không hề được tuyển chọn vào trường thuốc vì họ văn hay chữ tốt.

Lấy dẫn chứng về một người bạn mình quen, vị bác sĩ này cho biết cùng khóa học với mình ở trường Y có một anh bạn tính tình hiền lành, siêng năng. Lẽ ra anh bạn này được tuyển thẳng vào trường đại học Y với thành tích học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học, nhưng cuối cùng anh bạn này vẫn phải đi thì đại học vì bị điểm liệt môn Ngữ văn thi tốt nghiệp.

Kỳ thi đại học, anh bạn này trúng tuyển và theo học lâm sàng rất giỏi. Sau này, anh trở thành một bác sĩ nhi khoa tài năng và được nhiều bạn bè, đồng nghiệp yêu mến.

Câu hỏi đặt ra ở đây: “Chúng ta dạy điều gì và đang muốn kiểm tra điều gì ở học sinh trong kì thi với bài thi môn Ngữ văn? Tại sao một người lương thiện, siêng năng và thông minh lại xem môn Ngữ văn là cực hình hoặc chối bỏ nó?

Những người học y đều hiểu rõ là y học dựa trên tư duy khoa học tự nhiên, quy nạp, biện chứng chứ không phải diễn dịch như các môn khoa học xã hội.

Vị bác sĩ này cho rằng, có bốn môn khoa học cần thiết cho ngành y gồm sinh học, hóa học, vật lý và toán học. Ở đây, chúng ta đang có nhầm lẫn giữa Ngữ văn như một môn học và năng lực ngôn ngữ là một kỹ năng ai cũng cần phải có để sống trong xã hội văn minh hiện đại.

Sự khác nhau giữa lời nói, bài luận văn và việc làm thực tế

Đưa ra hai loại học sinh đạt điểm cao môn Ngữ văn trong các kì thi, gồm có: “Một là những người thực sự có năng lực cảm thụ văn học và có khả năng diễn đạt tốt, loại còn lại là những người có tâm hồn trống rỗng nhưng lại có khả năng đối phó rất khéo léo tài tình”, độc giả lưu tâm đến loại thứ hai (học sinh có tâm hồn trống rỗng, có khả năng đối phó rất khéo léo tài tình) để chứng minh xét tuyển bằng điểm số môn Văn không những không cần thiết mà còn có hại.

Vị bác sĩ – độc giả này có kể rằng, khi còn làm trợ lý cho một giáo sư tại Pháp, năm nào anh cũng đọc những lá thư của sinh viên y khoa gửi từ Việt Nam để xin học bổng, tìm chỗ làm nghiên cứu sinh. Tất cả những lá thư này đều viết rất khéo, có nội dung gần giống nhau, trong đó nguyện vọng và mục đích du học của các bạn trẻ này luôn là “muốn phát triển nền y học và giúp đỡ cho bệnh nhân tại quê nhà”.

Không gì nguy hiểm hơn một bác sĩ tồi còn mang mặt nạ nhân nghĩa ảnh 2Đề án đổi mới giáo dục phổ thông phải có căn cứ để Quốc hội quyết

Ông Đào Trọng Thi đề nghị hoàn chỉnh đề án chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là luận giải khoa học, để Quốc hội có đủ căn cứ ban hành Nghị quyết.

“Thực tế diễn ra là hoàn toàn trái ngược với điều đó” - bác sĩ này cho biết. Trong số chín du học sinh, chỉ có ba người trở về nước và hai trong số ba người về nước phải làm nghề trái với chuyên khoa mà học được học.

Sau này, khi liên lạc với các ứng viên làm nghiên cứu sinh, bác sĩ này luôn hỏi thẳng các ứng viên: “Mục đích thực sự của em là gì?”

Trở lại quãng thời gian học tập tại trường y khoa, bác sĩ này cũng gặp phải nhiều tình huống tương tự như vậy.  

Năm thứ nhất đại học tại trường y, bác sĩ và các tân sinh viên trong lớp được thầy giáo chủ nhiệm yêu cầu viết một bài văn ngắn giải thích động lực chọn ngành y khoa, cũng như ước mơ tương lai khi trở thành bác sĩ. 

Và, 100% các sinh viên quê ở vùng sâu vùng sa đã viết “muốn trở về công tác tại quê nhà”. Nhưng 6 năm sau, đa số những người này đều ở lại thành phố làm việc, lập gia đình.

Câu hỏi thứ hai được bác sĩ này đặt ra: “Chúng ta có đủ khả năng chọn lọc được giả và thật khi xét tuyển bằng môn Văn hay không?”

Cách dạy trong nhà trường đã vô tình tạo ra kiểu học, kiểu làm bài để đối phó với mục đích duy nhất là kiếm điểm cao và làm hài lòng thầy cô, người lớn. Thói quen này sẽ được học sinh áp dụng cho tất cả mọi việc khác khi trưởng thành.

“Mỗi lời nói ra, mỗi chữ viết xuống đều có sự tính toán, nhào nặn cho tròn trịa, khuôn phép, trong khi hành vi thực tế hoàn toàn khác (có thể do hoàn cảnh hay họ chủ động làm ngược với tất cả những gì họ nói và viết). Đề thi mở, đáp án mở không thể cải thiện được vấn đề này“ – vị bác sĩ này dẫn chứng thêm.

Với kinh nghiệm của một người từng trải qua thời học sinh, vị bác sĩ này cho rằng đề thi nghị luận xã hội, đề thi mở còn nguy hại hơn gấp nhiều lần những bài văn mẫu trước kia.

Lý giải điều này, bác sĩ giải thích: “Vì một đứa trẻ học thuộc trả bài thi vẫn còn có cơ hội để sống tử tế, ngay cả khi nó quên những gì đã học thuộc, nhưng một đứa trẻ học được cách nói dối một cách sáng tạo để làm hài lòng người lớn sẽ nói dối suốt cuộc đời, trong mọi việc. Không gì nguy hiểm hơn một bác sĩ có y đức tồi còn mang mặt nạ nhân nghĩa, đạo đức”.

Cuối cùng, bác sĩ này cho rằng: “Việc dùng môn Văn để xét tuyển vào trường y dược không những không cần thiết mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bệnh nhân sau này”.

Tại hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược tại Hà Nội ngày 10/10/2014, lãnh đạo một số trường Đại học y đề xuất sử dụng môn văn để xét tuyển vào trường y.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi Bộ GD-ĐT đã quy định toán - văn - ngoại ngữ là ba môn bắt buộc trong xét tốt nghiệp THPT thì các trường y cũng nên theo hướng chọn tổ hợp môn đó để xét tuyển và cộng thêm môn tự chọn là môn hóa với ngành dược, môn sinh với ngành y.Thí sinh định hướng thi ngành y - dược có thể chọn bốn môn xét tốt nghiệp cũng chính là bốn môn xét vào ĐH, chứ không phải thi thêm nhiều môn như khi các trường duy trì thi theo khối B.

Ông Vũ Đình Chính - hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương - khẳng định phương án mới không gây sốc vì toán - văn - ngoại ngữ chính là những môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, các em vẫn phải tập trung học.

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội: “Phương án này có thể thực hiện trong 2-3 năm tới khi chúng ta thông báo trước để các em chuẩn bị. Ngoài ra, chính Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải giữ ổn định khối thi truyền thống. Không thể đùng một cái là thay đổi khối thi, môn thi mà không để cho thí sinh chuẩn bị. Nếu không thực hiện kỳ thi theo hướng ổn định và nhân văn, tất yếu sẽ bị xã hội phản ứng”

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khánh (bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) cho rằng, "dùng môn Văn để xét đầu vào cho ngành Y là vô lý".

PGS Nguyễn Xuân Hùng, trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Việt Đức (Hà Nội): "Ngành Y mang tính chất thực hành, cần căn cơ, tư duy logic, khoa học ứng dụng, khoa học kỹ thuật. Ngữ văn không có các giá trị đó". (Tổng hợp)

Hồng Nhung