TS Văn Học Trịnh Thu Tuyết:

“Không ít đề thi vi phạm nguyên tắc tối thiểu về tri thức”

27/04/2012 11:29
Thu Hòe (thực hiện)
(GDVN) - TS. Trịnh Thu Tuyết: "Vẫn còn tồn tại không ít những dạng đề dễ dãi, không thể hiện sự đầu tư nghiêm túc của thầy, không tạo hứng thú, sự sáng tạo cho trò; thậm chí còn những đề thi vi phạm nguyên tắc tối thiểu cả về tri thức, giáo dục và thẩm mĩ, gây những hiệu ứng tiêu cực cho dư luận xã hội...".
Việc dạy và học văn trong các trường PT đang ngày càng có sự đổi mới cả về hình thức và chất lượng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tiêu cực vẫn hiện hữu đâu đó trong cách dạy và học văn ở một bộ phận thày và trò trong trường PT hiện nay. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với TS. Văn học Trịnh Thu Tuyết - Giáo viên dạy văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nọi) quanh câu chuyện đề thi văn và khả năng tư duy sáng tạo của học sinh.

TS. Văn học Trịnh Thu Tuyết, Giáo viên dạy văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)
TS. Văn học Trịnh Thu Tuyết, Giáo viên dạy văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)
- Thưa TS. Trịnh Thu Tuyết, bà nhận định như thế nào về cách dạy và học văn trong các trường phổ thông hiện nay?TS. Trịnh Thu Tuyết: Việc dạy và học văn trong các trường PT đang ngày càng có sự đổi mới cả về hình thức và chất lượng. Xu hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học trò trong tiếp nhận kiến thức, sự trải nghiệm, tâm huyết và khả năng cập nhật từ kiến thức tới khả năng ứng dụng những kĩ năng giảng dạy hiện đại của thầy đang tạo ra những thay đổi tích cực cho việc dạy và học văn trong trường PT. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tiêu cực vẫn hiện hữu đâu đó trong cách dạy và học văn ở một bộ phận thày và trò trong trường PT hiện nay. Đó là thực trạng dạy đọc – chép thuần túy sau những dẫn giải sơ lược của thày. Một thực tế nữa cũng khá phổ biến là việc học trò được học văn theo kiểu nghe giới thiệu sách, cưỡi ngựa xem hoa. Điều này được hiện hữu khá rõ trong những quyển vở ghi văn sơ sài, qua cách hiểu hời hợt, nông cạn của các em về những đơn vị kiến thức cơ bản nhất trong các tác phẩm văn chương.  Với một số môn học khác, nếu GV dạy sơ sài, ít nhất học trò còn có thể tự tìm hiểu kiến thức trong sách giáo khoa, riêng môn văn, khi trong sách giáo khoa chỉ có tác phẩm và những câu hỏi hướng dẫn học bài, các em sẽ rất khó khăn trong việc tự học.  - Theo bà, các đề thi văn trong các kỳ thi kiểm tra học kỳ, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã đạt đến độ chuẩn, hay, thỏa mãn 3 yếu tố: tri thức, văn hóa và thẩm mỹ hay chưa? TS. Trịnh Thu Tuyết: Có thể thấy khoảng vài năm gần đây, chất lượng đề thi văn trong các kì thi Quốc gia đã được dư luận khẳng định. Nhiều đề bài đã tạo được những hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội, nhất là với các câu hỏi nghị luận xã hội. Các yêu cầu về khoa học, giáo dục và văn hóa thẩm mĩ đã được lưu tâm. Sự xuất hiện những hướng khai thác mới đã tạo hứng thú và nhất là khả năng sáng tạo cho thí sinh; ví dụ câu hỏi yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận riêng của mình về một chi tiết nghệ thuật ( Đề thi khối D năm 2010); cảm nhận về một trạng thái tâm lí hoặc vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách nhân vật (Đề thi khối C năm 2009… Kiểu bài so sánh cũng được tăng cường như một cách kiểm tra khả năng cảm nhận tinh tế và các thao tác tư duy của thí sinh. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít những dạng đề dễ dãi, không thể hiện sự đầu tư nghiêm túc của thầy, không tạo hứng thú, sự sáng tạo cho trò; thậm chí còn những đề thi vi phạm nguyên tắc tối thiểu cả về tri thức, giáo dục và thẩm mĩ, gây những hiệu ứng tiêu cực cho dư luận xã hội. - Tiến sĩ quan niệm thế nào là một đề thi văn hay?TS. Trịnh Thu Tuyết: Một đề văn hay phải đảm bảo các yêu cầu về khoa học, giáo dục và thẩm mĩ được thể hiện ngay trong các yêu cầu về nội dung nghị luận, thao tác lập luận chính cho đến phạm vi tư liệu cần huy động. - Vậy theo bà, những đề văn không đạt chuẩn về tri thức sẽ có tác động như thế nào đến tư duy, sự phát triển, hình thành nhân cách, uốn nắn hành vi của học sinh?TS. Trịnh Thu Tuyết: Một đề văn không đạt sự chính xác trong yêu cầu về nội dung bàn luận sẽ làm khó cho thí sinh trong việc triển khai hệ thống luận điểm. Đề văn không khoa học tất nhiên sẽ không tìm được bài văn có sự khúc triết, khoa học. Những đề bài không đảm bảo yêu cầu về giáo dục và thẩm mĩ hoặc sẽ gây ức chế cho thí sinh khi làm bài, hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới nhân cách và năng lực thẩm mĩ của các em. Trường hợp này, đề bài càng tạo hứng thú bao nhiêu, càng có tác hại bấy nhiêu, các em sẽ có cảm giác được trang bị và đang tự trang bị công cụ lí luận cho sự lệch lạc trong nhân cách, hành vi của mình. “Giá trị” duy nhất của dạng đề thi này là giúp những người làm công tác giáo dục nhận ra thực trạng giáo dục đối với thế hệ trẻ, có thể thấy điều này qua con số thống kê trên các báo mạng những ý kiến tán thành hoặc phản đối một đề thi có vấn đề nào đó.- Việc ra những đề thi hay, nhất là những đề thi mở để học sinh thoải mái bày tỏ quan điểm, kiến thức của mình là quan trọng. Tuy nhiên, không phải đề thi mở nào cũng được đánh giá là hay (ví dụ như đề thi của ĐH FPT gây xôn xao dư luận những ngày qua). Bà đánh giá như thế nào về ranh giới giữa đề thi đóng và mở? giữa hay và nhạy cảm?TS. Trịnh Thu Tuyết: Những đề thi mang tính chất mở thường sẽ mang hình thức đóng (giấu kín quan điểm của người ra đề). Đó là những đề bài cho phép thí sinh có thể bộc lộ quan điểm của mình trong các vấn đề nghị luận mà không băn khoăn bởi những định hướng thấp thoáng trong ngôn từ, giọng điệu của đề. Cũng phải khẳng định thêm một điều, chỉ có sự phân biệt giữa đề đóng và mở, đề hay và dở, chứ không có sự phân biệt giữa đề hay và nhạy cảm! Và cũng như mọi ranh giới trong cuộc đời, ranh giới này nhiều khi chỉ cách nhau một sợi tóc của ngôn từ hoặc giọng điệu.
- PV: Với kinh nghiệm đứng lớp và có nhiều nghiên cứu về văn học, theo bà thì các trường PT cần làm gì để tăng hiệu quả dạy và học văn?
TS. Trịnh Thu Tuyết: Tôi quan niệm dạy văn giống như chèo thuyền đưa học sinh đến với một thế giới của Chân, Thiện, Mĩ. Lách con thuyền qua những rào cản của thời gian, của áp lực thi cử…, người thày giỏi vẫn có thể tạo ra hiệu ứng tích cực cho tâm thế học văn của các em. Cung cấp hệ thống kiến thức cơ bản trên nền chuẩn kiến thức của Bộ GD & ĐT, giúp học sinh nhận ra mạch logic bên trong của hệ thống cấu trúc bài, từ đó, dẫn dắt các em tới chủ đề tư tưởng của tác phẩm thông qua những suy ngẫm, liên tưởng, so sánh, khái quát… Nhiều ý kiến cho rằng học trò bây giờ chán học văn. Theo tôi, văn chương là cuộc đời, mà cây đời mãi mãi xanh tươi, cho nên, khi còn yêu đời, học sinh sẽ không bao giờ chán việc học văn nếu qua sự dẫn dắt của GV, các em được tăng cường khả năng thấu hiểu bản thân mình cũng như cuộc sống xung quanh. Để đạt được điều đó, ngoài kiến thức, sự trải nghiệm và khả năng sư phạm, GV luôn phải trung thực trước học trò, trung thực từ những cảm xúc văn chương cho tới sự mỏng dày của kiến thức, bởi học sinh thường phát hiện rất tinh những xúc cảm giả dối hoặc sự uyên bác ngụy tạo của GV!Trân trọng cảm ơn bà!
Thu Hòe (thực hiện)