Không kiểm soát sữa tươi nguyên liệu Sữa học đường, Hà Nội có thể phải trả giá

23/11/2018 10:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Các Mác nói, nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm. Các nhà buôn sữa bột pha lại còn lãi hơn rất nhiều.

Báo Dân Trí ngày 22/11/2018 có bài "Hà Nội: Đổi nhà cung cấp sữa học đường nếu sản phẩm không đạt", bài viết cho biết:

Báo cáo của Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả khảo sát công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố yêu cầu đánh giá hiệu quả việc triển khai đề án thực hiện Chương trình "Sữa học đường" định kì hàng năm.

Văn bản này cũng đề nghị Sở Y tế tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức lựa chọn sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 

Phối hợp với các bên liên quan giám sát việc cung ứng sữa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn thực phẩm. Hướng dẫn xây dựng quy trình giám sát, giải quyết ngộ độc thực phẩm và triển khai giám sát khi xảy ra sự cố.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đề án triển khai chương trình Sữa học đường trên địa bàn Thủ đô Chử Xuân Dũng phát biểu, ảnh: hanoi.gov.vn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đề án triển khai chương trình Sữa học đường trên địa bàn Thủ đô Chử Xuân Dũng phát biểu, ảnh: hanoi.gov.vn.

Báo cáo nhấn mạnh: “Sở Y tế chủ trì thực hiện kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm sữa định kì và đột xuất.

Khi phát hiện ra sản phẩm không đạt yêu cầu, cần có kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố thay đổi nhà cung cấp sữa; Chỉ đạo đánh giá thể lực trẻ theo từng giai đoạn”.

Cũng theo báo cáo này, Sở Y tế cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn kiểm tra, giám sát chất lượng sữa của nhà cung cấp, đánh giá hiệu quả của chương trình hàng năm. [1]

Quản lý nhà nước kiểu bỏ gốc theo ngọn, rủi ro trẻ em lãnh đủ

Công cụ quản lý nhà nước để đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp vì lợi nhuận đánh tráo sữa bột pha lại làm hỏng ý nghĩa nhân văn của chương trình này, chúng tôi đã phân tích trong 2 bài viết trước:

"Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu sữa học đường, viết lại đề bài"; "Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu".

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn đóng vai trò quyết định trong việc lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm phục vụ Sữa học đường;

Với bài thầu được viết sẵn cho doanh nghiệp mạnh về sữa bột chứ không phải sữa tươi, nguy cơ sản phẩm bị đánh tráo thành sữa bột pha lại hoặc sữa tươi pha loãng ngày càng hiện hữu.

Điều này không phải chưa từng xảy ra.

Không kiểm soát sữa tươi nguyên liệu Sữa học đường, Hà Nội có thể phải trả giá ảnh 2

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Năm 2006, Bộ Y tế cũng đã từng thanh tra, xử phạt nhiều doanh nghiệp hô biến sữa bột pha lại thành sữa tươi để bán cho người tiêu dùng nhằm trục lợi.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam hiện nay, thời điểm đó là Chánh thanh tra Bộ Y tế, đã từng ký văn bản gửi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng.

Báo Tuổi Trẻ ngày 15/12/2006 dẫn lời ông Trần Quang Trung, cho biết:

Tháng Mười năm 2006, thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra sáu doanh nghiệp sản xuất sữa nước. Kết quả cho thấy sản phẩm sữa tươi tiệt trùng nguyên chất của một hãng sữa lớn có tên không đúng với hồ sơ công bố chất lượng. 

Với mặt hàng sữa tiệt trùng, kết quả kiểm tra bốn công ty cho thấy hồ sơ công bố đều ghi thành phần có sữa tươi, nhưng thực tế chỉ có...15-66% mẻ sản phẩm có sữa tươi. 

Có những sản phẩm, lượng sữa tươi chỉ chiếm... 2,2% tổng nguyên liệu. Thanh tra Bộ Y tế nhận định việc ghi nhãn sản phẩm sữa tươi tiệt trùng hầu hết không phù hợp với thực tế sản xuất. [2]

Báo Nhân Dân ngày 10/11/2006 cũng có bài "Phép mầu" của sữa, phê phán cách làm trục lợi từ người tiêu dùng của các doanh nghiệp hô biến sữa bột pha lại thành sữa tươi bằng sự mập mờ.

Đáng lẽ một đề án có ý nghĩa nhân văn, cao đẹp như Chương trình Sữa học đường phải là công cụ để Nhà nước thắt chặt kiểm soát đầu vào nguồn cung cấp sữa tươi nguyên liệu để lập lại trật tự ngành Sữa;

Đồng thời đây cũng là cơ hội để trả lại đúng tên gọi, thành phần nguyên liệu và giá trị từng dòng sản phẩm sữa dạng lỏng để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em, và giúp doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

Nhưng cách làm của Hà Nội khi giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo làm đơn vị mời thầu, những công cụ kỹ thuật và pháp lý này đã bộc lộ nhiều lỗ hổng. 

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao đổi với báo chí về chương trình Sữa học đường tại Hà Nội ngày 14/9/2018, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến trao đổi với báo chí về chương trình Sữa học đường tại Hà Nội ngày 14/9/2018, ảnh: Báo Kinh tế và Đô thị.

Nếu chỉ giao cho Sở Y tế Hà Nội tham mưu phối hợp, nhưng nơi ra đầu bài lại là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thì giải pháp này chỉ mang tính chất ứng phó với dư luận, khó có giá trị thực tiễn.

Để triển khai bài bản, hiệu quả chương trình Sữa học đường, mang lại cơ hội cải thiện dinh dưỡng, chiều cao và cân nặng của trẻ em Thủ đô trong lứa tuổi vàng, nhất thiết phải đảm bảo ly sữa đến tay các em là sữa tươi đúng nghĩa, đảm bảo chất lượng, an toàn và đồng nhất.

Tin tưởng vào doanh nghiệp không có gì xấu, nhưng ở góc độ quản lý nhà nước, phải có công cụ kiểm soát quy trình, chứ không phải chỉ xem nhãn mác sản phẩm cuối cùng, bởi bài học năm 2006 hoàn toàn có thể lặp lại, vì lợi nhuận từ sữa bột pha lại bán với tên gọi "sữa tiệt trùng" rất lớn.

Sữa bột pha lại và sữa tươi khác nhau như thế nào?

Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam được Báo điện tử Tổ quốc ngày 4/11/2018 dẫn lời cho rằng:

Thông lệ quốc tế không có sự phân biệt loại sữa cho học đường mà chỉ quan tâm đến thành phần dinh dưỡng, lợi ích của của từng loại sữa.

Chính vì vậy, Hiệp hội sữa Việt Nam đã khuyến nghị chỉ nên xây dựng một tiêu chuẩn chung về mặt dinh dưỡng cho lứa tuổi thụ hưởng chứ không phân biệt loại sữa để nhằm đảm bảo sân chơi công bằng và lành mạnh cho các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường.

Ông Trần Quang Trung cho hay, việc ban hành quy chuẩn với sản phẩm sữa tươi sẽ dẫn đến việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác trong khi nhiều sản phẩm sữa trên thị trường hiện nay vẫn có thể đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng của Chương trình sữa học đường. [3]

Không kiểm soát sữa tươi nguyên liệu Sữa học đường, Hà Nội có thể phải trả giá ảnh 4

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu

Khi đưa ra đề xuất bổ sung các loại "sữa dạng lỏng" khác vào Chương trình Sữa học đường cùng với các giải thích trên đây, có lẽ Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Quang Trung đã quên sự việc nhập nhèm của các doanh nghiệp sữa hô biến sữa bột pha lại thành sữa tươi, lừa người tiêu dùng năm 2006 mà Phó giáo sư đã thanh tra?

Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ tiên tiến, nhắc đến sữa dạng lỏng sử dụng cho người tiêu dùng hàng ngày, đó là sữa tươi, không phải sữa bột pha lại, từ hàng chục năm nay chứ không phải bây giờ. [4]

Về mặt dinh dưỡng, sữa bột pha lại và sữa tươi pha loãng không thể so sánh với sữa tươi. 

Sữa bột pha lại phải trải qua quy trình xử lý 2 lần gia nhiệt. Lần thứ nhất, công nghệ phun sấy để sản xuất sữa bột từ sữa tươi nguyên liệu đã làm mất các axit amin thiết yếu.

Khi nhập khẩu sữa bột gầy về pha lại, công nghệ tiệt trùng bằng gia nhiệt lần 2, các axit amin trong sữa còn lại được bao nhiêu, điều này có lẽ chuyên gia trong ngành như Phó giáo sư Trần Quang Trung thừa hiểu.

Đấy là chưa kể, về nguyên tắc theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7029:2009 về sữa hoàn nguyên tiệt trùng và sữa pha lại tiệt trùng, do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, thì:

Sữa pha lại (hiện nay vẫn được gọi là sữa tiệt trùng) không sử dụng các chất béo thực vật hoặc vi chất hóa tổng hợp để bổ sung, mà phải là chất béo sữa và chất khô của sữa không béo (sữa gầy).

Nhưng ngay từ những năm 2006, có một thực tế đáng buồn là các doanh nghiệp rất ít đầu tư cho nghiên cứu, tìm công thức sản xuất sữa tối ưu cho người Việt Nam, mà chủ yếu tìm mua trên mạng rồi nhập khẩu bột sữa gầy về pha trộn vitamin tổng hợp, các chất hóa tổng hợp khác rồi đóng hộp, quảng cáo và bán ra thị trường.

Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 15/10/2006 dẫn lời Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Đáng thừa nhận có hiện tượng doanh nghiệp nhập dầu cọ để tạo độ béo trong sữa, thay thế chất béo sữa đã được tách trước đó. [5]

Tình trạng ấy vẫn kéo dài đến hiện nay, bởi chưa có công cụ nào kiểm soát quy trình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất sữa tươi từ khâu sản xuất sữa tươi nguyên liệu.

Không kiểm soát sữa tươi nguyên liệu Sữa học đường, Hà Nội có thể phải trả giá ảnh 5

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu sữa học đường, viết lại đề bài

Bài viết "Nóng chuyện "sữa dạng lỏng khác" cho sữa học đường" đăng trên Báo Dân Trí ngày 31/10/2018, cho biết:

Hiện nay, giá sữa bột gầy (là loại sữa sau khi phun sấy khô đã tách hết chất béo và mất một số vi chất dinh dưỡng do gia nhiệt) chỉ khoảng 1.700 USD/tấn. 

Sau khi nhập khẩu về, các loại sữa bột này được bổ sung thêm dầu thực vật, đường, hương vị và đóng gói. Tính chi phí trên 1 ly sữa bột pha lại chỉ hơn 2.000 đồng.

Hà Nội đưa ra mức giá bán lẻ dự kiến cho một hộp sữa 180 ml là 6.800 đồng, nếu doanh nghiệp trúng thầu với bài thầu hiện nay của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thì đó là một món hời siêu lợi nhuận.

Kể cả doanh nghiệp trúng thầu có "hỗ trợ" 20% đi nữa, thì giá bán lẻ đến tay học sinh vẫn trên 4.000 đồng / 1 hộp 180 ml. Đây phải chăng là của người phúc ta?

Trong trường hợp này, chữ "hỗ trợ" đã bị lạm dụng, nhà thầu lợi đơn lợi kép (kinh tế và thương hiệu).

Vì thế, con số hàng trăm tỉ chênh lệch giá bỏ thầu giữa 2 nhà thầu chưa nói lên điều gì về lợi ích cho người thụ hưởng là trẻ em, một khi mặt bằng kỹ thuật sản phẩm không đồng nhất và có nhiều kẽ hở.

Những hiện thực này một lần nữa củng cố thêm nhận định của Các Mác, rằng nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm. [6]

Hà Nội không kiểm soát quy trình, mà chỉ quan tâm tới sản phẩm đầu ra cuối cùng là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu sữa bột pha lại, và cũng tạo ra rủi ro lớn cho người sử dụng là thế hệ tương lai.

Với cung cách quản lý nhà nước như vậy, làm sao có thể lấy được lòng tin của cha mẹ học sinh, kích thích sản xuất trong nước phát triển và đảm bảo ly sữa học đường đến tay các em là sữa tươi sạch, đồng nhất và đúng nghĩa?

Thiết nghĩ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nên xem lại quá trình triển khai, đặc biệt là đơn vị mời thầu hoàn toàn không có chuyên môn gì về sữa tươi, lẫn bài thầu được dọn sẵn cho doanh nghiệp có thế mạnh về nhập khẩu sữa bột.

Bởi lẽ ngoài đồng vốn quý báu từ ngân sách Thủ đô phải được sử dụng một cách minh bạch và hiệu quả tối đa, sản phẩm Sữa học đường Hà Nội có phải ly sữa tươi sạch, an toàn và đồng nhất hay không, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ em Hà Nội, sức bật tương lai của Thủ đô.

Được biết trước ma trận sữa dạng lỏng nhập nhèm tên gọi hiện nay khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sữa tươi, đâu không phải sữa tươi, thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Y tế xây dựng hồ sơ mời thầu nhà cung cấp chương trình Sữa học đường.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất mời Sở Tư pháp tham gia.

Đó là cách làm rất thận trọng và cần thiết, tránh nguy cơ để các doanh nghiệp có thể mạnh nhập khẩu sữa bột pha lại móc ngoặc với một số người đưa sản phẩm không đảm bảo chất lượng theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 08/07/2016 của Thủ tướng, Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/09/2016 của Bộ Y tế về sản phẩm cho Sữa học đường phải là SỮA TƯƠI.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng nên có quan điểm chính thức bảo vệ chất lượng ly sữa tươi phục vụ cho chương trình, tránh để những nhóm lợi ích sữa bột tác động làm thay đổi bản chất sản phẩm.

Lợi ích của trẻ em trong chương trình này mới là tối thượng, và phục vụ tốt thế hệ trẻ của Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất sữa tươi làm ăn chân chính.

Không thể vì bảo vệ lợi ích của nhóm doanh nghiệp sữa bột vốn quen hưởng lợi từ sự nhập nhèm của tên gọi "sữa tiệt trùng", mà làm hỏng chương trình nhân văn này.

Nguồn:

[1]https://dantri.com.vn/su-kien/ha-noi-doi-nha-cung-cap-sua-hoc-duong-neu-san-pham-khong-dat-20181122165828081.htm

[2]https://tuoitre.vn/phai-cong-bo-san-pham-sua-tuoi-sua-tiet-trung-khong-dung-nhan-mac-177890.htm

[3]http://toquoc.vn/sua-hoc-duong-lam-the-nao-de-dam-bao-san-choi-cong-bang-cho-doanh-nghiep-20181103155445697.htm

[4]https://nld.com.vn/kinh-te/sua-tuoi-tiet-trung-78-la-sua-bot-165865.htm

[5]https://tuoitre.vn/su-that-cua-sua-tuoi-nguyen-chat-167011.htm

[6]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2009/2385/Khung-hoang-kinh-te-toan-cau-tu-goc-nhin-loi-ich.aspx

Hồng Thủy