"Không nên coi sách giáo khoa là trọng tâm đổi mới giáo dục"

04/10/2012 06:56
Xuân Trung
(GDVN) - PGS.TS Khổng Doãn Điền: “Lớp thầy giáo dạy chúng tôi những năm 50 của thế kỷ trước đâu có được trình độ như thầy giáo hiện nay, trường không ra trường, lớp không ra lớp… nhưng chúng tôi ra quốc tế không hề thua chị, kém em? Tại sao lại như vậy?”.
PGS.TS Khổng Doãn Điền (Hội Cơ học Hà Nội), tham gia công tác giảng dạy lâu năm ở các trường đại học so sánh như vậy. PGS Điền cho rằng, khi bàn về việc đổi mới giáo dục cần thấy rằng nền giáo dục đã đạt được những thành tựu vĩ đại, bằng chứng là các lớp học trò của ông đã trải qua bao khó khăn, thăng trầm của thời cuộc nhưng không hề thua kém bất cứ ai, bất cứ bạn bè quốc tế nào và đã có một thời “thầy ra thầy, trò ra trò”.

Vậy, tại sao khi đánh giá nền giáo dục hiện nay chúng ta không tự hỏi: Tại sao thời đó giáo dục lại có được những thành tựu như thế?
Và, dưới góc nhìn của một người thầy PGS.TS Khổng Doãn Điền cho biết, việc đổi mới nền giáo dục Việt Nam không nên đi từ việc “viết sách giáo khoa” mà nên đi từ yếu tố con người. Đó là việc xây dựng lại tiêu chuẩn đạo đức của lớp thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục sao cho cố bằng lớp thầy giáo và cán bộ quản lý thời của ông.
PGS Khổng Doãn Điền nhấn mạnh: “Tôi là một người “đang lội nước”, chứ không phải là người “đứng trên bờ” chọc gậy xuống nước để khen nước ấm, bắt người khác lội”. Ảnh Xuân Trung
PGS Khổng Doãn Điền nhấn mạnh: “Tôi là một người “đang lội nước”, chứ không phải là người “đứng trên bờ” chọc gậy xuống nước để khen nước ấm, bắt người khác lội”. Ảnh Xuân Trung

“Điều này là cần thiết hơn cả, khi đã có một lớp người làm giáo dục với lương tâm trong sạch thì hãy tính đến các bước tiếp theo, việc đó không khó lắm” - PGS Điền nhấn mạnh.

Trước đó, nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ sự băn khoăn về dự án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông để triển khai thí điểm vào năm 2017, liệu đề án này có giải quyết được những bất cập trong sách giáo khoa hiện nay không? Sách giáo khoa có phải là trọng tâm của chương trình đổi mới giáo dục?

Theo quan điểm của PGS.TS Khổng Doãn Điền, đừng coi sách giáo khoa là trọng tâm của đổi mới giáo dục. Ông không đồng tình với dự án cho sách giáo khoa lớn như vậy, bởi việc đào tạo con người là quan trọng trên hết, từ lâu vẫn được coi là một phương châm của giáo dục cách mạng Việt Nam.

“Số tiền dự định cho sách giáo khoa nên dành để đầu tư cho trường, lớp ở vùng sâu, vùng xa và miền núi. Tôi đã nhiều lần chứng kiến sự gian khổ của các thầy cô giáo miền xuôi lên miền núi “cắm bản”, cần phải cho họ sự ưu tiên nhất định, nếu không làm được điều đó thì chưa ổn”, PGS Khổng Doãn Điền nói.

Để rút lại điều mình muốn chia sẻ với Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XI), PGS Khổng Doãn Điền nhấn mạnh: “Tôi là một người 'đang lội nước', chứ không phải là người 'đứng trên bờ' chọc gậy xuống nước để khen nước ấm, bắt người khác lội”.

Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu đề nghị: Cần làm lại chương trình các môn, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống. Ảnh: Xuân Trung
Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu đề nghị: Cần làm lại chương trình các môn, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống. Ảnh: Xuân Trung

Cũng góp ý cho Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XI của Đảng đang diễn ra tại Hà Nội, Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu cũng chia sẻ về những thành tựu mà thời của ông đã đạt được trong việc làm sách giáo khoa. Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu cho rằng, từ những năm 1956 Bộ Giáo dục đã cho thành lập Ban Tu thư, ban này có hai nhiệm vụ chính là: Biên soạn chương trình sách mới theo hệ thống giáo dục phổ thông là 10 năm (4 năm cấp một, 3 năm cấp hai, 3 năm cấp ba) và viết sách  giáo khoa mới các môn từ lớp 1 đến lớp 10.
Cách làm sách giáo khoa thời đó, khi biên soạn chương trình mới yêu cầu các tổ phải trao đổi với nhau để thống nhất mức độ các môn học ở từng cấp, từng lớp, kể cả danh từ chuyên môn và cách hành văn.

Chương trình mới của mỗi môn học đều cấu tạo thống nhất gồm ba phần: Chương trình, giải thích chương trình và phân phối chương trình.  Sách giáo khoa thường phải có ít nhất 2 người biên soạn, khi cần có thể mời thêm một số giáo viên giỏi tham gia biên soạn.

Theo kinh nghiệm của Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, khi viết sách giáo khoa phải làm tập trung, không cuốn chiếu, chia giai đoạn, trong quá trình làm việc thường xuyên trao đổi giữa các môn, các cấp, kể cả Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội, phải coi như một gia đình đoàn kết. 

Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu cũng chia sẻ, các sách giáo khoa các cấp thời đó làm ra có nhiều thế hệ học sinh học được, không phải thay đổi liên tục như hiện nay, điều đó cho thấy rằng cách làm sách bây giờ đang lãng phí.

Từ kinh nghiệm của mình, Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu đề nghị: Cần làm lại chương trình các môn, mạnh dạn bỏ những nội dung ôm đồm, không thiết thực, xa rời thực tiễn, không phục vụ cuộc sống, thiếu hệ thống trong từng cấp và giữa các cấp, giữa các môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.

GS Nguyễn Lân Dũng – người có chuyên môn sâu trong chuyên ngành sinh học cũng dẫn chứng, sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông chương trình không hợp lý, có nhiều vấn đề nhưng các vấn đề đưa ra đều rất nông. “Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông của các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào, vừa nặng lại vừa thấp. Có lẽ do chịu ảnh hưởng của sách giáo khoa Sinh học trước đây của Liên Xô”, GS Lân Dũng nhận định.

GS Nguyễn Lân Dũng cũng nêu quan điểm, khi đã có chương trình sách mới cần thông qua một Hội đồng Quốc gia đầy đủ tín nhiệm, mục đích cho các nhóm tác giả và các nhà xuất bản cạnh tranh qua chất lượng qua các bộ sách giáo khoa khác nhau. Bộ sách nào hay sẽ được tái bản nhiều lần (và ngược lại): “Tôi mong có thể làm ngay mà không cần phải đợi đến năm 2015”, GS Dũng bày tỏ.

Trước hội nghị Trung ương 6, vấn đề đổi mới giáo dục lại một lần nữa trở thành "điểm nóng". Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước… tuy nhiên sau ba lần hô hào đổi mới thì cho tới nay nền giáo dục nước nhà vẫn còn bộc lộ quá nhiều bất cập. Đó là lý do vì sao Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chuyên đề “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam”.

Mời các chuyên gia, độc giả quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam gửi bài về toàn soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

Xuân Trung