Không oai nhưng là "vua một cõi", ai muốn về Phòng, lên Sở làm gì?

20/04/2017 07:28
Nguyễn Cao
(GDVN) - Khi về Phòng, Sở mà phụ trách một số bộ phận chỉ có những đồng lương hành chính sự nghiệp thì nhiều người “sợ” cũng là điều tất yếu.

LTS: Trao đổi về vấn đề "Vì sao cán bộ, giáo viên sợ lên Phòng, về Sở?", với góc nhìn của một giáo viên, thầy Nguyễn Cao cho rằng phần đông đối tượng được điều chuyển lên Phòng, Sở là cán bộ quản lý các trường.

Với việc mất đi những quyền lợi ở trường học, các cán bộ quản lý sợ về Phòng hay Sở cũng là lẽ đương nhiên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Không hiểu sao, khi đọc bài viết "Vì sao cán bộ, giáo viên sợ lên Phòng, về Sở?" của tác giả Sông Trà đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 19/4, chúng tôi lại liên tưởng đến nhân vật Từ Hải trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - một tác phẩm được xem là “vô tiền khoáng hậu” của nền văn học Việt Nam.

Khi bị Hồ Tôn Hiến tìm cách mua chuộc, Từ Hải rất tự hào mà nói rằng "Một tay gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành".

Từ Hải cũng nghĩ đến nỗi sự bỡ ngỡ lạc lõng khi phải: "Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu/ Áo xiêm ràng buộc lấy nhau/ Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?” 

Bởi ông đã tự khẳng định: "Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này đã dễ làm gì được nhau" và cương quyết với thái độ: "Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai". 

Thế nhưng, vì những lời tỉ tê thuyết phục của Thúy Kiều mà Từ Hải qui hàng để rồi phải chết đứng giữa trận tiền. Nhưng, đó là chuyện xưa, chuyện trong văn học.
    
Còn nay thì sao? Nếu so sánh Từ Hải với những cán bộ, giáo viên mà đặc biệt là các vị Hiệu trưởng khi lên Phòng, về Sở thì khập khiễng vô cùng vì mỗi thời đại mỗi khác, vị thế cũng khác nhau. 

Thế nhưng, chúng tôi muốn liên hệ ở khía cạnh những Hiệu trưởng đang “tung hoành một cõi” nay về làm chuyên viên, phải dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của nhiều người, lương, phụ cấp bị giảm bớt mà phải mất đi một số nguồn thu thì không “sợ” mới là lạ.

Cán bộ, giáo viên nhiều người sợ bị điều chuyển lên Phòng hay Sở Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh mang tính minh họa trên Danviet.vn)
Cán bộ, giáo viên nhiều người sợ bị điều chuyển lên Phòng hay Sở Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh mang tính minh họa trên Danviet.vn)

Vì cớ gì mà một số cán bộ và giáo viên lại “sợ lên Phòng, về Sở”, việc được điều động lên Phòng, về Sở là đúng với qui trình điều động, bổ nhiệm của tổ chức và việc này đáng ra phải vui bởi vì được lên chức thì tất vì sao lại phải “sợ”? 

Bài viết của tác giả Sông Trà đã phân tích rất kĩ với hàng loạt thông tư, hướng dẫn về chế độ, về sự thua thiệt của những người được điều chuyển nên người phản biện bài này không đề cập lại nữa. 

Tuy nhiên, với một góc nhìn khác, chúng tôi muốn nói thêm một số nguyên nhân mà một số cá nhân “sợ” khi “bị” lên chức.
   
Chúng ta đều biết, khi người được điều lên Phòng hay về Sở thì thường là những lãnh đạo, quản lí của các nhà trường. 

Nhất là các Phòng vì mỗi bộ phận chỉ có một người nên phần lớn là điều các Hiệu trưởng và một số Phó Hiệu trưởng lên, giáo viên dạy lớp bình thường thì rất hiếm.

Đối với cấp Sở thì các Trưởng, Phó phòng trở lên cũng phần lớn là Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông và các cán bộ từ Phòng Giáo dục.

Chỉ có một số chuyên viên là điều các giáo viên và các Tổ trưởng chuyên môn lên (nhưng không nhiều).
   
Chính vì cách điều động như trên nên phần lớn các cán bộ, chuyên viên của Phòng, Sở đều là các cán bộ chủ chốt của các trường. Họ không muốn được về trên cũng là một lẽ đương nhiên. 

Vì sao vậy? Nhiều Hiệu trưởng nói vui khi bị điều chuyển về cấp Phòng, Sở gọi là “lên” chức nhưng thực chất là “xuống”. 

Những chức vụ chủ chốt như Trưởng, Phó Phòng giáo dục hay Giám đốc, Phó Giám đốc Sở thì chỉ có một vài vị trí mà qui trình bổ nhiệm rất nghiêm ngặt và đòi hỏi rất nhiều những tiêu chuẩn. Nên, phần nhiều các cán bộ cơ sở khi lên Phòng lên Sở là trở thành một chuyên viên. 

Không oai nhưng là "vua một cõi", ai muốn về Phòng, lên Sở làm gì? ảnh 2

Vì sao cán bộ, giáo viên sợ lên Phòng, về Sở?

Vì thế, cấp trên trực tiếp của mình thì nhiều, những người bằng mình thì vô kể mà những người cấp dưới của mình thì gần như… không có, nhất là ở các bộ phận của Phòng Giáo dục chỉ có biên chế 1 người.
   
Còn, làm Hiệu trưởng nghe có vẻ không “oai” bằng công tác ở Phòng hay Sở nhưng lại là “vua một cõi”.

Cấp trên của mình thì rất xa, năm thì mười họa mới về một lần, dưới mình thì có vô vàn. 

Mỗi tiếng nói của mình đều là mệnh lệnh, cấp dưới phục tùng răm rắp. Lại là chủ tài khoản hàng nhiều tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, các loại quĩ vận động xã hội hóa giáo dục. 

Quyền hành ở trong tay, muốn gì được nấy. Đó là chưa kể hàng chục loại “hoa hồng” của các dịch vụ trong năm học, rồi phần trăm của các lớp dạy thêm đương nhiên được hưởng. 

Ngoài ra, các ngày lễ, tết, một số Hiệu trưởng của một số địa phương mặc sức hưởng quà của cấp dưới. 

Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều Hiệu trưởng không cần phải mua sắm gì mà trong nhà không thiếu một thứ gì. Từ đặc sản trên rừng, dưới biển đã có anh em trong đơn vị mang biếu.

Thử hỏi, đang ở trong vị trí như vậy thì khi bị điều chuyển về Phòng hay Sở ai mà không tiếc, không “sợ”!
    
Không phải là tất cả nhưng phần lớn các lãnh đạo khi điều chuyển lên Phòng, Sở, họ sợ vì nhiều khoản phụ cấp bị cắt thì ít mà sợ bị mất nhiều khoản thu nhập khác thì nhiều.

Bởi thực chất, lương chỉ là một phần trong tổng thu nhập của một số Hiệu trưởng. 

Ngoài ra, uy quyền của họ cũng không còn được nhiều người tôn sùng như trước. Bởi, theo cơ cấu tổ chức của Sở và các Phòng Giáo dục hiện nay thường có cơ cấu như sau:

Không oai nhưng là "vua một cõi", ai muốn về Phòng, lên Sở làm gì? ảnh 3

Lãnh đạo nhà trường sa sút, yếu kém, hư hỏng, trì trệ, tiêu cực vì đâu?

Đối với cấp Sở có Ban Giám đốc; Văn phòng; Thanh tra; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Chính trị, tư tưởng; Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên;

Phòng Giáo dục Tiểu học; Phòng Giáo dục Mầm non; Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp và Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục; Phòng Công nghệ thông tin và Quản lý Thư viện - Thiết bị…

Với phạm vi quản lí rộng nên mỗi phòng của Sở có một Trường phòng, 1-2 phó Trưởng phòng và một số chuyên viên.
    
Đối với cấp Phòng thì có Ban lãnh đạo (Trưởng phòng và không quá 03 Phó Trưởng phòng); Bộ phận Văn phòng; Bộ phận Tổ chức cán bộ ; Bộ phận Kế hoạch - Tài chính; Bộ phận Giáo dục mầm non;

Bộ phận Giáo dục tiểu học; Bộ phận Giáo dục trung học cơ sở; Bộ phận phổ cập; Bộ phận công đoàn; Bộ phận Đoàn Đội; Bộ phận Nghiệp vụ - Thiết bị…

Ở cấp Phòng có phạm vi quản lí hẹp nên ngoài Ban lãnh đạo và Bộ phận kế hoạch - Tài chính ra thì các bộ phận khác thường chỉ có 01 người đảm trách.
    
Chuyện một số cán bộ được điều động về Phòng, Sở bị cắt một số phụ cấp thực tế là một thiệt thòi, nhất là phụ cấp thâm niên nhà giáo. 

Khi về Phòng, Sở mà phụ trách một số bộ phận chỉ có những đồng lương hành chính sự nghiệp thì nhiều người “sợ” cũng là điều tất yếu. 

Tuy nhiên, phải nói rằng khi về Phòng, về Sở họ cũng có rất nhiều khoản thu nhập thêm. Cứ nhìn vào các cuộc thi triền miên, vô tận của cả học sinh và giáo viên chúng ta sẽ cảm nhận được điều này. 

Không oai nhưng là "vua một cõi", ai muốn về Phòng, lên Sở làm gì? ảnh 4

Chỉ cần nói "cán bộ phòng" thì Ban giám hiệu đã...sợ chết khiếp!

Ngoài ra, khi họ đi cơ sở cũng có thêm chế độ công tác phí, phụ cấp. Khi tập huấn các lĩnh vực mà mình phụ trách cũng có một chế độ tương xứng.

Đó là chưa nói một số vị trí của Phòng, Sở được xem là “màu mỡ” như Phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Công đoàn…
     
Để kết thúc bài viết, chúng tôi nghĩ rằng khi đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục, khi đã là công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì mọi người đều phải phục tùng theo tổ chức. 

Những thầy cô giáo, những cán bộ chân chính, liêm khiết thì về đâu cũng không “sợ”.

Sự công bằng tuyệt đối thì e chưa có nhưng về tương đối thì các chế độ, quyền lợi của mọi cá nhân đã được Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tương đối mới ban hành các văn bản để các cấp thực hiện.

Nguyễn Cao