Không thoát khỏi kiếp bao cấp, giáo dục đại học vẫn là "vùng trũng" của thế giới

11/07/2016 07:16
Ngọc Quang
(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã chia sẻ: "Nhà trường phải trang bị kiến thức cho sinh viên để làm việc, nhưng quan trọng hơn phải dạy cho các em thành người tử tế".

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, cần phải thúc đẩy nhanh hơn nữa, giúp các trường đại học, cao đẳng công lập hoàn toàn tự chủ.

Khi các trường tự chủ thành công sẽ dẫn tới hai cái lợi rất lớn: Thứ nhất, chất lượng đào tạo của các trường tự khắc phải nâng lên thì mới thu hút được sinh viên, cũng có nghĩa là trình độ của những người thầy phải liên tục được nâng cao.

Thứ hai, nhà nước không còn phải chi tiền bao cấp quá lớn như hiện nay, thay vào đó khoản tiền ấy hoàn toàn có thể đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản và một số ngành đặc thù mà nhà nước sẽ phân công lao động.

Tiếp tục bao cấp sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy

Vấn đề tách các trường đại học ra khỏi cơ quan chủ quản (bộ, ngành, UBND tỉnh…) đã được đặt ra từ năm 2005, nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, cho tới nay vẫn đang có tới 80% các trường đại học, cao đẳng hưởng ngân sách nhà nước.

Sự chậm trễ trong việc tách các trường đại học, cao đẳng ra khỏi cơ quan nhà nước gây ra hệ lụy gì cho nền giáo dục?

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, tự chủ đại học (dù hiện nay mới ở giai đoạn đầu và ở những mức độ khác nhau), nhưng cần phải khẳng định đó là hướng đi đúng đắn và phải có các biện pháp thúc đẩy nhanh hơn nữa nhằm thay đổi hoàn toàn chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng công lập.

“Chỉ khi có quyền tự chủ thì các trường mới thực sự có quyền quyết định những vấn đề cốt yếu trong hoạt động của mình. Điều quan trọng nhất là các trường có quyền quyết định hoàn toàn việc trả lương, tuyển dụng các giảng viên giỏi.

Các trường đại học không còn dựa dẫm vào nhà nước, thầy kém cũng không còn chỗ dựa. Họ phải chủ động nâng cao trình độ cho mình nếu không muốn bị lỗi thời và mất việc”, PGS Nhã nói.

Trong hoạt động giáo dục, nhà trường phải trang bị đầy đủ kiến thức cho sinh viên để làm việc, nhưng quan trọng hơn phải dạy cho các em thành người tử tế.

PGS. Nhã phân tích: “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Muốn có con người xã hội chủ nghĩa thì phải thông qua kiến thức phải dạy cho các em có tinh thần tương thân tương ái, biết vì cộng đồng, dám hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể...

Đó cũng chính là kỹ năng sống mà phần lớn các bạn trẻ đang thiếu. Khi từng em hình thành được những tính cách tốt đẹp ấy thì xã hội của chúng ta mới tốt được.

Mà việc ấy phải thật sự được chú trọng ngay từ khi các em còn nhỏ, giống như những cây măng non phải ấm bụi thì mới phát triển lên được”.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã chia sẻ: "Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa". ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã chia sẻ: "Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa". ảnh: Ngọc Quang. 

Trong buổi làm việc trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào đầu tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học đẩy nhanh hơn nữa quá trình tự chủ.

Tuy nhiên, Chính phủ cần phải đưa ra mốc thời gian cụ thể và bắt buộc phải thực hiện để có những trường tự chủ hoàn toàn và có những trường tự chủ một phần rồi tiến tới tự chủ hoàn toàn.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã chỉ rõ, thực trạng hiện nay ở Việt Nam là các trường đại học, cao đẳng công lập đều thuộc một cơ quan chủ quản cấp Bộ hoặc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh (ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Chính phủ).

Không thoát khỏi kiếp bao cấp, giáo dục đại học vẫn là "vùng trũng" của thế giới ảnh 2

"Ai tự thấy không xứng đáng thì đừng đứng vào đội ngũ người thầy"

Cơ quan chủ quản quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, quyết định biên chế; thành lập, chia tách, sát nhập, giải thể các trường.

Do đó, Hội đồng nhà trường không có nhiều ý nghĩa khi mà Hiệu trưởng do lãnh đạo cấp bộ hoặc tỉnh ký quyết định bổ nhiệm.

“Cứ duy trì cách làm này thì ngân sách nhà nước tiếp tục phải đổ ra rất lớn trong khi hiệu quả thu lại không cao vì sẽ xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc.

Nếu cứ tiếp tục duy trì cách làm này thì sẽ tiếp tục làm hạn chế sức sáng tạo của các trường, rất khó để nâng cao chất lượng đào tạo và tất nhiên là ảnh hưởng rất xấu tới mục tiêu thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục”, PGS. Nhã nêu quan điểm.​

Xóa bỏ cơ chế xin cho để nâng cao chất lượng đào tạo

Một chủ trương rất đúng đắn, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa thành công được PGS.TS Nguyễn Văn Nhã chỉ ra 2 nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, do các nhà quản lý lo ngại khi cho phép các trường tự chủ sẽ không thực hiện đúng chính sách. Đó là lối tư duy tồn tại từ thời bao cấp, nhưng trước yêu cầu hiện nay của đất nước thì không thể chậm chễ hơn nữa, nếu không thì giáo dục nước ta tiếp tục là vùng trũng của thế giới.

Không thoát khỏi kiếp bao cấp, giáo dục đại học vẫn là "vùng trũng" của thế giới ảnh 3

TP.Hồ Chí Minh không thể là "vương quốc" riêng về giáo dục

Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước mấy chục năm trước cũng thấy rất rõ, nhà nước từng bao cấp nhiều thứ, kể từ cân gạo, cân muối... nhưng khi không còn bao cấp và kèm theo là những chính sách hợp lý thì đời sống của nhân dân tốt hơn.

Thứ hai, do chính một số trường công lập không muốn tự chủ, vì như vậy thì dễ xin cho và trách nhiệm thì rất thấp.

Yêu cầu tự chủ được đặt ra, nhưng cơ chế chính sách chưa thật sự thuận lợi, cho nên ngay cả những hiệu trưởng rất muốn tạo nên sự đổi mới cũng e ngại sẽ gặp phải rắc rối.

PGS.Nhã nhấn mạnh: “Một khi đã cho phép tự chủ thì các trường phải được quyền quyết định hoàn toàn về bộ máy, tài chính, chuyên môn, tuyển sinh... nhưng những điều kiện cần thiết này suốt 10 năm qua chưa rõ ràng.

Cơ quan quản lý cấp cao của ngành là Bộ Giáo dục lẽ ra chỉ nên tập chung làm chính sách và quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo thì lại can thiệp quá sâu vào hoạt động của các trường, mà thí dụ đơn giản nhất là chuyện mở ngành đào tạo cũng xin cho.

Rất may là gần đây Bộ Giáo dục đã bắt đầu cho thấy nhiều dấu hiệu đổi mới tích cực hơn và Chính phủ cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn yêu cầu tự chủ với trường công lập”.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã chỉ rõ, với quyết tâm của Chính phủ mà trực tiếp quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo thì những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường công lập nhanh chóng tự chủ.

Năm 2005, luật giáo dục đã khẳng định quyền tự chủ của các trường và tiếp tục tái khẳng định trong Luật Giáo dục đại học năm 2012.

Nếu so sánh sẽ thấy Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã có một bước tiến lớn khi lần đầu tiên các trường được tự chủ về học thuật như: Thẩm định, ban hành chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; được quyền xác định chỉ tiêu tuyển sinh; được phép in phôi bằng, cấp bằng cho tất cả các trình độ mà trường đào tạo.

Tuy nhiên, vẫn còn có những yếu tố khác cần tiếp tục nghiên cứu, nhằm đổi mới hơn nữa. Thí dụ, vấn đề xếp hạng, phân tầng cơ sở giáo dục đại học lại do Chính phủ quy định.

Trong khi đó ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển thì việc này do các trung tâm kiểm định chất lượng không thuộc nhà nước thực hiện, hoàn toàn độc lập và khách quan.

Hay việc nhà trường lựa chọn hướng phát triển là “hàn lâm” hoặc “ứng dụng” cũng bị các yếu tố bên ngoài tác động.

Ngọc Quang