Kỳ 6: Sinh viên ĐHCN Việt Hung đồng loạt tố BGH giấu diếm thông tin

17/02/2012 09:57
Bích Thảo - Thu Hòe
(GDVN) - Sinh viên không được phổ biến kế hoạch trải nghiệm và chưa ai biết chỉ “làm công nhân” trong 10 ngày chứ không phải 10 tuần như các biên bản trước đó.

Khi thông tin về việc sinh viên khoa Kế toán của trường ĐH Công Nghiệp Việt Hung phải đi lắp ráp linh kiện điện tử bị ép làm tăng ca và trả lương bèo bọt được đăng trên báo Giáo dục Việt Nam những ngày vừa qua đã làm độc giả không khỏi bức xúc, phẫn nộ.

Trường ĐH Công nghiệp Việt Hung được thành lập năm 1976, trực thuộc Bộ Công thương với sự hợp tác của Hungari.

Cơ sở chính: số 16, phố Hữu Nghị, phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. 

Cơ sở hai: xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

Trường đào tạo các hệ Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng và Cao đẳng nghề.

Bắt đầu từ năm 2011 trường chính thức chuyển lên hệ Đại học.

Để rộng đường dư luận báo Giáo dục Việt

Nam

đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đức Trí hiệu trưởng của trường ĐH Công nghiệp Việt Hung. Qua đó nổi lên rất nhiều điểm nghi vấn, mập mờ trong khâu quản lý của trường đối với việc đưa sinh viên đi trải nghiệm thực tế.

Một nửa sinh viên không được phổ biến về kế hoạch trải nghiệm

Trao đổi với phóng viên trước đó, ông Phí Quang Thọ (Trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp trực tiếp liên hệ đưa sinh viên đi trải nghiệm) nói rằng: “Nhà trường đã tiến hành thảo thuận với các bên gồm doanh nghiệp, công ty và sinh viên về công việc, điều kiện, quyền lợi của sinh viên. Trước khi sinh viên đi trải nghiệm phía công ty còn đến trường trao đổi về mô hình hoạt động của công ty.”

Nhưng trên thực tế rất nhiều em sinh viên đã tỏ ra bức xúc vì chưa được nghe bất kì phổ biến nào về kế hoạch trải nghiệm thực tế này. Em Nguyễn Thị Hải Yến lớp trưởng lớp KT 34 hệ liên thông cho biết: “Trước khi đi một ngày chúng em nhận được bản cam kết mà cô giáo chủ nhiệm yêu cầu kí vào đó. Chúng em không biết sẽ đi trải nghiệm ở đâu, trải nghiệm như thế nào. Đến đó bạn em làm việc thực sự quá sức.”

Nguyễn Thị Hải Yến (ngồi giữa) đã khóc khi nói về tình hình làm việc trong những ngày vừa qua tại công ty Hồng Hải
Nguyễn Thị Hải Yến (ngồi giữa) đã khóc khi nói về tình hình làm việc trong những ngày vừa qua tại công ty Hồng Hải

Hợp đồng giữa công ty và nhà trường được nhà trường kí và công ty giữ trong “bí mật” chứ không hề phổ biến, công khai với các bạn sinh viên. Trong khi đó hợp đồng để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên nhưng sinh viên lại không được tham gia. Phải chăng nhà trường đã “ôm việc” quá quyền hạn của mình, cướp mất quyền làm chủ của sinh viên?

Trường có 3 cơ sở đào tạo khoa Kế toán. Duy chỉ có cơ sở 1 đặt Thạch Thất – Hà Nội là được Trưởng khoa Nghiêm Xuân Khoát trực tiếp phổ biến đôi chút về kế hoạch trải nghiệm, (nhưng không thông báo việc các em sẽ trải nghiệm làm công nhân như những người công nhân bình thường).

Trường “quên” công bố tiền lương cho sinh viên

Trong tổng số 257 sinh viên khoa Kế toán có 122 em sinh viên học tại cơ sở Sơn Tây – Hà Nội lại không biết mức lương mà các em được hưởng khi làm việc cật lực như một công nhân. Nhà trường không cung cấp đến các em, khi các em hỏi cũng không được đáp ứng nguyện vọng chính đáng.

Trong buổi gặp gỡ báo chí chiều ngày 16 – 2, thày Quảng phụ trách quản lý đội sinh viên trải nghiệm tại cơ sở Bắc Giang (Sinh viên Kế toán được thực tập tại Tập đoàn Hồng Hải ở hai địa điểm là Bắc Giang và Bắc Ninh) mới chính thức công bố số tiền mà sinh viên trải nghiệm được nhận là 64.000 đồng/ngày.

Nội dung trải nghiệm gồm có công việc như thế nào nhà trường cũng không thông báo đến toàn bộ 240 sinh viên Kế toán đi thực tập. Khi các em phải vào xưởng làm việc với thời gian và cường độ như một công nhân thực thụ khiến các em sinh viên bị sốc, choáng nặng nề. Do đó gây ra tâm lý mệt mỏi, căng thẳng với sinh viên đặc biệt là các nữ sinh.

Về phía công ty có nói rõ nhà trường phải có trách nhiệm phổ biến quy định, quy chế, các chế độ được hưởng cho sinh viên. Tuy nhiên hình như nhà trường đã "quên" điều khoản này.
Về phía công ty có nói rõ nhà trường phải có trách nhiệm phổ biến quy định, quy chế, các chế độ được hưởng cho sinh viên. Tuy nhiên hình như nhà trường đã "quên" điều khoản này.

Trường không bảo vệ được quyền lợi cho sinh viên

Mặt khác trường ĐH Công nghiệp Việt Hung cũng không thể bảo vệ được quyền lợi cho sinh viên khi bị “ép” tăng ca quá giờ quy định.

Sinh viên bức xúc vì không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi của mình
Sinh viên bức xúc vì không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi của mình

Bạn Lê Quỳnh Anh chia sẻ thêm rằng: “Trong quá trình làm việc hầu như ngày nào bọn em cũng phải tăng ca. Không tăng ca không được. Mặc dù bọn em có kiến nghị rằng sức khỏe không đảm bảo, nhưng vẫn phải làm thêm giờ.”

Hợp đồng giữa công ty và nhà trường quy định, sinh viên không làm thêm quá 2 tiếng/ca. Tuy nhiên, nhiều sinh viên đã phản ánh việc bị công ty bóc lột ép sinh viên làm thêm đến 2h30 phút một ca. “7 ngày làm việc tại công ty, thì cả 7 ngày em đều phải tăng ca. Công ty có hai mức tăng ca là 1,6 và 2,6. Rất ít khi em được tăng ca 1,6  mà toàn phải tăng ca 2,6 nghĩa là phải tăng ca đến 2 tiếng 30 phút nữa”

Trả lời về trách nhiệm của nhà trường đến đâu trong việc bảo vệ quyền lợi cho sinh viên khi phải tăng ca quá số giờ quy định, ông Quảng cho hay: “Khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã đến làm việc với phòng nhân sự quản lý sinh viên trải nghiệm nhưng bên công ty nói rằng họ không tìm ra lý do gì để không tăng ca.”

Do đó dù biết công ty đã vi phạm hợp đồng không làm thêm giờ quá 2h/ngày, nhưng nhà trường cũng không quyết liệt đòi quyền lợi chính đáng cho các em.

Nhà trường “hóa phép” 10 tuần trải nghiệm thành 10 ngày

Chiều ngày 16 – 2 khi làm việc với báo chí, ông Nguyễn Đức Trí cho biết: “Kế hoạch đưa sinh viên trải nhiệm cuộc sống như một công nhân chỉ diễn ra trong 10 ngày thôi chứ không phải 1à 10 tuần như các thông tin trước đó.”

Tuy nhiên, tất cả thông tin mà báo chí nhận được trong thời gian qua từ phía trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp (nơi trực liên hệ và đưa sinh viên đi trải nghiệm) là ông Phí Quang Thọ đến toàn bộ sinh viên khoa Kế toán đều đưa ra con số 10 tuần trải nghiệm thực tế tại công ty Hồng Hải.

Kế hoạch mà phòng Quan hệ doanh nghiệp cung cấp với sinh viên trước đó là: sinh viên khoa Kinh tế - Kế toán sẽ trải qua kì trải nghiệm gồm 10 tuần trải nghiệm thực tế tại một doanh nghiệp mà nhà trường chỉ định và 3 tuần học nghiệp vụ tại trường.

Em Phùng Thị Tiến lớp KT 34 liên thông
Em Phùng Thị Tiến lớp KT 34 liên thông

Phùng Thị Tiến lớp KT 34 liên thông chia sẻ: “Từ đầu chúng em đều được nghe rằng sẽ đi trải nghiệm tại công ty 10 tuần từ 6 – 2 đến 15 – 4. Chứ chưa hề biết đến việc chỉ trải nghiệm làm công nhân trong 10 ngày.”

Trong cuốn hướng dẫn thực tập nhà trường phát cho sinh viên có ghi rõ: “Tất cả học sinh, sinh viên phải trải nghiệm thực tế tối thiểu 10 tuần tại doanh nghiệp do khoa chỉ định.”

Cuốn sổ hướng dẫn trải nghiệm trường phát cho sinh viên có ghi rõ thời gian là 10 tuần
Cuốn sổ hướng dẫn trải nghiệm trường phát cho sinh viên có ghi rõ thời gian là 10 tuần

Mặt khác mọi điều khoản trong hợp đồng đó đều tính trên tháng: Bên doanh nghiệp chi tiền quản lý cho nhà trường là 400.000 đồng/01 sinh viên/tháng. Chi phí ăn ở sinh viên chỉ phải đóng 189.000/tháng, kí túc xá thu 50.000 đồng/tháng… Khi biết về việc thời gian trải nghiệm thực tế của sinh viên chỉ là 10 ngày, nhiều bạn không khỏi băn khoăn nếu vậy thì tại sao trường lại phải làm hợp đồng cứng với công ty?

Ngoài ra, khi hỏi về kế hoạch thực tập, thực tế trải nghiệm tiếp theo của sinh viên khi hoàn thành làm công nhân tại công ty Hồng Hải sẽ như thế nào? Ông Nguyễn Đức Trí đã nói rõ rằng: “Nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể.”

Ông Trí khẳng định trường chưa kịp có kế hoạch thực tế, thực tập tiếp theo cho sinh viên
Ông Trí khẳng định trường chưa kịp có kế hoạch thực tế, thực tập tiếp theo cho sinh viên

Nếu ngay từ đầu nhà trường đã có quy định sinh viên chỉ trải nghiệm làm công nhân 10 ngày thì đến nay tính ngày lao động cũng đã đến ngày 7 (đã trừ một ngày nghỉ, tính cả ngày làm quen môi trường cũng đã vừa vặn 10 ngày) mà nhà trường vẫn chưa có một kế hoạch thực tế, thực tập cụ thể nào cho sinh viên thì có vẻ quá vô lý, quá tắc trách và chưa làm tròn trách nhiệm của trường.

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Ban Giám hiệu Nhà trường cung cấp Hợp đồng đã ký với Công ty Hồng Hải để làm rõ phần trách nhiệm và quyền lợi của Nhà trường cũng như sinh viên nhưng đến thời điểm này BGH nhà trường vẫn né tránh. 

Phải chăng đang có một sự mập mờ về thời gian trải nghiệm của sinh viên, quyền lợi của sinh viên? Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.

Nếu quý vị bạn đọc có thêm thông tin gì xung quanh việc sinh viên thực tập tại Công ty Hồng Hải phải làm việc như công nhân chuyên nghiệp xin vui lòng cung cấp cho tòa soạn theo số hotline: 0938.766.888 hoặc theo email: toasoan@giaoduc.net.vn

Trân trọng cảm ơn.

Bích Thảo - Thu Hòe