Kỳ thi THPT quốc gia: Vẫn còn nhiều rắc rối cho thí sinh

14/04/2015 07:14
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại: "Việc tổ chức các cụm thi như dự kiến vẫn gây khó khăn cho không ít thí sinh, vì phải đi xa".

LTS: Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, nhưng cho tới thời điểm này nhiều học sinh và phụ huynh vẫn lo lắng vì một số quy định chưa rõ ràng. 

Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả góc nhìn của Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng Trường THPT song ngữ Wellspring, bàn về một số vấn đề Bộ Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu xung quanh công tác tổ chức kỳ thi này.

Chúng ta biết rằng kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích, vừa lấy kết quả ấy xét tốt nghiệp, đồng thời để xét tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng. Vậy kỳ thi này có gì thuận lợi?

Thứ nhất, chỉ cần thi một lần là đã giải quyết được 4 đợt thi như trước đây: Đợt 1 thi tốt nghiệp THPT; Đợt 2 thi Đại hội khối A; Đợt 3 thi Đại học khối B, C, D; Đợt 4 thi Cao đẳng. Một kỳ thi như vậy thì sẽ giảm được chi phí cho cả gia đình và xã hội.

Thứ hai, học sinh được hưởng nhiều ưu đãi khi xét tốt nghiệp, đó là ngoài 3 môn bắt buộc thì môn thứ 4 là để thí sinh tự chọn. Học sinh có thể chọn ngay môn mình đã học và ôn luyện thi Đại học hoặc môn học mình thấy yên tâm nhất trong 5 môn tự chọn, tạo điều kiện đủ điểm tốt nghiệp. Các em không phải băn khoăn lo lắng năm nay thi Lý, Hóa, Sinh, Địa hay Sử.

Bên cạnh đó, trong xét tốt nghiệp học sinh còn được cộng điểm trung bình kết quả học tập lớp 12. Về lý thuyết thì điều đó cũng hợp lý, vì nó là kết quả học tập cả năm. Mặt khác nó cũng là cái cứu cánh cho những học sinh chưa vững vàng. Đồng thời cũng vẫn cộng điểm khuyến khích học nghề, cộng điểm cho con em gia đình chính sách.

Với cách tính điểm như vậy thì sẽ rất dễ dàng hơn cho các em học sinh khi xét tốt nghiệp.

Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Song ngữ Wellspring. ảnh: Ngọc Quang
Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Song ngữ Wellspring. ảnh: Ngọc Quang

Thứ ba, tôi ủng hộ việc bắt buộc thi ngoại ngữ, vì muốn hội nhập với thế giới thì đây là điều kiện không thể thiếu. Vào đại học mới đầu tư cho môn ngoại ngữ là hơi muộn, theo tôi thì tốt nhất học sinh phải dành thời gian học tốt ngoại ngữ ngay từ bậc phổ thông, nó là nền tảng thuận lợi để học chuyên sâu hơn khi đã vào đại học.

Điểm thuận lợi với môn thi ngoại ngữ là Bộ Giáo dục cho phép học sinh dù học tiếng Nhật, tiếng Pháp thì cũng được thi tiếng Anh (hoặc ngược lại). Bên cạnh đó thì những học sinh nào đã có chứng chỉ TOEFT, IELTS thì chỉ cần nộp chứng chỉ ấy sẽ không phải thi môn ngoại ngữ. Như vậy, những trường song ngữ như Wellspring với những học sinh có chứng chỉ TOEFT, IELTS sẽ không mất thời gian để thi môn này nữa.

Cần hạn chế rắc rối cho thí sinh

Ngoài một số điểm thuận lợi thì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay còn một số điểm chưa thuận lợi, rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu tâm:

Thứ nhất, học sinh có chứng chỉ TOEFT, IELTS được miễn thi tốt nghiệp tiếng Anh, nhưng các trường đại học có sử dụng kết quả ấy không? Theo tôi thì năm sau Bộ Giáo dục nên tính đến yếu tố này và có sự quy đổi cụ thể. Thí dụ IELTS 3.5 bằng mấy điểm? IELTS 4.0 bằng mấy điểm? IELTS 5.0 bằng mấy điểm?

Còn như hiện nay chưa có sự phân định chi tiết nên khi học sinh có chứng chỉ TOEFT, IELTS là được tính 10 điểm như nhau, vậy là chưa đảm bảo công bằng và khó trong việc xét tuyển Đại học. Vì vậy, khi làm rõ mức chuyển đổi từ chứng chỉ ra điểm, các trường đại học hoàn toàn có thể căn cứ vào đấy để xét tuyển mà không cần yêu cầu thí sinh lẽ ra miễn thi lại vẫn phải thi môn ngoại ngữ nữa.

Thứ hai, học sinh đang băn khoăn vì không biết rõ cấu trúc đề. Bộ Giáo dục nói rằng không công bố cấu trúc đề và đã công bố bộ đề minh họa. Đối với các môn thi đồng thời cũng là môn các em lựa chọn để xét tuyển Đại học băn khoăn về đề thi ít hơn, nhưng với những môn chỉ để xét tốt nghiệp thì các em lo thật sự.

Trước đây thời gian thi tốt nghiệp của các môn ngắn và để đạt mức trung bình cũng dễ hơn nhưng bây giờ thời gian thi dài, mức độ đề cũng khó hơn vì cần đảm bảo “2 trong 1” – vừa tốt nghiệp, vừa có thể lấy đó làm kết quả tuyển sinh đại học.

Khi vào phòng thi thì học sinh cũng sẽ chịu sức ép tâm lý rất lớn, bởi vậy theo tôi nên tạo thuận lợi cho thí sinh bằng cách ra đề từ dễ đến khó, nhằm tạo điều kiện cho các em tốt nghiệp. Tiếp theo mới là những câu khó để học sinh lấy điểm cao vào đại học.

Thứ ba là việc tổ chức các cụm thi như dự kiến vẫn gây khó khăn cho không ít thí sinh, vì phải đi xa. Đơn cử tại Hà Nội có 8 cụm thi, học sinh ở các tỉnh khác thì phải về đây thi và lại xảy ra tình trạng căng thẳng cho cả gia đình và xã hội.

Trước đây thi đại học thì chỉ có 2 ngày, nhưng kỳ thi THPT quốc gia là 4 ngày, bởi vì thí sinh thi 3 môn bắt buộc trong 2 ngày đầu, còn 1 môn tự chọn hoặc môn đăng ký xét tuyển sinh Đại học phải chờ tới lượt môn thi trong 2 ngày sau.

Nếu coi kỳ thi này là một bài toán thì những người giải bài toán này đầu tiên phải nghĩ tới học sinh, luôn luôn đặt học sinh là số 1, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh thì mới đưa ra được đáp án đúng.

Thứ tư, những học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp vì một lý do nào đấy, nhưng sau đó đạt điểm cao thì có giải quyết cho các em đó được xét tuyển vào đại học không? Tôi nghĩ Bộ Giáo dục không thể không quan tâm giải quyết vấn đề này.

Với một số bất cập như vậy, tôi mong rằng các lãnh đạo quản lý ngành giáo dục sẽ suy xét thận trọng, giải tỏa những lo lắng, áp lực cho các em học sinh, để tạo nên một kỳ thi thực sự thành công.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy!

Ngọc Quang (ghi)