Kỳ thi quốc gia 2016: Chuyên gia băn khoăn khi vẫn giữ hai loại cụm thi

05/02/2016 07:42
Xuân Trung
(GDVN) - Việc giữ hai loại cụm thi như Bộ GD&ĐT vừa công bố khiến không ít người hoài nghi mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Tối ngày 3/2, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng 2016. Theo đó, vẫn giữ hai loại cụm thi. Một cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường đại học chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT.

Cụm thi còn lại cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường đại học. Và điểm mới trong xét tuyển là thời gian được rút ngắn lại còn 12 ngày ở đợt một, 10 ngày cho các đợt tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, về phương án thi quốc gia cũng tương đối giống so với năm 2015, mặc dù dư luận và xã hội cùng các thầy cô giáo đã chỉ ra những bất cập, đặc biệt là việc có hai loại cụm thi.

Ông Nhĩ cho rằng, Bộ Giáo dục khá bảo thủ: “Tất cả những bất cập về tổ chức thi chúng ta đã nói nhiều. Ngay như sở  giáo dục họ đào tạo học sinh 12 năm ở phổ thông, giờ có 2 loại cụm thi thì đã tước đi  quyền của sở. 

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Hơn nữa, ngay cả học sinh cũng có hai loại bằng, điều đó là sự phân biệt. Trong luật đã nói tất cả học sinh học xong phổ thông đều có quyền vào đại học, còn vào được hay không là do sự tự chủ của các trường đại học. Rõ ràng bộ đang làm thay công việc của các trường” ông Nhĩ nói.

Việc có hai loại cụm thi theo nhận định của ông Trần Xuân Nhĩ còn dẫn tới hệ lụy sau này đi xin việc của học sinh. Đơn vị tuyển dụng ở Việt Nam sẽ nhìn vào tấm bằng, và việc học sinh tự ti là điều khó tránh khỏi.

Cách tốt nhất theo phương án mà ông Nhĩ đưa ra là giao kỳ thi phổ thông cho các sở phối hợp với các trường tự làm, còn cách làm như của bộ là bộ đang đi làm thay cho sở. “Tôi không biết nói gì nữa vì những bất cập đã nói nhiều.

Kỳ thi quốc gia 2016: Chuyên gia băn khoăn khi vẫn giữ hai loại cụm thi ảnh 2

Thi Quốc gia như 2015, rút ngắn thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng

(GDVN) - Tối ngày 3/2, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi THPT Quốc gia 2016 và kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Tôi được biết, vừa qua trong buổi họp ở Văn phòng Chính phủ, chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng không hài lòng về chuyện này” ông Nhĩ dẫn chứng.

Điểm mới so với năm trước ở phân bổ điểm thi là năm 2016 có thể “tùy tình hình địa phương, có thể chỉ tổ chức cụm thi đại học”. Điểm mới này, ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng điều đó càng thêm lộn xộn. Câu chữ “tùy” là như thế nào?

Về các môn thi, cơ bản giữ như 2015, điều này ông Nhĩ khẳng định sẽ tạo điều kiện cho học sinh học lệch hơn, chứ không có thay đổi gì. 

Cùng quan điểm, nhà giáo Văn Như Cương (trường phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng, phương án thi cũng không có gì thay đổi. “Khi mà bộ đã đặt ra hai cụm thi với tính chất khác nhau là có mục đích gì? Bởi vì trên thực tế cụm thi do địa phương tổ chức cũng có quyền thi vào đại học.

Khi đó xã hội thấy ngay rằng trong ý đồ gì thì mới có sự phân biệt như thế. Do đó, gây nên dấu hỏi lớn. Qua một năm thực hiện, tôi cũng được nghe về cách chấm thi, coi thi giữa hai cụm thi này là có sự phân biệt. 

Vậy những chi tiết như thế tại sao chúng ta không thay đổi. Tôi ủng hộ mỗi tỉnh có một cụm thi và không phân biệt cụm thi do địa phương hay trường đại học tổ chức” nhà giáo Văn Như Cương cho biết.

Điều chỉnh thời gian xét tuyển đợt một, tránh tình trạng học sinh và người nhà mệt mỏi chờ đợi rút hồ sơ như năm 2015, năm 2016 đợt xét tuyển đầu chỉ còn 12 ngày. Điều này có giảm được tình trạng lộn xộn hay không?

Nhà giáo Văn Như Cương dự đoán rằng, dù có cải tiến đi nữa, dù có không ngẽn mạng thì thời gian đó vẫn là khoảng thời gian căng thẳng.

“Không khéo sự căng thẳng lại cao hơn vì số thời gian hạn hẹp, có thể lộn xộn vẫn như cũ vì thí sinh phải nhanh chóng chuyển nguyện vọng. Tôi cũng không kỳ vọng sự thay đổi như thế mà làm giảm sự căng thẳng” thầy Cương cho hay.

Những điểm mới ở phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 khiến thầy Trần Trung Hiếu (giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) hoài nghi.

Hoài nghi lớn nhất vẫn là khâu coi thi ở cụm thi do địa phương tổ chức, có thể nương nhẹ hơn cho thí sinh. “Coi thi tốt nghiệp chỉ cần coi lỏng khoảng 10 phút thôi thì có thể xong một bài thi. Cụm thi do sở tổ chức năm qua rõ ràng chưa ổn một chút nào” thầy Hiếu khẳng định.

Như năm 2015, ban đầu ý  tưởng thực hiện thì tốt, nhưng khi thực tế diễn ra thì Bộ GD&ĐT quá lúng túng, không lường trước được bất cập. Theo đề nghị của thầy Hiếu, lần xét tuyển đầu tiên trong năm nay Bộ GD&ĐT cần cập nhật thông tin tốt hơn cho thí sinh, không để học sinh vào thế bị động, thiếu thông tin ở vùng sâu.

“Chưa thi thì khó nói trước điều gì, khi triển khai rồi mới bộc lộ những hạn chế và sự lúng túng. Do đó, quan trọng nhất vẫn là triển khai như thế nào, Bộ phải chuẩn bị thêm nhiều phương án khác để xử lí sự cố” thầy Hiếu cho biết.

Những đổi mới của Bộ GD&ĐT  trong mùa thi và tuyển sinh năm 2016 sẽ được thực tế chứng minh trong tháng 7/2016. Tất cả đều hy vọng sẽ không lặp lại tình trạng lộn xộn, mệt mỏi như năm trước.
 

Xuân Trung