Kỳ vọng và thất vọng về giáo dục: Nguyên GĐ sở GD TP.HCM lên tiếng

02/10/2012 06:00
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh
(GDVN) - TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: "Chúng ta không thể tiếp tục sử dụng nội dung chương trình, phương pháp dạy học, cơ chế tổ chức quản lý, phương thức đánh giá của nhà trường theo quan niệm giáo dục và hệ thống chuẩn mực của hàng trăm năm trước".
LTS: Ngay sau khi mở ra diễn đàn bàn về "Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam", giaoduc.net.vn đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhân sĩ, trí thức cả nước. Và một trong những ý kiến sâu sắc được chúng tôi lựa chọn gửi tới bạn đọc là của TS Huỳnh Công Minh - Nguyên Giám đốc Sở GD TPHCM. TS Huỳnh Công Minh nhận định: Thực tế vừa qua cho thấy quá trình phát triển của giáo dục nước ta rất tốt so với điều kiện hoạt động, cả về quy mô lẫn chất lượng. Nhưng thực tế cũng bộc lộ rất rõ tính thiếu ổn định, thiếu căn cơ và thiếu bền vững, đòi hỏi quá trình đổi mới toàn diện nói trên của nhà trường phải được xác lập trên các cơ sở mang tính nền tảng là tư duy, đầu tư và tổ chức quản lý.
Tại sao phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục?
Xã hội đã có những thay đổi về cơ chế hoạt động, về hệ thống giá trị và về nhu cầu cuộc sống; tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và tâm lý xã hội đã có những đổi thay. Điều kiện hoạt động của xã hội và của từng gia đình thay đổi, khoa học kỹ thuật phát triển, công nghệ thông tin được sử dụng rộng khắp trong từng lãnh vực cuộc sống con người… Vì vậy, chúng ta không thể tiếp tục sử dụng nội dung chương trình, phương pháp dạy học, cơ chế tổ chức quản lý, phương thức đánh giá của nhà trường theo quan niệm giáo dục và hệ thống chuẩn mực của hàng trăm năm trước.
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM


Công cuộc đổi mới giáo dục nước ta đã và đang diễn ra từ ngày đất nước đổi mới, chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện lần này có gì khác hơn?  

Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về giáo dục và công nghệ đã đưa chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo vào cuộc sống; Nghị quyết 40/2000/QĐ10 của Quốc hội khóa X, nhà trường đã đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông, cùng nhiều chủ trương chính sách khác đã góp phần đổi mới nhà trường theo nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, sự nỗ lực của nhà trường trong thời gian qua vẫn còn những giới hạn so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Cần thiết phải thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện để góp phần nâng cao hiệu quả đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành một cách căn cơ và bền vững.
Đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay cần tập trung vào những nội dung gì? 

Trước hội nghị Trung ương 6, vấn đề đổi mới giáo dục lại một lần nữa trở thành "điểm nóng". Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước… tuy nhiên sau ba lần hô hào đổi mới thì cho tới nay nền giáo dục nước nhà vẫn còn bộc lộ quá nhiều bất cập. Đó là lý do vì sao Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chuyên đề “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam”.

Mời các chuyên gia, độc giả quan tâm tới vấn đề đổi mới giáo dục Việt Nam gửi bài về toàn soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn

GĐ điều hành Air Mekong:

GĐ điều hành Air Mekong: "Đổi mới toàn diện giáo dục, đừng chắp vá"

GS Hoàng Tụy:

GS Hoàng Tụy: "Giáo dục của ta đang lạc điệu với thế giới văn minh"

Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình:

Nguyên PCT nước Nguyễn Thị Bình: "Giáo dục Việt Nam đi ngược quy luật"

Thực tế cuộc sống đòi hỏi phải đổi mới toàn diện, đồng thời và đồng bộ trên tất cả các yếu tố cấu thành của hoạt động giáo dục từ mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình đến phương pháp dạy học, cơ chế tổ chức quản lý và phương thức đánh giá.
Mục tiêu giáo dục: Phải đổi mới mạnh mẽ từ con người khoa bảng thành con người thực tế; từ mục tiêu nhồi nhét kiến thức hàn lâm chuyển thành năng lực làm chủ cuộc sống; từ cơ chế độc quyền với từng hoạt động đơn lẻ chuyển sang phục vụ xã hội đa dạng, cạnh tranh với tinh thần hợp tác, thân thiện.
Nội dung chương trình: Phải đổi mới từ phân hóa theo môn học thành tích hợp theo mục tiêu đào tạo; giảm lý thuyết từ chương, tăng cường thực tế; đổi mới mạnh mẽ từ nhà trường khép kín, gò bó sang giáo dục xã hội, mở rộng cửa trường  đưa nhà trường thâm nhập vào cuộc sống.
Phương pháp dạy học: phải đổi mới từ dạy số đông sang dạy cá thể, dạy cách học; đổi mới từ dạy áp đặt một chiều của người dạy sang tương tác đa chiều của người học với thầy cô, bạn bè, sách vở, trong gia đình và ngoài xã hội; không dừng lại ở lý thuyết, minh họa mà vươn tới hoạt động thực hành, trải nghiệm, làm sinh động và hiệu quả hơn nội dung giáo dục để đạt yêu cầu mục tiêu giáo dục tốt nhất; làm cho học sinh thích thú, chủ động và tích cực tự tìm tòi học tập, nâng cao năng lực tự học, học suốt đời, học ở mọi lúc mọi nơi. 
Đánh giá quá trình dạy học vừa mang tính công nhận nhưng quan trọng hơn còn có tác dụng định hướng giáo dục rất hữu hiệu – “Thi cử thế nào, thầy và trò dạy và học như thế ấy!”. Phải đổi mới mạnh mẽ hoạt động đánh giá, coi trọng đánh giá của giáo viên ngay trong quá trình dạy học, đây là hoạt động chủ yếu thay vì tập trung thi cử cuối khóa nặng nề, đối phó, hình thức, thiếu thực chất thoát ly mục tiêu đào tạo. Phải tạo điều kiện cho người học tự đánh giá để tự hoàn thiện mình, phải phối hợp với phụ huynh đánh giá học sinh để tạo sự thống nhất hệ thống giá trị giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Cơ chế tổ chức quản lý: Phải đổi mới mạnh mẽ từ quan liêu bao cấp sang cơ chế tự chủ nhà trường, không chờ đợi, ỷ lại vào cấp trên mà phải tạo điều kiện cho từng giáo viên sáng tạo, tự giác chấp hành luật pháp, thực hiện quy chế với ý thức tổ chức kỷ luật cao, đồng thời chủ động thể hiện từng động tác giáo dục phù hợp và hiệu quả với từng học sinh trong quá trình dạy học như những nhà giáo dục thực thụ.
Thiết chế tổ chức nhà trường: phải đổi mới phù hợp với quan điểm đổi mới, giảm sĩ số trong lớp từ 35, 45 học sinh xuống còn 20, 30 học sinh; học sinh học tập và hoạt động cả ngày trong trường (2 buổi/ngày). Giáo viên phải có chế độ làm việc cả ngày (8 giờ) theo đúng quy trình lao động của ngành nghề, nghiên cứu tài liệu, tiếp cận học sinh, nắm chắc tâm sinh lý lứa tuổi, hoàn cảnh, soạn bài, giảng bài, ra bài tập kiểm tra, chấm bài, chữa bài, đánh giá nhận xét từng học sinh chu đáo, đúng mực… thay vì chỉ đến trường theo giờ dạy, vì lao động của nhà giáo là lao động cao cấp, phức tạp, khác với các ngành nghề lao động giản đơn.

Đổi mới căn bản giáo dục cần tập trung vào những vấn đề gì?

Thực tế vừa qua cho thấy quá trình phát triển của giáo dục nước ta rất tốt so với điều kiện hoạt động, cả về quy mô lẫn chất lượng. Nhưng thực tế cũng bộc lộ rất rõ tính thiếu ổn định, thiếu căn cơ và thiếu bền vững, đòi hỏi quá trình đổi mới toàn diện nói trên của nhà trường phải được xác lập trên các cơ sở mang tính nền tảng là tư duy, đầu tư và tổ chức quản lý.
Đất nước đổi mới từ đại hội Đảng TW lần thứ VI, năm 1986, trước hết là đổi mới tư duy, nhưng trong lĩnh vực giáo dục, đến nay chúng ta vẫn chưa thống nhất tư tưởng đổi mới, có quá nhiều ý kiến khác biệt nhau, trì kéo, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau làm chậm tiến trình đổi mới, làm giảm niềm tin và sự quyết tâm trong quá trình vượt khó, đổi mới của đội ngũ. Triết lý giáo dục dạy làm người chưa được thể hiện đậm nét trong nhà trường, dẫn đến không ít ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam chưa có triết lý!
Nên, đổi mới tư duy giáo dục là vấn đề tiên quyết trong đổi mới căn bản giáo dục đất nước.
Sự bất cập khá lớn của giáo dục nước ta hiện nay là đầu tư giáo dục. Sự bất cập này không chỉ vì khả năng kinh tế chưa đáp ứng mà chính yếu là bất cập về công tác kế hoạch, nếu có kế hoạch đầu tư giáo dục tốt, chúng ta sẽ khắc phục một cách căn cơ những hệ lụy về thu chi tài chính của nhà trường hiện đang là nỗi ưu tư không ít của dư luận.
Phải đổi mới mạnh mẽ theo quan điểm đầu tư giáo dục là đầu tư đủ và thực chất theo yêu cầu mục tiêu đào tạo, đồng thời huy động nguồn đầu tư phù hợp với đặc điểm dân cư và tinh thần hiếu học vốn có của dân tộc.
Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, cần thiết chúng ta phải tổ chức bộ máy quản lý, chỉ đạo và điều hành hoạt động giáo dục tương ứng. Phải phát huy vai trò của Hội đồng quốc gia giáo dục, nơi quy tụ những nhà khoa học có uy tín, có năng lực trên các lĩnh vực quản lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và giáo dục để “thiết kế” mô hình nhân lực của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng chương trình đào tạo, xác lập cơ cấu đầu tư, trên cơ sở ấy mà Bộ chuyên ngành sẽ điều hành “thi công”, đảm bảo yêu cầu mục tiêu đào tạo một cách kỷ cương và hiệu quả.
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh