Làm ban giám hiệu liệu có sướng như giáo viên nghĩ không?

16/10/2018 06:43
HỮU SƠN
(GDVN) - Giáo viên có cái khổ của giáo viên, Ban giám hiệu có cái khổ của Ban giám hiệu. Thiết nghĩ, bộ phận lãnh đạo nhà trường cũng có người thế này, người thế kia.

LTS: Đặt ra câu hỏi "Làm ban giám hiệu liệu có sướng như giáo viên nghĩ không?", thầy giáo Hữu Sơn - người có hơn 15 năm công tác trong ngành giáo dục đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Gần đây, một số bạn đọc (thầy cô giáo) tiếp tục nêu kiến nghị các ban giám hiệu trường học  (Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng) phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 15 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, Phó Hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần.

Vì trong thực tế, một số ban giám hiệu không hề dạy, đứng lớp một tiết nào mà hàng tháng vẫn nhận đủ tiền phụ cấp đứng lớp từ 30% đến 70% theo từng khu vực.

Có giáo viên khác tập trung khai thác, phân tích, chỉ rõ thực trạng không hiếm ban giám hiệu hiện nay rất ít hoặc không bao giờ dự giờ, thăm lớp, thao giảng, bị kiểm tra hồ sơ chuyên môn, giáo án…để tập thể noi gương, để cho đồng nghiệp, cấp dưới được học hỏi, “mở mang” tầm nhìn.

Cần có quy định Ban giám hiệu dạy thao giảng dự giờ

Tôi có cảm giác như một số giáo viên bây giờ hay có cái nhìn định kiến, thiếu thiện cảm về đạo đức, ứng xử, vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường.

Chính vì vậy, khi viết bài, gửi các ý kiến phản hồi, họ cố tình hoặc vô tình phớt lờ, lãng quên đi các văn bản, quy định khung của nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo về vai trò, trách nhiệm của Ban Giám hiệu thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý, điều hành (Theo Thông tư số 16).

Sự trưởng thành của các thế hệ học trò có vai trò rất lớn của từng thầy cô giáo và ban giám hiệu - giữ vai trò định hướng, tạo môi trường học tập tốt để học trò phát huy thế mạnh của bản thân.
Sự trưởng thành của các thế hệ học trò có vai trò rất lớn của từng thầy cô giáo và ban giám hiệu - giữ vai trò định hướng, tạo môi trường học tập tốt để học trò phát huy thế mạnh của bản thân.

Nói thật, thời gian trước đây, khi chỉ là giáo viên bình thường chưa làm tổ trưởng chuyên môn (từ năm 2001 đến năm 2011), làm Phó hiệu trưởng (từ năm 2012 đến nay), tôi cũng có những suy nghĩ lệch lạc, không đúng về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo đơn vị.

Tôi và một số đồng nghiệp từng rất khó chịu, bực bội trước những lời nhận xét, góp ý, chê bai quá thẳng thắn của cô tổ trưởng chuyên môn.

Tôi và một số đồng nghiệp từng ganh tị, tại sao các ông, bà ban giám hiệu không bị kiểm tra hồ sơ, giáo án, không phải thao giảng tổ, hội đồng, còn giáo viên đợt nào, năm nào cũng phải kiểm tra, thao giảng.

Tôi và một số đồng nghiệp từng nói xấu sau lưng lãnh đạo nhà trường, mấy ông, mấy bà toàn giỏi nói, chỉ tay, chơi không, chẳng làm cái gì, bắt giáo viên làm đủ thứ, thấy mà ghét…

Thế nào là một Hiệu trưởng tốt?

Nhưng kể từ khi làm tổ trưởng chuyên môn (10 năm), làm Phó hiệu trưởng (đã hơn 6 năm), tôi thấy mình đã hồ đồ, ngộ nhận, đánh giá không đúng về những người quản lý ở tổ, nhà trường.

Có lẽ, tôi (cũng như nhiều giáo viên) hiện nay chưa nắm đầy đủ các quy định của ngành, chưa hiểu hết tính chất, công việc của người quản lý, thấy họ không làm như giáo viên là cho rằng họ thật sướng, chơi không, giỏi bắt bẻ anh, chị, em giáo viên.

Trải qua, 15 năm làm tổ trưởng, Phó hiệu trưởng, tôi càng đồng cảm, thấm thía với nỗi vất vả, nhọc nhằn của nhà quản lý tại cơ sở.

Chúng tôi đủ cái lo cho cái chung của tập thể, nhà trường. Mọi chuyện, sai sót này nọ chúng tôi đều phải gánh, chịu trách nhiệm cả.

Chúng tôi nói ra đây không phải để kể lể công trạng, thành tích mà mong sao các thầy cô giáo cùng thấu hiểu, chia sẻ.

Giáo viên có cái khổ của giáo viên, Ban giám hiệu có cái khổ của ban giám hiệu.

Tôi thiết nghĩ, bộ phận lãnh đạo nhà trường, một số nơi cũng có người thế này, người thế kia khiến giáo viên bất bình, khó chịu nhưng nhìn tổng thể, phần lớn họ là những hạt nhân lãnh đạo, được rèn luyện, trưởng thành từ giáo viên, từ các cơ sở giáo dục và đang tiếp tục phát huy, làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đêm ngày đầy trăn trở, nghĩ suy, tìm các giải pháp khả thi để hoạt động, chất lượng giáo dục nhà trường không ngừng cải thiện, vững mạnh.

Một số thầy cô giáo cứ toàn nhìn và nghĩ Ban giám hiệu là xấu, là hư hỏng… thì liệu có được ổn định, nhiều trường phát triển, chất lượng giáo dục tốt như hôm nay không?

Ông bà từng đúc kết: “Một người lo bằng kho người làm” quả thật không sai.

Vì vậy, các giáo viên cần có cái nhìn nhân văn, công tâm về đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

HỮU SƠN