Làm sao để học trò không quay lưng với các môn khoa học xã hội nhân văn?

15/10/2017 06:41
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Sự yếu kém thờ ơ, lạnh nhạt của học sinh đối với các bộ môn xã hội, phần nào đó đã, đang bào mòn lòng đam mê, tâm huyết của đội ngũ giáo viên dạy môn xã hội...

LTS: Bày tỏ nỗi băn khoăn, lo lắng trước thực trạng chất lượng học và dạy các môn khoa học xã hội ngày càng suy giảm, thầy giáo Sông Trà chỉ ra những nguyên nhân của thực tế trên.

Đồng thời, thầy Sông Trà cũng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp để học sinh thêm yêu thích các môn xã hội.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 14/10/2017, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Nếu môn Văn không từ từ chết thì xã hội ít phải chứng kiến những chuyện đau lòng” của tác giả Thanh An.

Đọc bài viết trên, là một thầy giáo giảng dạy môn Văn ở bậc trung học phổ thông, tôi rất đồng cảm, chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của thầy giáo Thanh An về chất lượng học tập cũng như những tác động của bộ môn khoa học - nhân văn này ngày càng suy giảm trong học sinh và đời sống xã hội hiện đại.

Nhân đây, tôi muốn làm rõ hơn thực trạng dạy và học các bộ môn xã hội ở nhà trường phổ thông.

Học sinh ngày càng ít quan tâm đến các môn khoa học xã hội (Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân)
Học sinh ngày càng ít quan tâm đến các môn khoa học xã hội (Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân)

Bộ môn Ngữ văn luôn hiện diện trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, các môn khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân) từng góp mặt tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia nhiều năm.

Thế nhưng số học sinh bậc trung học phổ thông yêu thích, có thái độ, động cơ đúng đắn trong học tập các môn khoa học xã hội vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan, tiến triển.

Hơn 10 năm qua, mục tiêu của chương trình phân ban ở bậc trung học phổ thông về cơ bản bị phá sản hoàn toàn, khi hầu hết học sinh chỉ tập trung đăng ký học ban cơ bản và ban khoa học tự nhiên.

Không ít trường trung học phổ thông lâu nay vắng bóng hẳn lớp, học sinh theo học ban khoa học xã hội nhân văn.

Nhiều thầy cô từng tâm sự buồn:

Vào đầu năm học, nhất là khối 10 mới tuyển vào, nhà trường định hướng, phân tích cặn kẽ đến từng học sinh thế mà đến khi đăng ký chỉ có mấy em chọn ban C.

Do ít học sinh quá, không thể mở lớp riêng được, nhà trường đành vận động các em chọn ban cơ bản và ban khoa học tự nhiên.

Chúng tôi muốn trải nghiệm dạy chương trình nâng cao, phân ban lắm song lại không có cơ hội”.  

Làm sao để học trò không quay lưng với các môn khoa học xã hội nhân văn? ảnh 2

Nếu môn Văn không từ từ chết thì xã hội ít phải chứng kiến những chuyện đau lòng

Thống kê cho thấy, số lượng bài thi dưới điểm trung bình, thậm chí điểm 0 ở các môn Văn, Sử, Địa ở khối C, D trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng trước đây và kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia mấy năm qua cũng khá nhiều.

Thực tế trên khiến những ai quan tâm đến sự phát triển của nền giáo dục nuớc nhà không khỏi bàng hoàng, lo lắng về chất lượng dạy - học các môn xã hội ở nhà trường phổ thông.

Xung quanh việc dạy và học các môn khoa học xã hội ở thời gian qua, nảy sinh biết bao nhiêu câu chuyện bi hài, làm thầy cô giáo chúng tôi không biết nên cười hay nên khóc.

Sự yếu kém thờ ơ, lạnh nhạt của học sinh đối với các bộ môn xã hội, phần nào đó đã, đang bào mòn lòng đam mê, tâm huyết của đội ngũ giáo viên dạy môn xã hội đi ít nhiều.

Một khi kiến thức và kỹ năng của các môn khoa học xã hội nhân văn ở người học bị hẫng hụt thì tất nhiên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không tốt cho việc bồi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức, tâm hồn thế hệ trẻ cũng như đời sống xã hội nói chung.  

Các nguyên nhân chính

Thứ nhất, hầu hết các em khi lên bậc trung học phổ thông có xu hướng học lệch, học một cách thực tiễn, vì học, thi các môn khoa học tự nhiên thì cơ hội vào ngành, nghề sẽ rất rộng rãi và hấp dẫn.

Còn học, thi các môn khoa học xã hội nhân văn thì cánh cửa vào ngành, nghề rất hẹp, không Sư phạm thì Tổng hợp, chứ biết chạy đâu.

Vả lại, khi ra trường, làm việc thuộc các ngành khoa học xã hội, cuộc sống vật chất không dễ dàng gì, nhiều khi rất lao đao, vất vả.

Trước sức cuốn hút của cơ chế thị trường, mọi người đua nhau làm giàu, đâu phải lúc để cho những cảm xúc lãng mạn bay bổng, những ưu tư về vấn đề xã hội của học sinh, sinh viên.

Làm sao để học trò không quay lưng với các môn khoa học xã hội nhân văn? ảnh 3

Sự thật là học trò học Văn chỉ để thi, không vì một mục đích nào khác

Thứ hai, từ lâu trong nhiều phụ huynh và học sinh của ta đã hình thành sẵn nhận thức, tư tưởng coi thường các môn khoa học xã hội nhân văn, xem nó là môn phụ, môn học bài, môn chẳng mấy quan trọng, nên không cần phải tư duy, suy nghĩ gì, học hành sơ sơ hoặc lôi thôi cũng được.

Thứ ba, nội dung, kiến thức của sách giáo khoa vẫn còn nặng nề và dàn trải, nhiều chỗ không phải là học nữa mà là "hành xác" học sinh;

Các loại sách tham khảo bổ trợ sách giáo khoa loạn xạ trên thị trường góp phần làm thui chột tư duy, đầu óc học sinh thêm.

Các câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa, đề thi, trong các cuộc thi lâu nay đều xơ cứng, xa lạ, đều đánh đố bằng trí nhớ trong một thời đại bội thực thông tin.

Dẫu biết rằng đây là công việc nhọc nhằn muôn nỗi đối với nhà viết sách.

Đương nhiên, chương trình, sách giáo khoa cần phải đảm bảo nhiều tiêu chí, mục đích.

Nhưng nó rất cần đến sự chân thực, gần gũi và hấp dẫn để cuốn hút, kích thích sự đam mê tìm tòi, khám phá trong đối tượng học sinh.

Điều này thì sách cải cách lẫn đang phân ban ở bậc trung học phổ thông chưa đạt được.

Ví dụ, môn Lịch sử, sách giáo khoa của ta thường nặng nề, dày đặc những sự kiện, ngày, tháng năm, ta thắng, địch thua... là chấm hết, mà ít có những câu chuyện lịch sử hấp dẫn đề cập đến con người và số phận của con người.

Hay môn Ngữ văn, còn quá nhiều tác phẩm mang tính hàn lâm cao, ngay cả người lớn, người từng trải chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa, tư tưởng của nhà văn thì sao lại bắt con trẻ phải hiểu, phải làm bài cho được?

Mặt khác, các em còn tỏ ra ngờ ngợ, chưa thật tin vào nội dung sách giáo khoa, vào những điều mà thầy cô đã nói, do sách giáo khoa, thầy cô giáo nói toàn những điều tốt đẹp, đạo lí cao cả, tính nhân văn sâu sắc...

Trong khi đó thì thực tế cuộc sống lại vô cùng phức tạp, biết bao chuyện xấu xa, mất công bằng, ngang trái... cứ phơi bày ra đấy.

Thứ tư, nhiều thầy cô giáo dạy các môn khoa học xã hội nhân văn chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đầu tư, giảng dạy sơ sài, khô khan, chủ yếu đọc - chép, học sinh không hứng thú, mệt mỏi, chán ngán…

Thứ năm, bệnh thành tích, giả dối trong cho điểm, đánh giá học sinh, mặc dù đã bị dư luận xã hội lên án, công kích dữ dội thời gian qua nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, tiếp tục hoành hành, gây bức xúc dư luận, tâm can những giáo viên tâm huyết với nghề.

Làm sao để học trò không quay lưng với các môn khoa học xã hội nhân văn? ảnh 4

Học sinh bây giờ sợ và chán những môn học nào nhất?

Thứ “bệnh” xấu xa này tạo ra nhiều hệ lụy đau lòng khiến sự học sa sút, chất lượng giáo dục bị méo mó, sai lệch, ngày càng mất dần niềm tin của mọi người.

Một số giải pháp  

Theo chúng tôi, trước tiên, năng lực, bản lĩnh, tâm huyết đội ngũ thầy cô giáo dạy các môn khoa học xã hội có tính quyết định đến hiệu quả, tác động của môn học đến đông đảo học sinh. 

Sách giáo khoa, sách giáo viên chỉ là phần cứng, phần định hướng, gợi ý, vấn đề quan trọng ở người thầy cô là phải biết chế biến, chọn lọc, thêm bớt để từng vấn đề nói ra sáng tỏ, bóng bẩy, thực sự gây hấp dẫn, tạo hứng thú trong học sinh.

Học sinh đã tin, đã hứng thú với bài giảng, với thầy giáo thì nhất định sẽ hiểu, sẽ không thờ ơ, nguội lạnh với môn học đó nữa.

Chương trình, nội dung, sách giáo khoa mới sắp tới đây phải thật sự chất lượng, có những bước tiến vượt trội so với chương trình, sách giáo khoa hiện hành, trở thành phương tiện, công cụ hữu hiệu phù hợp, làm “hài lòng” tất cả mọi đối tượng, nhất là giáo viên và học sinh.

Những nội dung phù hợp, thiết thực của chương trình hiện hành thì cần tiếp tục kế thừa, mặt khác nên cắt bỏ những chỗ, những bài khó, không cần thiết, gây quá tải, hành xác học sinh trong chương trình mới.

Cải tiến, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử đối với các môn xã hội theo hướng kiểm tra được năng lực, phẩm chất và các kỹ năng cần thiết, cơ bản, bớt đi những câu hỏi thuộc nhớ, nặng về lý thuyết, hàn lâm. 

Các địa phương, mỗi cán bộ quản lý, từng thầy cô giáo không thể tiếp tục vô tâm, thiếu trách nhiệm với căn bệnh thành tích đang hoành hành hiện nay...

Dám nhìn thẳng sự thật, nói thật, làm thật, thực hiện đồng bộ ở mọi cấp, mọi nơi, mọi lúc để việc đánh giá của thầy cô được thực chất, không bị vướng mắc bởi những sợi dây ràng buộc hữu hình và vô hình nào.

Các thầy cô cũng cần sẵn sàng nghiêm khắc với những học sinh coi thường, ý thức học tập các môn xã hội yếu kém.

SÔNG TRÀ