Làm sao để quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh Tiểu học đạt hiệu quả?

31/01/2016 08:30
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Hiện, nhiều phụ huynh lo lắng bởi giáo viên không đánh giá năng lực học tập bằng cách cho điểm nên họ sẽ khó có thể “đo đếm” được sức học thực sự của con cái.

LTS: Từ ngày 15/10/2014, các trường Tiểu học thực hiện việc không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học. Theo đó, giáo viên sẽ không dùng điểm số để đánh giá học sinh thường xuyên mà đánh giá năng lực học tập của các em bằng cách ghi nhận xét: Hoàn thành hoặc không hoàn thành từng bài học, môn học.

Ngoài đánh giá học sinh cấp Tiểu học bằng cách không chấm điểm, các trường còn phải đánh giá năng lực và phẩm chất đạo đức của các em. Phụ huynh có thể hỗ trợ con em học tập tốt hơn thông qua việc đánh giá của giáo viên.

Chính quy định này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng bởi khi không chấm điểm thì họ sẽ không nắm bắt được lực học của con cái mình để điều chỉnh. 

Vậy làm sao để trấn an tinh thần của phụ huynh, làm sao để quy định bỏ chấm điểm ở bậc Tiểu học đạt hiệu quả. Trong bài viết này thầy giáo Bùi Minh Tuấn mạnh dạn chỉ ra biện pháp đó. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Từ trước tới nay, việc đánh giá xếp loại năng lực học tập của học sinh các cấp từ tiểu học đến THPT chủ yếu vẫn được tiến hành bằng việc chấm điểm. 

Việc đánh giá năng lực học tập của học sinh qua điểm số phần nào tạo ra áp lực căng thẳng trong quá trình tiếp nhận kiến thức ngay từ những lớp học, cấp học đầu tiên. 

Nhằm hạn chế tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 30 quy định đối với học sinh tiểu học, giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh trong suốt thời gian học. 

Làm sao để quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh Tiểu học đạt hiệu quả? (Ảnh: vnexpress.net)
Làm sao để quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh Tiểu học đạt hiệu quả? (Ảnh: vnexpress.net)

Sau hơn một năm học thực hiện, quy định mới của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người. 

Trước hết phải khẳng định rằng, quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học được Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng đại trà từ năm học 2014-2015 có thể xem là một giải pháp nhằm giải tỏa áp lực, tạo sự hứng thú học tập cho lớp học sinh vừa mới rời trường mầm non để bước vào một môi trường học tập mới. 

Từ trước tới nay, mục tiêu phải giành bằng được những điểm số cao không chỉ trong các bài kiểm tra mà ngay cả trong những giờ học bình thường hàng ngày được không ít các bậc phụ huynh áp đặt cho con ngay từ năm học đầu tiên của cấp tiểu học. 

Áp lực trên vô tình đã đẩy con trẻ vào cuộc đua điểm số, dẫn tới sự ganh đau thành tích không cần thiết. Nhất là với đối tượng học sinh còn nhỏ tuổi, chưa thực sự ổn định về tâm lý, nhận thức. 

Thời gian qua, tình trạng học sinh học trước chương trình lớp 1 diễn ra khá phổ biến, gây ra không ít những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng tới quá trình tiếp nhận kiến thức trước mắt và lâu dài của trẻ. 

Trong khi đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, đối với giáo dục mầm non, nhiệm vụ chủ đạo là giúp trẻ vui chơi, nhận biết thế giới xung quanh, bước đầu nhận dạng các chữ cái… 

Làm sao để quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh Tiểu học đạt hiệu quả? ảnh 2

Cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư 30, cấm bài tập về nhà, không chấm điểm

(GDVN) - Năm học 2015-2016, các trường Tiểu học trên cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư 30, tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục…

Việc dạy chữ chỉ thực sự được triển khai khi trẻ đã chính thức bước vào lớp 1. Mặc dù đã có những khuyến cáo về những tác động xấu có thể xảy ra từ việc cho trẻ học trước chương trình nhưng không ít bậc phụ huynh vẫn bắt trẻ phải “đi tắt đón đầu” để không thua kém bạn bè cùng trang lứa.  

Khi quy định không chấm điểm đối với học sinh tiểu học được áp dụng, độ “nóng” của cuộc đua cho trẻ học trước chương trình lớp 1 hẳn sẽ giảm “nhiệt” đáng kể. 

Cùng với đó, áp lực về điểm số đối với học sinh lớp đầu cấp tiểu học sẽ dần được giải tỏa khi Bộ GD&ĐT quy định: “Giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào”. 

Đây có thể xem là động thái tích cực của Bộ GD&ĐT nhằm nhân rộng mô hình trường tiểu học mới, khuyến khích trẻ tự học, sáng tạo. Từ đó, giúp các em tự tin, chủ động trong quá trình tiếp nhận kiến thức.

Qua tìm hiểu được biết, bên cạnh nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, trong giáo viên và phụ huynh học sinh còn xuất hiện một số băn khoăn về việc không chấm điểm đối với học sinh tiểu học có thể làm giảm động lực học tập của học sinh. 

Một số phụ huynh lo ngại khi giáo viên không đánh giá năng lực học tập của con em bằng cách cho điểm, họ sẽ khó có thể “đo đếm” được sức học thực sự của con em, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

Làm sao để quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh Tiểu học đạt hiệu quả? ảnh 3

Cần thay đổi những điều chưa phù hợp trong Thông tư 30

(GDVN) - Mong rằng, Bộ GD&ĐT cần có sự nghiên cứu, những hướng dẫn, chỉ đạo hợp lí nhằm giảm được áp lực cho giáo viên, giảm được những ghi chép không cần thiết.

 
Thậm chí, có ý kiến bi quan cho rằng, việc không chấm điểm trong quá trình dạy và học có thể dẫn tới tình trạng thả nổi, buông lỏng về chất lượng giáo dục. 

Những băn khoăn, nghi ngại nêu trên là dễ hiểu bởi không cho điểm đối với học sinh là một chủ trương hoàn toàn mới mẻ. 

Trong khi tâm lý nhiều người vẫn còn bị chi phối bởi nếp nghĩ cũ cho rằng điểm số là thước đo duy nhất để xác định năng lực học tập của người học. 

Tuy nhiên thực tế cho thấy, nỗi ám ảnh về điểm số cao, thấp gây ra những áp lực căng thẳng đối với học sinh tiểu học là điều cần tránh. 

Do đó, thay vì cho điểm, chủ trương khuyến khích giáo viên nhận xét, đánh giá, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn học sinh trong quá trình học tập là phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá trong trường học. 

Đồng thời, việc nhận xét, đánh giá cụ thể của giáo viên đối với mỗi đối tượng học sinh có thể giúp cho sự liên kết, phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trở nên có chiều sâu, thực chất hơn. 

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì mục đích của việc nhận xét, đánh giá thay cho điểm số là để: “Khuyến khích sự cố gắng, hướng dẫn các em vượt qua những khó khăn và có được niềm vui trong học tập”. 

Vấn đề còn lại là, giáo viên trực tiếp giảng dạy cần có nhận xét, đánh giá sao cho sát đúng với tình hình học tập cụ thể của từng đối tượng học sinh. 

Đây cũng là khó khăn không nhỏ đối với giáo viên đứng lớp bởi nếu đánh giá qua loa chiếu lệ, lấy nhận xét của học sinh này “nhân bản” cho học sinh khác thì quy định mới của Bộ GD&ĐT sẽ không còn ý nghĩa.

Bùi Minh Tuấn