Làm sao để thầy cô không ngại làm chủ nhiệm?

07/10/2017 06:19
Hưng Nhân
(GDVN) - Giáo viên ai cũng mong các cấp quản lý giáo dục hãy gỡ bỏ bớt, giảm tải công việc để người thầy không còn bị áp lực nặng nề cho việc làm giáo viên chủ nhiệm.

LTS: Hiện nay, nhiều giáo viên thường "sợ" làm công tác chủ nhiệm lớp bởi gánh nặng, sức ép và trọng trách của công việc này quá lớn.

Từ đó, tác giả Hưng Nhân cho rằng, ngành giáo dục cần quy định chế độ giảm giờ cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp để họ có thời gian chuyên tâm cho bài giảng, cho học trò… và không còn “sợ” nữa.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện giáo viên sợ, né hoặc không muốn làm chủ nhiệm làm công tác chủ nhiệm là có thật. Do định mức biên chế, giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể “né” làm chủ nhiệm lớp, nhưng còn giáo viên tiểu học thì khó tránh khỏi việc làm công tác chủ nhiệm.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên chủ nhiệm cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông được tính mỗi tuần 4 tiết còn tiểu học là 3 tiết.

Thế nhưng, thực tế thời gian giáo viên các cấp dành cho công tác chủ nhiệm lớp gấp nhiều lần định mức số tiết được hưởng.

Và ở trường, tất cả mọi việc đều “trăm dâu đổ đầu… giáo viên chủ nhiệm” nên thầy cô phải vất vả, nhọc nhằn với công việc nặng trĩu đôi vai.

Bội thực công việc vì làm cả những việc không tên

Hiện nay, nhà giáo gặp nhau thường tâm tư là công việc ngày càng nhiều, ngày càng vất vả, không còn thời gian cho cuộc sống sinh hoạt, giải trí tối thiểu.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi tuần giáo viên tiểu học phải dạy 23 tiết, trung học cơ sở là 19 tiết, trung học phổ thông là 17 tiết.

Với định mức tiết dạy như vậy chẳng có gì để nói nếu không có hàng trăm công việc trong và ngoài chuyên môn khác mà thầy cô phải gồng gánh oằn vai như: soạn giáo án, làm hồ sơ sổ sách, hội họp, dự giờ, lên chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, hội giảng, sinh hoạt ngoại khóa...

Nhiều giáo viên thường "né" hoặc không muốn làm công tác chủ nhiệm bởi sức nặng công việc này quá lớn (Ảnh minh họa: Sa tế).
Nhiều giáo viên thường "né" hoặc không muốn làm công tác chủ nhiệm bởi sức nặng công việc này quá lớn (Ảnh minh họa: Sa tế).

Giáo án với vô số thứ lồng ghép như an toàn giao thông, môi trường, hoạt động ngoài giờ lên lớp, kỹ năng sống, nha học đường, chống ma túy, tiết kiệm năng lượng, phòng chống tham nhũng...

Chấm bài cũng đòi hỏi giáo viên mất không ít công sức. Một lớp khoảng 40 em thôi, mỗi tháng chấm vài trăm con điểm và lời nhận xét.

Rồi làm các loại hồ sơ như sổ kế hoạch bộ môn, sổ chuyên đề, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, sổ học bồi dưỡng thường xuyên, sổ ghi chép các tiết dạy bằng công nghệ thông tin, sổ học tập, sáng kiến kinh nghiệm…

Với giáo viên chủ nhiệm lại càng thêm gánh nặng sổ sách.

"Nhọc nhằn vô cùng là hàng loạt hồ sơ sổ sách giáo viên chủ nhiệm làm hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng trong suốt một năm học: sổ chủ nhiệm, sổ điểm, sổ đầu bài, sổ theo dõi, điểm danh, học bạ, nhật ký chủ nhiệm, sổ liên lạc, sổ thu chi quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp...

Sức ép dồn vào những lúc tính điểm học kỳ, cuối năm học. Sai sót vài ba chỗ là coi như giáo viên chủ nhiệm đó ôm trọn gói làm lại hơn chục môn học, lại còn bị trừ điểm thi đua.

Đó là chưa kể vô số phong trào từ cấp trường đến cấp tỉnh, cái nào cũng phải tham gia”. [1]

Làm sao để thầy cô không ngại làm chủ nhiệm? ảnh 2

Tại sao giáo viên sợ làm chủ nhiệm?

Ngán nhất, sợ và mất nhiều thì giờ nhất là những buổi hội họp. Họp hành liên miên đến nỗi “lạm phát”, "bội thực".

Đủ thứ tên gọi: họp hội đồng, chuyên môn, tổ khối, đoàn thể, phụ huynh, họp đột xuất, hội nghị, họp giáo viên chủ nhiệm…

Họp giờ hành chính không đủ phải lấy ngoài giờ, cả trưa, tối. Lại còn dự giờ, dự chuyên đề, thanh tra, thao giảng, coi thi, chấm thi.

Chưa hết, còn hàng chục các hội thi, phong trào này nọ từ trường cho đến các cấp trong ngành, ngoài ngành. Đủ các phong trào, các cuộc thi này kì thi khác, lớn có, nhỏ có của cả thầy lẫn trò cũng tiêu tốn thêm khá nhiều thời gian, công sức.

Thầy thì thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; thi giáo viên giỏi công nghệ thông tin, thi sáng kiến kinh nghiệm.

Trò thì thi an toàn giao thông, các cuộc thi vẽ tranh, văn nghệ, thể thao, thi học sinh giỏi…

Thế nhưng cực nhất và ai cũng ngại nhất là những việc không tên.

Đó là thu các khoản tiền của học sinh, rồi còn hồ sơ thu chi mà ngay cách gọi tên cũng khiên cưỡng như thu giùm, thu hộ. Mỗi khoản thu là phải ghi biên lai, làm sổ sách thu chi.

Rồi thì đủ loại tiền: bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, dụng cụ học tập, đồng phục, sữa học đường, quỹ cha mẹ học sinh trường, lớp…

Ai làm công tác chủ nhiệm rồi sẽ cảm thấy vất vả với ba cái khoản tiền thu không dễ dàng này.

Vào lớp, đầu tiên là nhắc nhở em này, em kia đóng tiền. Thầy là chủ nợ, học sinh thành con nợ. Nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiết dạy vì làm mất thời gian đáng kể, làm xấu đi hình ảnh người thầy trong mắt học trò.

Làm nhiều căng thẳng nhiều nên tâm lý thầy cô đôi lúc bị ảnh hưởng. Gặp học sinh quậy phá hay không chịu học bài nếu thiếu kiềm chế là vô tình có những cư xử kém hay trong mắt học trò. Tai nạn nghề nghiệp sẽ đến với người thầy bất cứ lúc nào.

Chế độ cho giáo viên chủ nhiệm còn bất cập

Theo thông tư 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.

Thế nhưng, nhiều giáo viên chủ nhiệm cho rằng với quy định như vậy là quá ít, tạo áp lực cho giáo viên chủ nhiệm.

Và thực tế, thực hiện công việc của giáo viên chủ nhiệm đã tốn nhiều thời gian cho việc cố định như hàng tuần phải mất 2 tiết, 1 tiết cho buổi chào cờ, 1 tiết sinh hoạt lớp.

Làm sao để thầy cô không ngại làm chủ nhiệm? ảnh 3

Trăm dâu đổ đầu... giáo viên chủ nhiệm

Như vậy, giáo viên chủ nhiệm bậc tiểu học chỉ còn 1 tiết, trung học cơ sở và trung học phổ thông là 2 tiết.

Với thời gian quá ít như vậy sao thầy cô có thể vừa làm hồ sơ chủ nhiệm, vừa lo cho các phong trào, cuộc thi khác trong khi đó mọi hoạt động đều do giáo viên chủ nhiệm làm hoặc tổ chức, phát động, đôn đốc học sinh làm.

Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm là quá lớn. Lớp ngoan thì chẳng nói, lớp ì ạch có nhiều học sinh cá tính, cá biệt hay không có thành tích, nhà trường và giáo viên bộ môn cứ đổ lên đâu chủ nhiệm.

Lớp có thu đủ quỹ hội, bảo hiểm y tế, tai nạn, tham ra đầy đủ các phong trào, các cuộc thi hay không là giáo viên chủ nhiệm.

Không đạt chỉ tiêu sẽ bị cắt thi đua và có khi bị hiệu trưởng cho là làm công tác chủ nhiệm kém.

Đó là chưa nói đến áp lực từ phía cha mẹ học sinh khi hiện nay phụ huynh đòi hỏi rất cao từ người thầy. Con cái học không giỏi cũng thầy, con hư lại thầy, con không đạt được danh hiệu, không nhận phần thưởng cũng thầy. Rồi trăm sự nhờ vào thầy. Vất vả, cực khổ vô cùng!

Một nỗi băn khoăn của không ít giáo viên chủ nhiệm là: “kết quả học tập cuối năm của lớp”.

Theo đó, nếu kết quả của lớp thấp quá so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm thì giáo viên chủ nhiệm sẽ bị hạ hoặc cắt thi đua do “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Xét cho cùng kết quả học tập của học sinh không hoàn toàn là lỗi của giáo viên chủ nhiệm. Mà từ nhiều yếu tố, đó là ý thức học tập của các em, từ giáo viên bộ môn… nhưng “trăm dâu đổ đầu tằm” và giáo viên chủ nhiệm lại chính là người chịu trách nhiệm trước nhất.” [2]

Chính vì vậy, Bộ giáo dục và Đào tạo cần tăng số tiết làm công tác chủ nhiệm lớp cho giáo viên một cách hợp lí hơn.

Và nữa, giáo viên ai cũng mong các cấp quản lý giáo dục hãy gỡ bỏ bớt, giảm tải công việc để người thầy không còn bị áp lực nặng nề cho giáo viên chủ nhiệm, nhẹ đi gánh “nhọc nhằn”, có thời gian chuyên tâm cho bài giảng, cho học trò…

Tài liệu tham khảo

[1] http://tuoitre.vn/nang-ganh-giao-vien-chu-nhiem-483384.htm

[2]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-vien-so-lam-chu-nhiem-lop-20160319210152132.htm

http://tuoitre.vn/khong-phai-lam-chu-nhiem-a-khoe-qua-1373287.htm

Hưng Nhân