Lần thứ hai sở giáo dục Vĩnh Phúc ‘bẻ cong’ Nghị định Chính phủ!

18/04/2013 13:27
Đức Giang
(GDVN) - Nếu Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có một văn bản… ngang tầm Bộ GD&ĐT, quy định khái niệm "kết quả các môn học" thì quả thật “thiên tài”!

Trường tính 1 cách, Sở tính 1 kiểu, ai làm đúng Nghị định 29?

Về cách tính điểm xét tuyển viên chức, tại Mục 3/Điều 12/Khoản 1 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP có ghi: “Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển…” (chỗ in đậm chúng tôi nhấn mạnh - pv)

Sáng 17/4/2013, thí sinh đến Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nộp lại bảng điểm tốt nghiệp đại học có tách Điểm học tập và Điểm tốt nghiệp theo yêu cầu tại Thông báo số 225 ban hành ngày 23/3/2013 của Sở này. Các chuyên viên đã không nhận hồ sơ của thí sinh với lý do: Các trường tách Điểm học tập và Điểm tốt nghiệp sai cách, không đúng với Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Giám đốc Sở Hoàng Minh Quân trả lời Giáo dục Việt Nam khi phóng viên đưa ra thắc mắc của thí sinh vào cuối buổi sáng 17/4: "Việc tính điểm không đúng hay không chính xác thì tôi chưa nắm được, tôi đang họp"...

Ông Vũ Kiên Cường, chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ (1 trong 2 người có trách nhiệm nhận hồ sơ), giải thích miệng với các thí sinh: Áp dụng theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP, Điểm học tập được tính bằng cách lấy đầu điểm của các môn trong bảng điểm cộng vào nhau, được bao nhiêu đem chia cho số đầu môn học tương ứng (chúng tôi gi cách này là Cách tính 1 - pv).

Trong khi thực tế, Điểm học tập mà các trường tách cho thí sinh được tính theo cách: đầu điểm của mỗi môn học nhân hệ số (hệ số nhân chính là số đơn vị học trình của môn đó), tất cả cộng lại với nhau, rồi chia cho tổng số đơn vị học trình của tất cả các môn (chúng tôi gi cách này là Cách tính 2 - pv).

Có thể thấy, kết quả của cả 2 cách tính này đều là “trung bình cộng”, khác nhau là Cách tính 1 không nhân hệ số từng đầu điểm, Cách tính 2 có nhân hệ số từng đầu điểm. Nếu quy định thực hiện Cách tính 2 nhưng lại đi áp dụng Cách tính 1 (hoặc ngược lại) thì hậu quả là có thể gây đảo lộn giá trị, không công bằng, thí sinh đáng trúng lại trượt, thí sinh đáng trượt lại trúng…
Ví dụ: Hai thí sinh A và B có bảng điểm tốt nghiệp như bên dưới (số môn giống nhau nhưng từng đầu điểm khác nhau và số trình khác nhau). Tính theo Cách tính 1 thì A đạt 8,0, hơn điểm B chỉ đạt 7,67. Tính theo Cách tính 2 thì thí sinh A lại chỉ đạt 7,75, B cao hơn đạt 8,0. Nếu tuyển dụng theo Cách tính 2 thì B trúng, nhưng chọn áp dụng Cách tính 1 thì B bị trượt. 

Cánh tính điểm ví dụ với 2 thí sinh A và B. Viết tắt: Đơn vị học trình = ĐVHT.
Cánh tính điểm ví dụ với 2 thí sinh A và B. Viết tắt: Đơn vị học trình = ĐVHT.

Dĩ nhiên, không có chuyện Nghị định 29/2012/NĐ-CP ban hành lại để có chuyện thích áp dụng cách nào cũng được, gây đảo lộn trắng đen. Thế nên, chỉ có một trong hai khả năng:

- Khả năng 1: Cách hiểu của ông Vũ Kiên Cường (chưa rõ đây đó có phải là cách hiểu của lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc hay không?) là đúng. Khi đó áp dụng Cách tính 1.

- Khả năng 2: Cách hiểu của ông Vũ Kiên Cường (chưa rõ đây đó có phải là cách hiểu của lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc hay không?) là sai, còn các trường đại học làm đúng. Khi đó áp dụng Cách tính 2.

Ai làm trái?

Lần thứ hai “bẻ cong” Nghị định Chính phủ!

Thật tình cờ là chính những lời bao biện trong quá khứ của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc lại trở thành bằng chứng để khẳng định Cách tính 1 là sai. Biết sai vẫn làm, thậm chí lại dùng lời lẽ làm thay đổi bản chất khái niệm trong Nghị định 29/2012/NĐ-CP để gây khó cho thí sinh thì khác nào lần thứ 2 “bẻ cong” Nghị định? (Lần “bẻ cong” thứ nhất: Bạn đọc bấm vào đây)

1) Ngay từ đầu khi Giaoduc.net.vn nêu ra cách tính điểm sai với Nghị định 29, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã gửi công văn trả lời rằng: “Điểm học tập” chính là “Điểm trung bình chung toàn khóa”. Từ đó, Sở khẳng định mình dùng “Điểm trung bình chung toàn khóa” nhân đôi là đúng.

Về lập luận này, sau đó Giaoduc.net.vn đã chỉ ra rõ cái sai, tuy nhiên nó cũng bao hàm một ý nghĩa nữa: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thừa nhận cách tính để cho ra con điểm Điểm trung bình chung toàn khóa cũng chính là cách tính để cho ra con điểm Điểm học tập.

Vậy Điểm trung bình chung toàn khóa được tính theo cách nào? Chính là Cách tính 2 chúng tôi nêu ra trên đây!

Cách tính 2 thật ra không hề xa lạ, mà tuân theo công thức tại Chương III/Điều 13/Khoản 2 a của Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy (ban hành kèm theo Quyết định 25/2006/QĐ-BGDĐT) - gọi tắt là Quy chế 25/2006. Trong khi Cách tính 1, không hiểu Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc dựa theo quy định nào?


Cũng cần nhắc thêm rằng, công thức trong Quy chế 25/2006 của Bộ cũng chính là một cơ sở lập luận khi Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc dùng để cố chứng minh “Điểm học tập” cũng chính là “Điểm trung bình chung toàn khóa” trước đây.

2) Đợt nhận hồ sơ từ ngày 17/4 đến 22/4 thực tế là đợt tính lại điểm xét tuyển sau khi làm sai. Có thể, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc sẽ lập luận rằng, cách tính trong quá khứ mà Sở áp dụng (bao gồm công thức và lập luận của Sở này theo Quy chế 25/2006) không áp dụng nữa. Nay Sở áp dụng Cách tính 1 vẫn là đúng theo Nghị định 29/2012/NĐ-CP do trong Nghị định có cụm từ “trung bình cộng”…

Nhưng nếu như vậy thì cũng có nghĩa đó là sự khẳng định: các sở giáo dục còn lại trên cả nước đang làm sai, làm trái Nghị định 29/2012/NĐ-CP khi chấp nhận nhận bảng điểm của tất cả các trường đại học tính theo Cách tính 2! Và, gần gũi hơn cả là 8 Phòng giáo dục thuộc Sở này, cũng làm sai nốt vì “dám cả gan” chấp nhận bảng điểm tách điểm theo Cách tính 2!

3) Chân lý có thể không thuộc về số đông, 1 người có thể đúng vạn người sai, có thể duy nhất Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc làm đúng còn tất cả các sở khác áp dụng sai. Nhưng trong trường hợp này điều đó không xảy ra.

Rất đơn giản, trở lại chính câu văn bản mà ông Vũ Kiên Cường (chưa biết có đại diện cho quan điểm của lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc hay không) dùng để nói với thí sinh về nộp lại bảng điểm: “Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển…”  (Mục 3/Điều 12/Khoản 1 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP).

Nhưng ông Cường chỉ nhấn vào chữ “trung bình cộng” mà vô tình hoặc cố ý lờ đi khái niệm đứng sau nó: “kết quả các môn học”.

Vậy văn bản nào quy định khái niệm “kết quả các môn học”? Nếu Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có một văn bản… ngang tầm Bộ GD&ĐT, quy định được điều này thì quả thật “thiên tài”!

Còn nếu không có thì hãy xem lại Quy chế 25/2006, thể hiện rất rõ và xuyên suốt trong văn bản: việc đào tạo sinh viên tại trường đại học và đánh giá việc học đó thông qua các đợt thi học phần, mỗi học phần gồm nhiều đơn vị học trình, mỗi đơn vị học trình gồm 15 tiết học, mỗi tiết học là 45 phút…

Đức Giang