Lên Suối Giàng ăn cơm với HS nghèo: Cơm cứng như đá!

04/10/2011 06:14
Tiểu Phương
(GDVN) - Mặc dù thịt và giò được mang lên cải thiện bữa ăn cho các HS Suối Giàng nhưng khi bày ra mâm, bọn trẻ cứ len lén nhìn nhau mà không dám gắp.
Ước mơ chỉ là… một đôi ủng

Chúng tôi tới suối Giàng vào một ngày trời mưa lất phất. Khi mọi người còn đang phân vân, loay hoay trên xe vì chưa có áo mưa để chạy ra ngoài cho khỏi ướt thì những đứa trẻ con lại cứ đứng im giữa sân.

“Đi vào nhà đi, kẻo trời mưa” – Tôi vừa lay lay đứa nhỏ chừng 7 tuổi vừa kéo nhẹ vạt áo nó và đẩy vào trong nhà nhưng nó cứ lỳ ra, bàn chân không hề nhúc nhích, mặc cho mưa hắt vào mặt, mặc cho ngoài trời, những đợt gió lạnh đang thổi vào không ngớt. Dường như với chúng, trời mưa chẳng khải là điều gì đó quá đáng sợ tới mức phải chạy ào đi tránh, chẳng nhẽ chúng hoàn toàn không có ý niệm gì về việc phải giữ gìn sức khỏe hay đơn giản chỉ là một phản ứng nhanh: Thấy mưa thì chạy?

Đang băn khoăn với câu hỏi của riêng mình thì một cô giáo tiến lại gần tôi bảo: “Chúng quen rồi em ạ. Ngày nào chẳng vậy, có những lúc đi bộ đường trơn, ngã lên, ngã xuống vài lần nhưng sau đó, chỉ phủi phủi qua loa cái quần ướt sượt, lấm lem bê bết rồi lại chơi tiếp”.

Trò chuyện với cô Phạm Thị Kim Hoa, giáo viên lớp 2B trường học bán trú suối Giàng, tôi mới biết: Ước mơ lớn nhất của các cô trò nơi đây là làm sao mỗi trẻ em đều có một đôi ủng. Cái ước mơ tưởng như nhỏ nhoi thế, đơn giản thế mà thật khó thực hiện!

“Mùa này là chuẩn bị mùa mưa. Khổ lắm em ơi, mỗi lần chúng đến trường, cả toàn thân, đầu tóc đều ướt như chuột lột, nhà nào có điều kiện thì sắm cho các em một chiếc ô, còn hầu hết đều không có tiền để mua lấy một chiếc áo mưa dù là mỏng manh đi chăng nữa. Mỗi lần nhìn các em ướt từ đầu tới chân vào lớp, tôi chỉ biết ôm, vỗ về chúng, rồi lấy chiếc khăn khô to xoa xoa đầu cho cháu, chứ không có nhiều quần áo để thay. Xót xa lắm!” – Giọng như lạc đi, cô Hoa chia sẻ.
Trong khi trẻ em thành phố được bố mẹ sắm cho những đôi dép đẹp đến trường, thì trẻ em nơi đây đến trường trên những đôi chân đất. Ảnh: Yên Ninh
Trong khi trẻ em thành phố được bố mẹ sắm cho những đôi dép đẹp đến trường, thì trẻ em nơi đây đến trường trên những đôi chân đất. Ảnh: Yên Ninh

Ăn cơm cứng như đá

Để cảm nhận những thiếu thốn của trẻ em vùng cao, tôi đã thử ngồi vào chiếu và cùng ăn cơm với các trẻ em nội trú bữa cơm trưa. Mặc dù, món thịt và giò được chuẩn bị trước từ Hà Nội để đem lên cải thiện bữa ăn cho các cháu đã được bày ra mâm một cách đầy đủ nhưng bọn trẻ em đứa nào, đứa nấy cứ len lén nhìn nhau mà không dám gắp.

Cô Hoa chỉ vào bát thức ăn còn đầy thịt nói: “Đấy, thịt vẫn còn nguyên, chúng chỉ quen ăn cơm không thôi và chan với nước húp xoằm xoặp”. Nhìn vào bát canh, tôi thấy lõm bóp nước, rau chỉ lưa thưa vài cọng. Cô giáo Hoa cũng thừa nhận một sự thật đau lòng: Đúng là bát canh của trẻ em vùng cao luôn là rau ít và nước nhiều.

“Chợ ở đây sơ sài lắm, dù có tiền cũng chẳng có thứ gì mà mua đâu. Chăn nuôi không phát triển do dịch bệnh nhiều nên thịt, cá cũng hiếm khi có để mà mua. Chỉ có 2 món duy nhất là cá khô và đậu phụ” – cô Hoa rầu rĩ nói.

Vừa nghe câu chuyện, tôi vừa đưa đũa và cơm. Vừa mới chỉ nhai được 2- 3 miếng, ôi chao, miệng tôi đã nghẹn ứ nơi cổ họng. Các đồng nghiệp của tôi cũng thốt lên: Cơm gì mà khô thế, không thể nuốt nổi đâu! Anh đầu bếp đứng cạnh đó cũng vội vàng thanh minh: “Tôi mua gạo Tàu ở ngoài chợ, 12.000 đồng/kg đó cô ạ”.

Tôi thấy nhói lòng khi miếng cơm, thứ duy nhất lũ trẻ có để ăn và tồn tại cũng khô khốc tới mức không thể nuốt trôi. Tôi cố ăn và cảm nhận…và tự nhủ: “Chúng khổ như vậy đấy, biết chưa?!”

Co ro trong cái lạnh

“Nhiều đêm, bọn trẻ không may đạp chăn ra khỏi giường, rơi xuống đất nhưng vì thiếu người chăm nom, chẳng có ai kéo chăn lên cho chúng. Và cả đêm đó, chúng co ro trong cái lạnh, đây là điều thiệt thòi hơn cả của trẻ em nội trú so với những trẻ em hằng đêm được rúc rúc vào nách mẹ trong chăn ấm ở nhà” – Một giáo viên tại suối Giàng cho chúng tôi biết.

Với số lượng lên tới 91 cháu nội trú nhưng chỉ có 2 thầy cô ở lại qua đêm để chăm sóc nên việc chăm chút từng bữa cơm cho tới giấc ngủ của các em nhỏ không thể sát sao, chu đáo tới chi tiết, tỉ mỉ được.

“Do nhà ở của giáo viên chưa có, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên vào buổi tối, chúng tôi mới chỉ bố trí được 1 thầy và 1 cô có nhà gần đây đến ngủ đêm cùng các cháu” – Thầy Sỏng Minh Thụ, giáo viên phụ trách dạy học ở trường bán trú của suối Giàng chia sẻ.
Trời lạnh quá, không ngủ được, các em đành thức dậy đốt lửa sưởi ấm. Ảnh: Yên Ninh
Trời lạnh quá, không ngủ được, các em đành thức dậy đốt lửa sưởi ấm. Ảnh: Yên Ninh
Ảnh: Yên Ninh
Ảnh: Yên Ninh

Từ bé đến giờ không biết đánh răng

Nhìn những gương mặt nhem nhuốc, đứa thì thò lò mũi xanh, đứa đỏ lòm vì đau mắt, không ít người trong đoàn công tác từ thiện của chúng tôi đã không khỏi rưng rưng xúc động. Điều ám ảnh và chua xót nhất là: Những việc đơn giản, tối thiểu như phải đánh răng hàng ngày hoặc phải giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tụi nhỏ vùng cao nơi đây cũng không hề hay biết.

“Hầu như là 1 tuần, chúng mới được tắm rửa một lần, hoặc nếu có tắm thì chỉ là tắm cho qua loa. Cô thấy đấy, mùa này trời lạnh, nước sôi lại hạn chế bởi lẽ chúng tôi có lúc phải đi xin từng xô nước để nấu ăn thì lấy đâu ra nước tắm cho các cháu” - cô giáo Phạm Thị Kim Hoa bộc bạch tâm sự.
Nhìn những gương mặt nhem nhuốc, đứa thì thò lò mũi xanh, đứa đỏ lòm vì đau mắt, không ít người trong đoàn công tác từ thiện của chúng tôi đã không khỏi rưng rưng xúc động.
Nhìn những gương mặt nhem nhuốc, đứa thì thò lò mũi xanh, đứa đỏ lòm vì đau mắt, không ít người trong đoàn công tác từ thiện của chúng tôi đã không khỏi rưng rưng xúc động.
Tận mắt chứng kiến những tấm áo đen nhẻm, bốc lên một mùi hôi hôi, chua chua mà các em đang mặc, tôi nhắm mắt lại và mường tượng tới mùi Comfort hay Downy thơm phức của mấy em nhỏ ở quê tôi mà không khỏi chạnh lòng, đau xót. Tôi tặc lưỡi quay đi, không dám nhìn lâu vào vết bẩn đóng cục sau gáy áo của đứa trẻ 10 tuổi đang đứng trước mặt, tôi sợ: Tôi sẽ không thể cầm được lòng mình.

Tôi sợ cái cảm giác biết chúng khổ nhưng đành bất lực… Tôi vẫn chẳng thể làm gì ngoài lo cho các em vài manh áo ấm... Chẳng thể làm gì để cuộc sống của các em bớt khốn khó. Sự hỗ trợ của tôi chỉ như 1 hạt cát nhỏ giữa sa mạc – biển khổ của các em mà thôi. Thương lắm, thương lắm Suối Giàng ạ!

Tiểu Phương