Lời giải bài toán thất nghiệp cho cử nhân Sư phạm

11/07/2015 07:29
Bùi Mai
(GDVN) - Tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm đang là con số báo động. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có giải pháp triệt để.

LTS: Vấn đề thất nghiệp và các chính sách giải quyết việc làm đang là vấn đề nóng bỏng “và không kém phần bức bách”. Tuy nhiên, những biện pháp đưa ra chưa thực sự triệt để. 

Vấn đề nóng bỏng này được cô giáo Bùi Mai mạnh dạn đưa ra một số giải pháp với tư cách là "người trong ngành". 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết này. 

Một trong những ngành nghề mà sinh viên ra trường “lâm” vào tình trạng thất nghiệp trầm trọng hơn cả là ngành Sư phạm.

Năm 2014 hơn 35.000 cử nhân thất nghiệp, không khó để tìm kiếm đâu đó ở các công ty dệt may, điện tử… “bóng” của sinh viên ra trường bị thất nghiệp. 

Để được nhận vào làm công nhân, cử nhân phải “giấu” tấm bằng tốt nghiệp Đại học. Bởi nếu có bằng thì các công ty không nhận, như vậy nghiễm nhiên các cử nhân buộc phải trở thành lao động phổ thông không bằng cấp. 

Lời giải bài toán thất nghiệp cho cử nhân Sư phạm ảnh 1
Cử nhân thất nghiệp, quay trở lại đi làm công nhân, lao động phổ thông

Đây là một thực tế khá phổ biến diễn ra trong xã hội hiện nay. Tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc là vậy nhưng các trường Đại học, Cao đẳng vẫn cứ tăng chỉ tiêu tuyển sinh. 

Cứ như vậy thì đến bao giờ vòng luẩn quẩn của thất nghiệp mới được giải quyết? Chất lượng giáo dục bao giờ mới được đề cao?

Là người trong ngành, tôi hiểu rõ tình trạng thất nghiệp của những cử nhân ra trường, tôi xin mạnh dạn nêu lên giải pháp của của mình về vấn đề này:

Thứ nhất: Giảm chỉ tiêu, tăng chất lượng đầu vào, tổ chức các kì thi tuyển viên chức một cách công bằng. 

Các trường Đại học, Cao Đẳng cần giảm chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng các ngành đào tạo, chỉ tiêu được lập phải dựa trên số lượng giáo viên còn thiếu trên thực tế ở các địa phương.

Chỉ tiêu đầu vào cần giảm xuống 1/2 hoặc đến 2/3 số chỉ tiêu hiện tại ở các trường Đại học, Cao đẳng nhằm giải quyết số của nhân Sư phạm còn tồn đọng.

Giảm chỉ tiêu đồng nghĩa tăng chất lượng đầu vào. Tôi cho rằng các trường Sư phạm phải đề ra điểm trúng tuyển cao hơn các trường đào tạo ngành nghề khác, bởi lẽ có đội ngũ giáo viên tốt mới có những thế hệ học sinh giỏi, chất lượng giáo dục mới được nâng lên.

Khi trúng tuyển, sinh viên Sư phạm phải được đào tạo chuyên sâu cả về kiến thức lẫn kĩ năng và điều quan trọng là chất lượng đầu ra sau Đại học.

Đảm bảo về phân bổ việc làm, chế độ tiền lương, đãi ngộ….có như vậy có lẽ mới thu hút được những thí sinh thực sự có năng lực vào các trường Sư phạm.

Sau Đại học, các đơn vị Sở, Phòng GD&ĐT tiếp tục tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển viên chức một cách công bằng để tuyển chọn những người thực sự có năng lực.

Trong những năm gần đây, một số tỉnh thành tuyển viên chức ngành giáo dục theo hình thức thi tuyển. Ví như tỉnh Vĩnh Phúc, kết quả trúng tuyển phụ thuộc hoàn toàn vào điểm trung bình của các bài thi: Bài thi kiến thức chung + Bài thi chuyên môn (viết) + Bài thi thực hành (soạn giáo án 1 bài) x 2.

Lời giải bài toán thất nghiệp cho cử nhân Sư phạm ảnh 2

Cử nhân thất nghiệp tăng gấp đôi, vì đâu nên nỗi?

(GDVN) - Không xin được việc làm phù hợp với chuyên môn đã học, nhiều cử nhân phải giấu bằng đại học, quay trở lại học nghề để đi làm công nhân, lao động phổ thông.

Theo cá nhân tôi hình thức thi như vậy là không công bằng bởi kết quả trúng tuyển chỉ căn cứ vào phần thi tuyển, vậy kết quả các năm học của thí sinh không hề cần đến. 

Vậy theo tôi, hình thức thi công bằng hơn cả đó là kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển để tuyển chọn người giáo viên xứng đáng nhất, có năng lực, đủ đức đủ tài.

Không chỉ riêng trường Sư phạm mà tất cả các trường Đại học cần đề ra chỉ tiêu dựa trên số lượng lao động thực tế. 

Giảm chỉ tiêu hiện tại để giải quyết vấn đề việc làm. Đối với các thí sinh không đủ tiêu chuẩn vào Đại học, Cao đẳng nên học nghề và được đào tạo lao động phổ thông, tránh việc đỗ đạt một cách dễ dàng và rồi ra trường lại lâm vào cảnh không tìm được việc làm gây lãng phí tiền của, ngân sách Nhà nước.

Thứ hai: Đối với chính những sinh viên Sư phạm khi còn ngồi trên ghế Nhà trường cần tích cực học tập, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kĩ năng, khắc phục những nhược điểm, yếu kém của bản thân để xứng đáng là những người thầy cô giáo trong tương lai.

Thứ ba: Cần có sự quan tâm, giải quyết của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề giải quyết việc làm cho cử nhân Sư phạm.

Để giải quyết bài toán thất nghiệp cho cử nhân Sư phạm cần có sự vào cuộc của tất cả các ban ngành:  
   
Bộ GD&ĐT có công văn chỉ đạo, quán triệt chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường Đại học, Cao đẳng dựa trên số lượng giáo viên còn thiếu trên cả nước, đề ra phương án giải quyết việc làm cho các Sở, Phòng GD&ĐT trên các địa phương trong cả nước.

Sở GD&ĐT đứng ra sắp xếp, bố trí việc làm theo hình thức hợp đồng cho các cử nhân Sư phạm trong tỉnh dựa trên sự tuyển chọn công bằng. 

Phòng GD&ĐT tuyển chọn các ứng viên có năng lực vào dạy hợp đồng tại các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở. 

Tóm lại, vấn đề giải quyết việc làm của sinh viên nói chung và sinh viên ngành Sư phạm nói riêng là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. 

Giải quyết được bài toán thất nghiệp cho sinh viên Sư phạm hiện nay cũng là một giải pháp để tuyển dụng, thu hút nhân tài cho ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho hiện tại và tương lai.

Bùi Mai