Luận bàn về “chạy” trong trường học

14/08/2016 08:16
Nguyễn Cao
(GDVN) - Nhận tiền không phải bằng mồ hôi công sức của mình mà bằng vị trí công tác thì chữ thầy chỉ được nhắc trước mặt còn sau lưng người ta gọi lão ấy, thằng cha ấy.

LTS: Khi không có hoặc không giành được thứ mình muốn một cách đường đường chính chính thì cũng là lúc người ta hay nghĩ đến việc "chạy", dù nghĩa đen của từ này, chả liên quan gì.

Luận bàn về “chạy” trong giáo dục, thầy giáo Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Trong Tiếng Việt, từ “chạy” được hiểu là một động từ nhằm thể hiện sự di chuyển liên tiếp, nhanh và liên tục.

Thời nay, từ “chạy” đã được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau.

Trong bài viết này, người viết mạo muội xin luận bàn về từ “chạy” trong một số đơn vị ở ngành giáo dục.

Lúc còn đi học thì cha mẹ lo chạy tiền để trang trải cho con cái đi học, nhất là những gia đình có kinh tế khó khăn, những gia đình ở vùng nông thôn đang phải lo cái ăn từng bữa, nắng mưa, bão lụt của thời tiết.

Chạy trường, chạy lớp còn tồn tại ở nhiều nơi (congly.com.vn).
Chạy trường, chạy lớp còn tồn tại ở nhiều nơi (congly.com.vn).

Nhưng, khi con bước vào năm học thì cha mẹ nào cũng cố gắng xoay sở cho con có thêm bộ quần áo mới, đủ tiền đóng học đầu năm và mua sắm các dụng cụ học tập với mong muốn con cái trưởng thành, gặt hái được những thành công sau này.

Đầu năm học, muốn con được vào trường tốt, nhất là cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở, các bậc cha mẹ lại cố chạy trường cho con dù biết tốn kém vô vàn!

Những bậc phụ huynh đang làm việc ở các khu công nghiệp, các thành phố chưa có hộ khẩu lại phải mang nỗi lo chạy trường để có một chỗ cho con học hành.

Luận bàn về “chạy” trong trường học ảnh 2

GS. Hồ Ngọc Đại: Chạy trường làm gì? Nơi trẻ học tốt nhất là gần nhà

Chạy đã xong xuôi, nhiều người lại còn lo lắng, nhờ vả xin cho con vào lớp có nhiều học sinh học tốt, thầy cô (nhất là cấp Tiểu học) có tiếng để con được kèm cặp chu đáo hơn.

Những năm trước, nhiều học sinh do kinh tế khó khăn nên muốn theo nghề Sư phạm cho đỡ tốn tiền học phí khi học Đại học nhưng học xong lại không xin được việc đành tiền nhiều thì chạy gần nhà, chạy ít thì phải đi xa.

Khi công tác xa nhà, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được một thời gian thì họ lại muốn chạy về gần nhà, còn những người chỉ có hợp đồng ngắn hạn thì liên tục phải chạy để có nơi giảng dạy, khỏi mang tiếng thất nghiệp.

Nhiều địa phương khi số giáo viên đã dư thừa thì việc thực hiện kế hoạch luân chuyển có thời hạn từ vùng có điều kiện đến những vùng khó khăn cũng xả ra. Nhiều giáo viên khi có chồng đi công tác xa, có con nhỏ cũng đành phải chạy với Hiệu trưởng để được ở lại trường.

Chưa kể ngày Nhà giáo Việt Nam, Tết Nguyên đán, các ngày hiếu, hỷ của Ban Giám hiệu giáo viên cũng phải “tất tả” chạy đến nhà sếp để thể hiện tình cảm và bày tỏ sự biết ơn bởi lâu nay được “thầy”, “cô” quan tâm, giúp đỡ!

Trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ ở một số địa phương dù không nói ra nhưng vẫn có một số người chạy với cấp trên để được bổ nhiệm.

Khi còn là giáo viên thì tạo mối quan hệ tốt với Ban Giám hiệu, cán bộ Phòng, Sở để được vào quy hoạch, khi vào quy hoạch thì lại lo chạy để được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng, rồi lên Hiệu trưởng.

Luận bàn về “chạy” trong trường học ảnh 3

Bộ Giáo dục biết tình trạng chạy trường, chạy lớp

Nhất là trường khi có một Hiệu trưởng về hưu mà trong đơn vị có hai Phó Hiệu trưởng thì cả hai cùng âm thầm chạy để được bổ nhiệm, tuy nhiên, cũng có địa phương khi giáo viên được quy hoạch và bổ nhiệm thì người ta lại cương quyết không muốn  làm.

Đầu năm học nhiều công ty bảo hiểm, cơ sở may mặc, cửa hàng văn phòng phẩm đều âm thầm tiếp cận các Ban Giám hiệu nhà trường để được đưa sản phẩm của mình vào bán trong trường học và dĩ nhiên, ai chạy tốt thì người đó sẽ được ưu tiên cung ứng sản phẩm.

Thực ra, khi nói đến từ chạy thì ai cũng lên án và có những người không thấy hay chưa trải qua thì không tin là đó là sự thật

Tuy nhiên, nếu những đơn vị mà Hiệu trưởng có tâm, có tầm, biết yêu thương học trò và cảm thông với phụ huynh để nói không với tiêu cực thì những thầy, cô ấy mới được mọi người gọi là  “thầy” đúng nghĩa.

Còn dĩ nhiên, những ai đã từng nhận tiền, cầm tiền không phải bằng mồ hôi công sức của mình mà bằng vị trí công tác thì chữ thầy chỉ được người ta nhắc trước mặt, còn sau lưng người ta gọi là “ông ấy”, “lão ấy”, “thằng cha ấy”… cho dù người ấy đang là thầy.

Nguyễn Cao