Luật Giáo dục Đại học hay luật "né"?

15/11/2011 11:24
Thu Giáo
(GDVN) - Vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu QH đó là việc giao quyền tự chủ cho các trường.
Chiều qua (14/11), vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu QH đó là việc giao quyền tự chủ cho các trường, kiểm định chất lượng và kiểm soát chất lượng đào tạo chứ không nên quy định chung chung.

Luật giáo dục “né”

Gây bức xúc nhiều nhất cho đại biểu quốc hội là tình trạng luật “né” các quy định về quyền tự chủ, vẫn thể hiện tư tưởng xin – cho, bao cấp.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thẳng thắn góp ý, luật giáo dục đại học còn gọi là luật “né” vì dự thảo luật vẫn còn chung chung, né tránh hầu hết các vấn đề cốt tử của giáo dục đại học. Các vấn đề lớn trong giáo dục đang còn bị "nén" lại, né tránh. Hầu hết những điều khoản quan trọng đáng lẽ phải được làm rõ trong luật thì lại tiếp tục được chuyển lên cho Thủ tướng hoặc Chính phủ quy định.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng. Ảnh: VNN
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng. Ảnh: VNN
“Trông đợi lớn nhất của giới làm giáo dục vào dự luật là việc làm rạch ròi quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. "Đây là linh hồn của giáo dục đại học, nhưng luật lại chỉ thể hiện rất chung chung. Hầu hết các vấn đề chính vẫn giao cho Chính phủ quy định", ông Đáng nói.

Theo ông, riêng quy định về giao quyền tự chủ đã xứng đáng để viết thành một chương, cụ thể, rạch ròi về đối tượng, lộ trình cũng như việc kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ. Việc giao quyền tự chủ phải thực hiện có lộ trình, giao đến đâu và giao ở mức độ nào là phù hợp.

Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) góp ý, luật giáo dục đại học còn quy định quá chung chung, mang tính tự chủ nửa vời, nặng tính chất xin - cho khi mà quá nhiều nội dung về tự chủ cần phải quy định chi tiết thì lại bị né tránh giao hết cho Chính phủ.

Nhiều đại biểu khác cho rằng, luật chưa giải quyết hết vấn đề bức xúc hiện nay giáo dục đại học như tuyển sinh, học phí, kiểm định, tự chủ, mô hình trường…

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, các điều khoản trong luật chưa cụ thể, còn chung chung, có hơn 20 điều khoản vẫn cần sự hướng dẫn của Thủ tướng và Bộ trưởng GD&ĐT.

Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) cho rằng, hơn một nửa quy định về giao quyền tự chủ được Luật giao cho Chính phủ và Bộ GD&ĐT quy định.

Theo bà Yến, Bộ GD&ĐT không nên ôm đồm các công tác chuyên môn mà nên tập trung quản lý Nhà nước, làm mạnh khâu hậu kiểm, thanh tra. Cùng với đó, Luật cũng cần đưa ngay các điều kiện về mở ngành đào tạo, không nên giao Chính phủ, phải có chế tài rõ ràng để xử lý các sai phạm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) còn đề nghị soạn thảo lại Luật GDĐH, trong đó hạn chế giao cho Chính phủ quy định, cái gì quy định được trong Luật thì đưa vào luôn
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: VNN
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: VNN
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án luật này vẫn bất hợp lý bởi: "Trong 6 điều quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường thì có tới 5 điều quy định thẩm quyền của Bộ trưởng GD&ĐT".

Đại học "mọc" quá nhanh

Trước thực trạng số lượng trường đại học, cao đẳng tăng nhanh khiến cung vượt quá cầu và nhiều trường không thể tuyển được sinh viên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, để xảy ra tình trạng hiện nay là do lỗi hệ thống bởi theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cơ quan này hiện chỉ trực tiếp phụ trách hơn 50 trong tổng số hơn 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Từ năm 1998 đến năm 2009 đã có 312 trường ĐH, CĐ được thành lập. Nghĩa là trung bình cứ 2 tuần, lại có 1 trường ĐH, CĐ ra đời. Kết quả, tính đến tháng 9/2009, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ. Số trường ĐH tăng chủ yếu là do nâng cấp từ CĐ lên, còn các trường mới thành lập thì rất ít, trong đó, các trường NCL chỉ có 77 trường mới thành lập.
Ảnh: VNE
Ảnh: VNE
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) nhận định, việc thành lập trường tràn lan, chất lượng yếu kém đang khiến xã hội lo lắng. Vì vậy, luật cần quy định việc thành lập mới trường phải theo quy hoạch và quy trình chặt chẽ hơn.

Khẳng định điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng giáo dục đại học chính là giảng viên, đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cho rằng, tồn tại lớn nhất hiện nay chính là số lượng trường không ngừng tăng lên đã khiến giảng viên thiếu và thầy cô chạy sô hết trường này tới trường khác.

Trong khi đó, có tình trạng một thầy dạy tới 4-5 trường, phải thuê trợ giảng cho những khoản thời gian không sắp xếp được. Điều này là thực tế cần sớm có biện pháp giải quyết, do vậy dự thảo luật cần có một điều khoản quy định về vấn đề này.

Với đại biểu Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình) để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cần quy hoạch lại mạng lưới giáo dục đại học. Dự thảo luật cần có chế tài đủ mạnh để cơ cấu lại mạng lưới giáo dục đại học, tránh việc mở nhiều trường như thời gian vừa qua.

Cũng theo giáo viên tiểu học này, cần quy định trình độ chuẩn của giảng viên bởi đội ngũ này dường như không phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, số lượng sinh viên hàng năm tốt nghiệp nhiều nhưng thiếu và yếu.
Dù đồng ý với quy định giảng viên đại học phải có trình độ trên đại học nhưng đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) lo lắng trước thực trạng làm không đúng chuyên môn bởi “có tình trạng thạc sĩ quản lý giáo dục lại dạy môn triết học”.

Thu Giáo