Mô hình trường bán trú và 15 cân gạo cho học sinh miền núi

16/02/2015 06:07
NGƯT Trần Luyến
(GDVN) - Việc tổ chức lo cho học sinh không bỏ lớp đã khó, nay lại thêm cái khó là động viên học sinh không bỏ. Sơn La là tỉnh miền núi và đã làm tốt công tác này.

LTS: Tổ chức bán trú cho học sinh, nhất là ở vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương lớn của chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo bắt nguồn từ cơ sở, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và học sinh các dân tộc.

Chỉ mới thực hiện trong vòng vài ba năm nhưng các trường bán trú ở Sơn La đã tưng bừng khởi sắc. Cho đến xuân này toàn tỉnh có 207 trường có bán trú với 29.973 học sinh bán trú (trong đó có 49 trường phổ thông dân tộc bán trú); cả 207 trường đều tổ chức nấu ăn tập trung cho 22.847 học sinh (trong đó tiểu học 88 trường, trung học cơ sở 114 trường, trung học phổ thông 05 trường). 

Nhiều huyện có số trường tổ chức nấu ăn tập trung khá cao như: huyện Bắc Yên 28 trường; Phù Yên 27 trường; Thuận Châu 27 trường; Yên Châu 25 trường...

Để có thêm màu sắc cho bức tranh giáo dục miền núi, bài viết dưới đây của NGƯT Trần Luyến - Ủy viên Thường vụ Trung ương - Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sơn La sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về công tác làm giáo dục ở miền ngược như thế nào.

Động viên kịp thời để học sinh đến trường

NGƯT Trần Luyến viết: Sơn La là tỉnh có nhiều trường có bán trú và số học sinh bán trú rất đông. Nếu như không có cơ sở bán trú và nếu như các em không được hưởng chế độ trợ cấp 15 kg gạo và 460.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh thì việc bỏ học, đi học không đều, không thường xuyên là chuyện tất nhiên.

Mô hình trường bán trú và 15 cân gạo cho học sinh miền núi ảnh 1

Nhà giáo Trần Luyến -Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Sơn La trong một lần xuống Hà Nội. Ảnh Xuân Trung

Mấy năm trước tuy đã tổ chức bán trú dân nuôi, nhưng các em ở bản xa trường từ 5 đến 10km, thậm chí 20 km, đường xa cứ thứ 5 các em bỏ về nhà và chủ nhật hoặc đầu tuần vác gạo, muối, rau, bí… vượt đèo lội suối để đến trường. 

Các em nhỏ có cha mẹ, anh chị mang giúp; nếu không có gạo ăn thì bỏ học. Tỷ lệ bỏ học của các em có năm, có trường lên tới 30-40%. Việc sinh hoạt, ăn uống ở cơ sở bán trú phó mặc cho các em, tự nấu cơm, tự ăn; nếu thèm thịt thì vào rừng bẫy chuột, xuống suối bắt cá…

Nay các trường bán trú đã hoàn toàn khác trước: Cơ sở bán trú tương đối khang trang, có nơi để các em sinh hoạt tập thể, xem truyền hình, tập văn nghệ. Có sân tập thể thao, có nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh; và cứ 25 học sinh thì có 1 người nấu ăn chăm sóc cho các em, do vậy các em có điều kiện học tập, vui chơi. 

Đến nay toàn tỉnh có 1.143 phòng ở cho học sinh bán trú, có 207 nhà bếp bán trú; có 554 nhân viên nấu ăn, 163 nhân viên bảo vệ và 137 nhân viên y tế phục vụ học sinh bán trú tại các trường.

Đến trường, đến bán trú là niềm vui nên rất ít học sinh bỏ học; tỷ lệ học sinh Sơn La bỏ học thấp nhất trong khu vực Tây Bắc và các tỉnh miền núi. Chất lượng dạy và học được cải thiện, nhiều học sinh dân tộc học khá, giỏi không thua kém các dân tộc khác. 
Trường bán trú của Sơn La thực sự khởi sắc ! Tại sao lại có sự tiến bộ nhanh chóng như vậy?

Là những người làm công tác khuyến học chúng tôi thấm thía rằng: Chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành và toàn xã hội. 

Đảng bộ và nhân dân Sơn La đã và đang làm như vậy. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách bán trú. 

Ban Thường vụ tỉnh ủy ban hành Kết luận số 956-KL/TU ngày 16 tháng 01 năm 2014; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 61/2013/NQ-HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2013 và Nghị quyết số 81/2014/NQ-HĐND ngày 16 tháng 7 năm 2014 về chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú, trường bán trú trên địa bàn tỉnh. 

UBND tỉnh đã cụ thể hóa kịp thời và triển khai thực hiện sâu sát. Các chính sách của tỉnh ban hành rất phù hợp thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; vì thế nhanh chóng đi vào cuộc sống được nhân dân các dân tộc đồng tình ủng hộ và phấn khởi thực hiện. 

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các vị lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên thăm nom, đến tận cơ sở bán trú động viên thầy trò. Tiêu chuẩn hỗ trợ gạo, tiền được chuyển đến tận trường, trao tận tay các em. 

Các tổ chức Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội cha mẹ học sinh… đều đã vào cuộc một cách thiết thực. 

Sơn La đất rừng rộng lớn, để có đất làm vườn trồng rau, làm chuồng chăn nuôi gia súc không khó. UBND xã bố trí đất theo yêu cầu của trường, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên giúp khai phá đất làm vườn, khu chăn nuôi. 

Hội Phụ nữ, Hội cha mẹ học sinh hướng dẫn chăm sóc và bảo vệ. Hội Khuyến học động viên kịp thời. 

Mô hình trường bán trú và 15 cân gạo cho học sinh miền núi ảnh 2

Học sinh miền núi được trang bị máy tính hiện đại trong giờ học. Ảnh minh họa

Năm học 2014-2015 tính đến tháng 12/2014 các trường bán trú đã trồng được 20.903 kg rau xanh; nuôi 650 con gia súc, gia cầm. Chỉ mới làm được một ít việc như vậy mà bây giờ các trường bán trú các em đã có đủ và thừa rau ăn, có thịt cải thiện. Các em khỏe mạnh, chăm học, chăm làm, đoàn kết, thương yêu gắn bó với trường với lớp và bè bạn.

Có những tấm gương đẹp vì giáo dục

Tất cả vì tương lai con em chúng ta là tiếng gọi tha thiết của Tổ quốc. Tình thương yêu và trách nhiệm đã nảy sinh những hoạt động đầy tâm huyết và sáng tạo trong nhân dân. 

Mô hình trường bán trú và 15 cân gạo cho học sinh miền núi ảnh 3Nên bỏ quan niệm đậu, rớt ở kỳ thi quốc gia

(GDVN) - Sự thay đổi liên tục kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng làm cho xã hội không an tâm, cần có giải pháp lâu dài đối với kỳ thi này.

Tôi vô cùng xúc động khi được chứng kiến trong đám tang cha của gia đình một cán bộ cao cấp người dân tộc Mông ở bản Chà Mạy, xã Long Hẹ huyện Thuận Châu, nhiều cơ quan Trung ương, cơ quan tỉnh, các huyện và bà con phúng viếng tiền của với số lượng tổng hợp không nhỏ nhưng gia đình đã thống nhất: 1 phần để hương khói cho cha, 1 phần để phụng dưỡng mẹ già, 1 phần còn lại ủng hộ cho quỹ khuyến học dòng họ hỗ trợ cho co em đi học. 

Tôi cũng vô cùng khâm phục thầy Sồng A Phía - Hiệu trưởng trường THCS Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, xã vùng cao khó khăn nhất, xa trung tâm huyện nhất; xã chưa có điện, thầy Hiệu trưởng đã lợi dụng dòng suối nhỏ chảy qua trường, ngăn suối làm máy phát điện (thủy điện nhỏ) đủ điện cho các em ở bán trú xem truyền hình buổi tối.

Chúng ta có đầy đủ niềm tin và hy vọng - Bán trú Sơn La đã khởi sắc và sẽ phát triển rực rỡ, bền vững bởi được sự chăm lo của toàn dân, toàn Đảng, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Con em nhân dân các dân tộc được học hành tiến bộ. Một xã hội học tập tươi đẹp. Một ngày không xa Giáo dục - Đào tạo Sơn La sẽ tiến kịp và sẽ có mặt vượt miền xuôi.

NGƯT Trần Luyến