Môn ngoại ngữ nên đưa vào dạy từ mầm non

14/02/2018 08:16
Thùy Linh
(GDVN) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, có tình trạng học sinh sau 12 năm phổ thông vẫn không nói, sử dụng được ngoại ngữ.

Tại cuộc họp báo công bố dự thảo chương trình các môn học/hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Ban soạn thảo cho hay:

Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tiếng Anh sẽ là môn Ngoại ngữ 1. Học sinh sẽ được làm quen với môn tiếng Anh từ lớp 1 và 2. Từ lớp 3 đến lớp 12, đây là môn học bắt buộc.

Theo chủ biên môn tiếng Anh của chương trình giáo dục phổ thông mới – ông Nguyễn Lộc cho biết: "Đường hướng chủ đạo trong chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh là đường hướng giao tiếp. 

Các phương pháp giao tiếp có những điểm tương đồng với đường hướng lấy người học làm trung tâm trong giáo dục học. Đường hướng chủ đạo này quy định các hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh".

Chương trình mới, học sinh phổ thông học bao nhiêu tiết Tiếng Anh?

Theo dự thảo, Tiếng Anh là môn học bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông mới; được xây dựng lấy năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học, kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết.

Và chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 được xây dựng để chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho học sinh tiểu học học tiếng Anh chính thức từ lớp 3 một cách hiệu quả. 

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp Bậc 1, khi kết thúc bậc trung học cơ sở đạt được Bậc 2 và khi kết thúc cấp trung học cơ sở đạt Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Tiếng Anh là môn học bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)
Tiếng Anh là môn học bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)

Nội dung dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm:

Hệ thống các chủ đề (khái quát), các chủ điểm (cụ thể) mang tính gợi ý; các năng lực giao tiếp phù hợp với chuẩn năng lực cần đạt; danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) gợi ý phù hợp với việc phát triển năng lực giao tiếp ở cấp độ đã được qui định trong chuẩn đầu ra.

Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm.

Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết.

Năng lực giao tiếp của môn tiếng Anh là khả năng sử dụng kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) để tham gia vào các hoạt động giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) trong những tình huống hay ngữ cảnh có nghĩa với các đối tượng giao tiếp khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp của bản thân hay yêu cầu giao tiếp của xã hội.

Nội dung dạy học cả về năng lực giao tiếp lẫn kiến thức ngôn ngữ đều dựa trên yêu cầu của năng lực giao tiếp Bậc 1, 2 và 3 trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cụ thể:

Các nội dung dạy học ở bậc tiểu học cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể.

Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/ bạn bè,…

Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”;

Các nội dung dạy học ở bậc trung học cơ sở cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm,…). 

Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu”;

Các nội dung dạy học ở bậc trung học phổ thông cần đảm bảo giúp học sinh có khả năng “hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí,... 

Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra ở những nơi ngôn ngữ đó được sử dụng. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm.

Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình”.

Hoạt động kiểm tra đánh giá đối với môn Ngoại ngữ 1 sẽ được thực hiện theo hai hình thức: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đánh giá thường xuyên được thực hiện liên tục thông qua các hoạt động dạy học trên lớp. 

Trong quá trình dạy học, cần chú ý ưu tiên đánh giá thường xuyên nhằm giúp học sinh và giáo viên theo dõi tiến độ thực hiện những mục tiêu đã đề ra trong Chương trình.

Chỉ tổ chức cho học sinh làm quen tiếng Anh ở lớp 1, lớp 2 trên cơ sở tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh. Khi tổ chức cho học sinh tự nguyện học chương trình Làm quen với tiếng Anh, nhà trường phải có giải pháp tổ chức các hoạt động phù hợp cho những học sinh không tham gia.

Về thời lượng môn tiếng Anh, chủ biên môn tiếng Anh thông tin, chương trình dựa theo Đề án Ngoại ngữ 2020 với 4 tiết/tuần ở tiểu học (lớp 3-5), 3 tiết/tuần ở cấp trung học cơ sở và 3 tiết/tuần ở trung học phổ thông (theo chương trình 35 tuần).

Nên đưa tiếng Anh vào dạy từ bậc mầm non

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, trước đây Bộ thí điểm dạy ngoại ngữ bắt đầu từ lớp 3 với một số lý do trong đó có lý do không đủ giáo viên cho bộ môn này. 

Nhưng trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, theo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã nhiều lần đề nghị thì ngoại ngữ nên đưa vào dạy từ mầm non bởi đây là độ tuổi tiếp thu ngôn ngữ rất tốt.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ khuyên, nên đưa ngoại ngữ vào dạy từ mầm non (Ảnh: Thùy Linh)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ khuyên, nên đưa ngoại ngữ vào dạy từ mầm non (Ảnh: Thùy Linh)

Ông Nhĩ cũng thừa nhận, có tình trạng học sinh sau 12 năm phổ thông vẫn không nói, sử dụng được ngoại ngữ.

Do đó, nếu muốn cải thiện tình trạng này thì trong từng đề thi cần phân chia điểm đối với từng yêu cầu từ đọc, hiểu tới nghe và nói để học sinh nâng dần các kỹ năng lên, có như vậy sau vài năm nữa khi trường đại học đón tân sinh viên mới có thể dạy một số môn bằng ngoại ngữ.

Tuy nhiên, ông Nhĩ cũng cho rằng, muốn đạt được mục tiêu này thì chúng ta cần chuẩn bị thật kỹ về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gợi ý, khi bồi dưỡng giáo viên, chúng ta có thể đưa công nghệ tham gia vào công tác này, được biết ở một số quốc gia họ đã đưa robot vào dạy 4 kỹ năng ngoại ngữ rồi từng bước giải quyết những khó khăn để nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên. 

Còn đối với các trường sư phạm hiện nay thì cần dành thời gian để đào tạo những giáo sinh ra trường trong thế hệ mới phải thành thạo tiếng Anh để hội nhập quốc tế. 

Song song với quá trình dạy và học trong nhà trường thì Việt Nam cũng cần tạo ra môi trường ngoại ngữ có nghĩa là ai ai cũng cần phải biết ngoại ngữ tối thiểu.

Ông Nhĩ nêu ví dụ, tại Campuchia họ yêu cầu, trong 1 năm, những người buôn bán, lái xe, chủ các cửa hàng đều phải biết tiếng Anh (khoảng 1.000 từ), đủ giao tiếp thông thường. Nếu sau 1 năm mà không đáp ứng thì Nhà nước sẽ rút giấy phép hoạt động, không được buôn bán, không được lái xe chính vì vậy mọi người đều cố gắng học tiếng Anh. 

Bởi theo ông Nhĩ, chỉ khi nào tạo được môi trường ngoại ngữ trong xã hội thì khi đó trẻ mới có môi trường để yêu thích ngoại ngữ và trình độ được nâng lên hàng ngày. 

Thùy Linh