"Một giọt ấm lại rơi vào trái tim cô"

18/11/2016 15:22
Nguyễn Thị Thanh Sương
(GDVN) - Mỗi khi nhìn thấy một học trò trưởng thành nên người, cô giáo Sương lại thêm ấm lòng với thành quả mà nghề "chở đò tri thức" mang lại cho mình.

LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sương ở Tây Ninh. Cô đã về hưu nhưng vẫn tiếp tục với sự nghiệp trồng người.

Bài viết là những tâm sự xúc động của cô về niềm hạnh phúc khi nhìn thấy những học trò của mình đã trưởng thành.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả!

Dòng thời gian quả là vô tình không bao giờ dừng lại và cả tôi cũng thế, cứ trôi theo, trôi theo...

Trên con thuyền đời, tôi là người lái đò đưa khách sang sông và mong sao trời yên gió lặng để khách đến nơi an toàn. Tất nhiên chiếc thuyền của tôi bao giờ cũng sẵn sàng tu bổ để mỗi lúc hấp dẫn khách sang sông...

Còn nhớ ngày ấy, thuyền cập bến đợi chờ... 

Quả tình cuộc sống bấy giờ sao mà vất vả, xã hội ta sau chiến tranh vẫn chưa ổn định, cảnh đói nghèo đầy rẫy khắp nơi. 

Người lái đò vẫn quyết lòng một dạ và trung thành với bến xưa.

Ôi khách qua đò có những người rất khó khăn: người gầy còm, má hóp, da đen đủi nhưng đôi mắt mỗi người đều ánh lên một niềm tin rạng rỡ cho tương lai phía trước...

Cô Sương vui vẻ bên các em học sinh trong lớp học hạnh phúc của mình. (Ảnh: Vân Anh)
Cô Sương vui vẻ bên các em học sinh trong lớp học hạnh phúc của mình. (Ảnh: Vân Anh)

18 năm sau, 2001!

Trong bệnh viện đa khoa tỉnh, cô giáo đưa con đến mổ sắp xương. Cô bỡ ngỡ với khuôn viên đậm mùi đau đớn, lòng lo âu... Rồi mọi diễn biến tốt đẹp, ca mổ kết thúc. Cô thở phào nhẹ nhõm. Một nhóm người áo trắng đi đến, có tiếng chào:
   - Em chào cô.

Cô giáo nhìn vị bác sĩ trẻ và chợt nhớ:
    - À, Tiến, cô chào em!

Đôi mắt vị bác sĩ ánh lên niềm vui:
    - Vâng! Là em, thưa cô! Tuấn đã khỏe cô ạ!
    - Thì ra em đã mổ cho con cô. 

Bữa cơm trưa trong căn-tin bệnh viện đậm thắm đượm tình thầy trò. Cậu học trò nắm tay cô thân mật và giới thiệu thật trịnh trọng với đồng nghiệp:
      - Các bạn, đây là cô giáo mà tôi kính yêu nhất trong tuổi học trò.
Nhiều ánh mắt nhìn cô trân trọng.

Đôi mắt cô cay xè, tâm hồn cô ngượng ngùng đón nhận... và hình ảnh vị bác sĩ nhạt nhoà trước mặt: Trần Văn Tiến, cậu bé dáng nhỏ nhắn, hàm răng trắng muốt.

Em là học sinh giỏi Văn đầu tiên của tỉnh nhà, viết chữ đẹp với ước mơ: “em sẽ làm bác sĩ để giúp đỡ dân nghèo”. Lời em nói còn vang vang...              

Mở lớp học Nhân cách sống, cô Sương mong muốn sẽ giúp học sinh tự hoàn thiện bản thân ở lứa tuổi cần khắc sâu theo chủ đề: Hiếu đạo và Học ăn, học nói, học gói, học mở. (Ảnh: Vân Anh)
Mở lớp học Nhân cách sống, cô Sương mong muốn sẽ giúp học sinh tự hoàn thiện bản thân ở lứa tuổi cần khắc sâu theo chủ đề: Hiếu đạo và Học ăn, học nói, học gói, học mở. (Ảnh: Vân Anh)

Một lần đi chợ, khách ở quầy hàng đường đông nghìn nghịt vào dịp Tết. Đứng chờ lấy hàng, có giọng nói trầm trầm:
      - Em chào cô.

Cô quay lại. Chưa kịp chào, lại nghe:
      - Ôi, cô vẫn như xưa. Chỉ có em giờ đã lớn hở cô?

Ô, trong cô là hình ảnh cậu bé loắt choắt, đen đen, mũi cao, mắt sáng, ngồi bàn hai, viết chữ đẹp: Nguyễn Thanh Lâm!

     - Chào em, lâu quá, công việc của em ra sao?
     - Thưa cô, em đã có gia đình, được hai cháu, em tiếp bước theo cô.

Hàng bao cặp mắt đổ dồn về thầy trò cô giáo với sự ngưỡng mộ...

Thì ra em đã là hiệu trưởng, quản lý một trường học mà vẫn còn nhớ đến cô giáo ngày xưa, cô chợt nhớ đến câu: "Trọng Thầy mới được làm Thầy". Lòng cô rưng rưng xúc động...

"Một giọt ấm lại rơi vào trái tim cô" ảnh 3

Nể phục người thầy 16 năm đưa học trò ra đấu trường quốc tế

Trên con đường làng dẫn đến phố chợ, chiếc xe máy hiệu DD đỏ thắm nổi bật trên nền cỏ xanh mượt hai bên đường.

Sáng tinh mơ, không khí thật trong lành. Một đàn bò đi tới, cô dừng xe, nép bên vệ đường.

Người nông dân đi sau đàn bò chợt dừng lại, ngả chiếc nón lá, khoanh tay lễ phép:

     - Em chào cô.
Đôi mắt mở to, cô ngạc nhiên:
     - Chào anh, xin lỗi... A, cô nhớ rồi, em là Tiến, đúng không nào, Tiến B!

Anh học trò xúc động:
     - Cô còn nhớ em. Vâng, em là Tiến B. Cô vẫn còn đi dạy bình thường hở cô?

     - Là nghiệp thôi em ạ. Cô vẫn đến trường. Còn em, cả đàn bò ấy à?

     - Dạ, nhưng của người ta đó cô. Ngày ấy do hoàn cảnh gia đình, em không đủ điều kiện học tiếp...

Rồi thầy trò chia tay. Cô nhớ lại: năm đó, cô đến nhà em: nhà đông người lại quá khó khăn, vả lại lúc ấy đã có bao người no đủ?

Tận sâu thẳm tâm hồn, cô giáo đã gắn đời mình với nghề dạy học. Mỗi lớp học qua đi, lòng cô vẫn ăm ắp sự xuyến xao.

Nhất là những ngày đầu hè, hoa phượng bum búp trên cành, lòng cô lại bồi hồi xúc động: lại một chuyến đò với những vị khách xinh xinh, những tâm hồn trong trắng!

Phải chăng những bài học và những xúc động kia đã chan hòa cùng các tâm hồn của những người học trò yêu mến?

Phải chăng, bài "Ông giáo già" ngày ấy đã để lại trong mỗi tâm hồn các em một ấn tượng khó phai?

Và phải chăng những xúc động của người thầy khi chia tay qua mỗi lớp học đã hoà quyện vào các em tạo nên dòng cảm cả cuộc đời?

Ai bảo rằng nghề dạy học là nghề bạc bẽo?
Chỉ một lần thôi, cũng đủ ấm lòng người trên bục giảng!

2016

Thời gian vẫn trẻ, khỏe, vẫn làm việc đều đều...    
Còn cô giáo giờ đã về hưu!
Cô vẫn còn đứng lớp.
Một ngày trên lớp.

      - Em chào cô.
      - Chào em.

Một chàng trai, quần áo chỉnh chu, tác phong điềm đạm đang lễ phép:
      - Thưa cô, cho em gửi con em học Văn ạ.

Ánh mắt cô ngời sáng. Vẫn là giọng chào đầy sự kính trọng, chính là học trò của cô. Nguyễn Huy Cường!

Sự xúc động làm mắt cô nhoà đi. Thế hệ thứ 2! Cảm ơn em, một học trò còn giữ lại những điều cô dạy từ sự giao tiếp...

Em đã thành đạt!

Một niềm hạnh phúc ở cuối đời người dạy học.
Một giọt ấm lại rơi vào trái tim cô...

Nguyễn Thị Thanh Sương